Vì sao tiến độ triển khai Chương trình 135 (giai đoạn 2) của tỉnh còn chậm
(HGĐT)- Chương trình 135 giai đoạn 2 với tổng số vốn đã được giao đến nay là 141 tỷ 712 triệu đồng (trong đó bổ sung năm 2006 là 44 tỷ 910 triệu đồng; vốn kế hoạch năm 2007 là 96 tỷ 802 triệu đồng). Tuy nhiên cho đến nay, tiến độ triển khai còn rất chậm.
Nhờ nguồn vốn từ Chương trình 135, đến nay
các xã đặc biệt khó khăn đã có phòng học khang trang.
Trong 8 tháng qua, toàn tỉnh mới khởi công được 45 công trình, trong đó hoàn thành được 4 công trình đường giao thông nông thôn; tổng giá trị thực hiện ước trên 8,9 tỷ đồng, vốn đã cấp thanh toán được 3,45 tỷ đồng, đạt 4,4% kế hoạch.
Nhìn lại Chương trình 135 giai đoạn 1 (1999-2005), ở giai đoạn này tỉnh ta có 142/195 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), chiếm 73,5% so với tổng số xã trong toàn tỉnh, (trong đó huyện ít xã ĐBKK nhất là Bắc Quang, có 5/23 xã, huyện nhiều nhất là Hoàng Su Phì có 24/25 xã). Trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã dành sự quan tâm, đầu tư cho Hà Giang thông qua Chương trình 135 (Chương trình mục tiêu Quốc gia xoá đói giảm nghèo). Qua 7 năm thực hiện, tổng nguồn vốn đầu tư cho 142 xã ĐBKK là hơn 1.427 tỷ đồng, trong đó vốn Chương trình 135 đầu tư cho 5 dự án thành phần của chương trình là hơn 534 tỷ 503 triệu đồng. Ngoài nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh còn huy động các nguồn vốn khác đầu tư lồng ghép trên địa bàn các xã ĐBKK như: Nguồn vốn XDCBTT; vốn bổ sung các xã biên giới 120, 186; vốn Dự án HPM; Dự án SIDA, nguồn ngân sách địa phương vượt thu... với tổng số vốn đầu tưlồng ghép là trên 892 tỷ 680 triệu đồng. Theo đó các công trình thiết yếu nhất phục vụ sản xuất và đời sống đã được triển khai xây dựng theo đúng nguyện vọng của nhân dân, đội ngũ cán bộ xã được đào tạo, các hộ gia đình thuộc diện đói nghèo được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất được xây dựng đã góp phần từng bước làm thay đổi bộ mặt ở các xã ĐBKK. Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, trường học, nhà lưu trú giáo viên, trạm xá, điện, nước sinh hoạt... Tính đến cuối năm 2005, đã có trên 1.200 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo hiệu quả về kinh tế rõ rệt, thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần phát triển, nhiều xã đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, nhân dân có thêm thu nhập từ việc khai thác vật liệu tại chỗ hoặc tham gia thi công các công trình đơn giản, với mức thu nhập từ 10 đến 14% so với tổng vốn đầu tư xây dựng công trình. Đặc biệt, dự án quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết cho 3.000 hộ, với mục tiêu nhằm điều hoà, di chuyển các hộ từ vùng ĐBKK, mật độ dân số đông, thiếu đất canh tác, xuống vùng kinh tế mới ở các huyện vùng thấp trong tỉnh, có điều kiện canh tác ổn định, lâu dài, khai thác tiềm năng, thế mạnh của các huyện vùng thấp phục vụ đời sống, chấm dứt tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, đồng thời tăng thêm mối quan hệ, giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội giữa các dân tộc, tạo thêm sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc và xây dựng các khu dân cư ổn định bền vững, đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc XĐGN
Năm 2007 là năm đầu thực hiện Chương trình phát triển KT-XH các xã ĐBKK giai đoạn 2. Khác với Chương trình 135 giai đoạn 1 là đầu tư 5 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; dự án xây dựng trung tâm cụm xã; dự án quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư; dự án ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; dự án đào tạo cán bộ xã. Chương trình 135 giai đoạn 2 được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tới tận thôn, bản theo nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn cho từng dự án của từng xã trên địa bàn các huyện như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; Dự án hỗ trợ đào tạo cán bộ xã... Đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2007, tổng số vốn kế hoạch được giao cụ thể cho các xã ở 10 huyện là 78 tỷ 400 triệu đồng. Sau khi nhận được chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao, các huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện chương trình tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch và lựa chọn công trình theo đúng các quy định hiện hành. Tính đến 31.8, đã có tổng số 460 đầu điểm công trình như: Đường giao thông; thủy lợi; trường Mầm non; Trạm y tế; công trình điện; điểm trường; trụ sở thôn, bản và Nhà văn hoá; nhà lưu trú học sinh; công trình phụ trợ; xây dựng chợ được các xã lựa chon. Tuy nhiên tiến độ triển khai rất chậm. Theo báo cáo chưa đầy đủ, đến nay toàn tỉnh mới khởi công được 45 công trình, trong đó hoàn thành được 4 công trình đường GTNT, tổng giá trị thực hiện ước trên 8,9 tỷ đồng, vốn đã cấp thanh toán được 3,45 tỷ đồng, đạt 4,4% kế hoạch.
Về Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, năm 2007 được bố trí nguồn vốn của 2 năm (2006-2007), với tổng số vốn là 26 tỷ 880 triệu đồng cho 112 xã của 10 huyện, với định mức 120 triệu đồng trên một xã và tỉnh cũng đã bố trí vốn cụ thể cho các xã để triển khai thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, qua 8 tháng đầu năm nay, giá trị thực hiện của 9/10 huyện mới chỉ đạt trên 13 tỷ 608 triệu đồng, song mới thực hiện giải ngân được 11 tỷ 516 triệu đồng. Đối với Dự án đào tạo, tập huấn cán bộ xã, mặc dù các huyện đã được giao kế hoạch và vốn hỗ trợ, song tính đến 31.8 các huyện mới mở được 25 lớp cho 975 học viên với mức kinh phí thực hiện 228 triệu đồng trên tổng số 6 tỷ 050 triệu đồng, đạt 3,7% kế hoạch...
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và đầu tư (cơ quan Thường trực BCĐ Chương trình 135) và các huyện thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn 2 thì nguyên nhân chậm tiến độ triển khai thực hiện là do: Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình của T.Ư còn chậm, nhất là tài liệu cho dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã; việc phân cấp chưa cụ thể cũng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp phần dự án hỗ trợ sản xuất gặp khó khăn; đa số các công trình của giai đoạn này đều ở các địa bàn khó khăn, sự đóng góp công sức của nhân dân khó đáp ứng; việc phân cấp mạnh cho xã làm chủ đầu tư các dự án làm cho hầu hết các xã gặp lúng túng do năng lực cán bộ xã còn nhiều hạn chế, đặc biệt việc khai toán các đầu điểm công trình chưa sát với thực tế, không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay; việc thiết kế, cũng như thi công các công trình hầu hết các huyện, xã đều giao cho các doanh nghịêp thực hiện, chưa sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của huyện trong lĩnh vực xây dựng giúp xã khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; việc chỉ đạo ở một số huyện còn thiếu tập trung, chưa đồng bộ, công tác thông tin báo cáo chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện không được xem xét, giải quyết kịp thời... dẫn đến tiến độ triển khai chậm.
Từ thực trạng trên, cùng với những nền tảng và bài học kinh nghiệm của Chương trình 135 giai đoạn 1, Chương trình 135 giai đoạn 2 là ưu tiên dành cho nhân dân ở các xã ĐBKK đến tận thôn, bản, vì vậy cần sớm được giải quyết kịp thời những vướng mắc và thực hiện một cách đồng bộ hơn các giải pháp đã đề ra, với trách nhiệm cao hơn của Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở.
Ý kiến bạn đọc