Cây đậu tương trên vùng cao Mèo Vạc
(HGĐT)- Nghị quyết 07 ngày 28.11.2004 của Huyện ủy Mèo Vạc xác định: Đến năm 2010, tổng diện tích gieo trồng đậu tương đạt 3.500 ha, năng suất trung bình từ 8-10 tạ/ha, sản lượng 2.800-3.000 tấn. Đậu tương được chọn là cây mũi nhọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Mèo Vạc.
Thu hoạch đậu tương ở Mèo Vạc.
Ngày đồng chí Nguyễn Trung Tài, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy còn đảm nhiệm chức Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, tôi đã có dịp cùng đồng chí đi thị sát việc trồng đậu tương ở các xã. Lúc đó, đậu tương mới đưa vào trồng, gặp nhiều khó khăn, rất ít xã trồng loại cây này. Nhìn dải đất dọc đường ra cửa khẩu Xín Cái vàng ươm màu đậu tương chín, chúng tôi thầm ước một ngày gần nhất Mèo Vạc sẽ tràn ngập đậu tương. Sau những chuyến đi thực tế, đồng chí cùng tập thể BCH đánh giá thực trạng cây đậu tương và hoạch định tương lai cho nó. Gần 3 năm, kể từ ngày chiến lược phát triển đậu tương ra đời, tôi trở lại Mèo Vạc. Dọc đường nổi bật nhất là màu vàng của đậu tương đang mùa thu hoạch. Đậu tương chen với đá, vươn lên trên đá, mang lại no ấm cho người dân. Qua một vài vụ thử nghiệm thành công, Mèo Vạc đã chọn đậu tương là cây mũi nhọn, có thế mạnh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có chính sách mở rộng gieo trồng từ 1 lên 2 vụ/năm với các giống mới như DT84, VX93, DT2000. Nhưng việc trồng đậu tương còn dàn trải, manh mún, nhiều gia đình chưa nhận thức đúng, nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, trong khi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ có thể chuyển sang trồng đậu tương rất lớn.
Nghị quyết 07 mở ra hướng mới cho cây đậu tương trên đất Mèo Vạc. UBND huyện xây dựng chương trình hành động, quy hoạch vùng phát triển, chuyên canh đậu tương. Các tổ chức đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, MTTQ… phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về việc đưa đậu tương giống mới vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, XĐGN. Trên cơ sở đó, người dân nhận biết cây đậu tương có thể trồng trên diện tích cấy lúa 1 vụ, trồng trên nương, xen canh gối vụ nhưng không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng khác. Đậu tương được trồng luân canh theo phương thức: Đậu tương xuân - ngô xuân hè - đậu tương Hè thu đối với những xã núi đá, vùng trồng ngô; đậu tương xuân - lúa hè thu - rau màu vụ đông ở những xã núi đá, vùng có diện tích lúa 1 vụ… Huyện có cơ chế, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ giống đậu tương cho hộ nghèo, khuyến khích các gia đình chuyển đổi đất trồng ngô và một số cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng đậu tương.
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 07, cây đậu tương đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, diện tích gieo trồng ngày càng mở rộng. Năm 2005, tổng diện tích gieo trồng đậu tương đạt 2.329 ha, gồm các giống DT84, DT2000, DT112, tổng sản lượng đạt 1.583,65 tấn, tăng 1.265 ha so với năm 2000. Năm 2006, diện tích gieo trồng đạt 2.511 ha, sản lượng đạt 1.593,7 tấn. Năm 2007, vụ đông xuân, diện tích gieo trồng đạt 1.010 ha, cơ cấu giống mới chiếm 79,6%, sản lượng bình quân 656,5 tấn; vụ hè thu, diện tích gieo trồng tăng lên 1.677,30 ha, năng suất dự kiến 7,3 tạ/ha; tổng sản lượng đậu tương năm 2007 đạt khoảng 1.900 tấn. Tuy sản lượng tăng qua các năm nhưng chưa đạt mục tiêu nghị quyết đề ra về diện tích và năng suất. Nguyên nhân do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu nước, thiếu vốn; công tác tuyên truyền nhiều lúc, nhiều nơi chưa sâu sát, thực hiện mang tính chiếu lệ; người dân chưa mạnh dạn ứng dụng KHKT, chưa đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình nên năng suất chưa cao.
Khắc phục tình trạng này, Mèo Vạc tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức đúng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây đậu tương vào gieo trồng. Khuyến khích người dân ở những xã có điều kiện quy hoạch phát triển vùng chuyên canh đậu tương, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây năng suất thấp và đưa 100% diện tích lúa 1 vụ sang trồng đậu tương, trồng xen canh, gối vụ. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật trồng, thâm canh đậu tương giống mới, khuyến cáo nhân dân trồng giống VX93, DT84, DT2000, DT112 và giống Hoa kiều. Mèo Vạc phấn đấu năm 2008, tổng diện tích gieo trồng đậu tương tăng lên 3.100 ha, sản lượng đạt 2.334 tấn; năm 2010 diện tích gieo trồng đạt 3.500 ha, sản lượng cả năm đạt 3.200 tấn... Thực hiện kế hoạch trên, Mèo Vạc sẽ triển khai nhiều giải pháp từ ứng dụng KHKT, luân chuyển giống, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn với lãi suất thấp để mua giống, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Gần 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là cây đậu tương, Mèo Vạc đang trở thành vùng có diện tích đậu tương lớn của tỉnh. Với thị trường tiêu thụ rộng, giá thành sản phẩm cao như hiện nay, đậu tương đã thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Ý kiến bạn đọc