Nhận thức rõ thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp bền vững

17:07, 26/09/2007

(HGĐT)- Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta vừa qua, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã làm sáng rõ thêm bức tranh toàn cảnh của Hà Giang hiện tại và trong tương lai, đó là biến những khó khăn đặc thù thành thế mạnh để phát triển nền nông nghiệp bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.


        
                    Kiểm tra mô hình đậu tương xã Phố Lồ (Hoàng Su Phì).

Khi phân tích về chiến lược phát triển của tỉnh, Tổng Bí Thư đã chỉ rõ: Hà Giang cần nhận thức rõ thế mạnh và khó khăn đặc thù để xác định hướng đi đúng. Tiềm năng và lợi thế phát triển, đó là truyền thống cách mạng, sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em; là tiềm năng từ rừng; tiềm năng phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ; nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và là vùng cao khí hậu cận ôn đới, với nhiều loại đặc sản hàng hoá; có truyền thống chăn nuôi đại gia súc đạt hiệu quả kinh tế cao; có hệ thống chợ nông thôn rộng khắp; có tiềm năng phát triển du lịch, văn hóa... Trong đó, Tổng Bí thư cũng đã khẳng định: Chỉ riêng về lợi thế sản xuất nông - lâm nghiệp, nếu tỉnh có chính sách thu hút tốt sự quan tâm của các nhà khoa học, tạo sự đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chắc chắn sản phẩm nông - lâm nghiệp của Hà Giang không những có giá trị hàng hóa cao đối với thị trường trong nước mà còn tạo cho mình một chỗ đứng tốt trong nền kinh tế hội nhập quốc tế; Hà Giang có diện tích rừng rất lớn, nên cần tập trung phát triển kinh tế từ rừng, quy hoạch vùng rừng hợp lý, vùng cây ăn quả với giá trị tốt nhất, đặc biệt quan tâm chỉ đạo đưa tiến bộ công nghệ sinh học như tuyển chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật bảo quản, chế biến... vào sản xuất để tạo thành hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao; các cán bộ khoa học kỹ thuật phải nghiên cứu kỹ tập quán canh tác trên đất dốc của đồng bào để có phương pháp chỉ đạo phù hợp; chú trọng hệ thống thuỷ lợi để giải quyết nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước cho sản xuất của đồng bào; tỉnh cần đầu tư phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, có chất lượng tốt, đưa chăn nuôi đại gia trở thành ngành chính; phát triển giao thông nông thôn, xây dựng các thị tứ, hình thành mạng lưới chợ để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho đồng bào... ; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư; nâng cao dân trí, trình độ cho người lao động; xây dựng hệ thống cơ sở chính trị vững mạnh, phát huy quy chế dân chủở cơ sở khơi dậy nguồn nội lực sức dân...

 

Sự chỉ đạo định hướng chiến lược phát triển cho Hà Giang đã rõ, đó là biến những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên thành lợi thế để phát triển nông nghiệp và nông thôn. Song đây là một lĩnh vực rộng lớn, bao trùm toàn xã hội, cần có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, nhưng trước hết ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải đi đầu, tạo được sự chuyển động mạnh, làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh cụ thể hóa những định hướng phát triển thành mục tiêu, kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn một cách khoa học thì mới phát huy được hiệu quả của các nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xóa đói nghèo, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh khu vực. Vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, song chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thực hiện được.

 

Chúng tôi đã có dịp trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Bào, Giám đốc Sở NN-PTNT, được biết: Trong những năm qua, tỉnh ta đã tạo được bước đột phá khá quan trọng, đã có hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững, hình thành một chu trình sản xuất hàng hóa khép kín, bắt đầu từ khâu quy hoạch vùng miền sản xuất hàng hóa trong toàn tỉnh - tuyển chọn giống - hướng dẫn kỹ thuật trồngtrọt, chăn nuôi đến chuyển giao công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tiếp thị thị trường. Ngành đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh mở các Hội nghị chuyên đề bàn biện pháp phát triển chăn nuôi bò ở vùng cao, nuôi trâu ở vùng thấp, trồng chè đặc sản; quy hoạch và phát triển rừng... từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với qui mô lớn như vùng chè ở Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình với trên 15 ngàn ha, trong đó có trên 12.500 ha chè kinh doanh; vùng cam quýt Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên với trên 5 ngàn ha; phối hợp với các ngành chức năng đưa vào khảo nghiệm thành công nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc thù của từng vùng đất như trồng rau hoa trái vụ, nuôi cá nước lạnh ở Quản Bạ; trồng Lê Đài Loan, Đào đỏ Vân Nam Trung Quốc, Hoa Hồng Đà Lạt, dược liệu ở Đồng Văn; trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc ở các huyện vùng cao núi đá; hình thành mạng lưới khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở với gần 2 ngàn khuyến nông viên thôn bản, giúp bà con nông dân lập dự án vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Đặc biệt, thông qua các Hội chợ Thương mại, du lịch... tại tỉnh và trong nước, quốc tế đã giới thiệu quảng bá sản phẩm hàng hóa của Hà Giang, đã tạo ra một thị trường rộng lớn, hình thành nên nền sản xuất hàng hóa, đã hình thành được hàng ngàn mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập cao, hàng năm thu tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng; triển khai có hiệu quả các chương trình dự án tạo được bước phát triển mới trong nông nghiệp, nông thôn; nhiều thị tứ, cụm dân cư tập trung, chợ nông thôn được mở mới.

 

Kết quả trên cho thấy, chúng ta đã và đang đi đúng hướng. Vấn đề khó khăn, cản trở sự phát triển của tỉnh đang được tháo gỡ đó là: Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng 30 hồ treo cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh; giải quyết nợ vốn xây dựng cơ bản chương trình 135 giai đoạn 1, và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 đối với xã đặc biệt khó khăn của tỉnh với mức đầu tư trên 900 triệu đồng/xã/năm; Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ dành cho vùng khó khăn vay vốn tối đa 30 triệu đồng/ hộ, lãi suất ưu đãi của Ngân hàng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, trong đó tỉnh ta có 181/195 xã thuộc vùng khó khăn; Quyết định 132, nâng suất đầu tư cho vay hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn từ 1,5 triệu đồng lên 5 triệu đồng (không tính lãi). Ngoài ra, T.Ư tiếp tục đầu tư vốn để giải quyết tốt các vấn đề nước sinh hoạt, thuỷ điện, chuyển giao KH-CN và đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Giang.

 

Như vậy, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; tỉnh đã và đang triển khai đồng loạt các biện pháp từ việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy tinh thần dân chủ của nhân dân cùng với sự quản lý của ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, tuyển chọn các loại cây trồng vật nuôi cho các vùng, cung ứng tốt giống, vật tư sản xuất, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, phát triển dịch vụ lưu thông hàng hóa, chế biến nông lâm sản tại chỗ và hạn chế thấp nhất những rủi do do thiên tai, hoả hoạn. Với chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành tin tưởng rằng đồng bào các dân tộc Hà Giang có bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy, nâng cao trình độ sản xuất, canh tác, nỗ lực xóa nghèo làm giàu cho chính mình, góp phần xây dựng tỉnh mạnh, trở thành “phên dậu” vững chắc của Tổ quốc.


Vũ Thành

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy
(HGĐT)- Khu Kinh tế Cửa khẩu (KTCK) Thanh Thuỷ được quy hoạch xây dựng trên diện tích 360 ha. Trong đó, giai đoạn 1 quy hoạch xây dựng trên diện tích 100 ha, thực hiện đến năm 2010. Giai đoạn 2, quy hoạch xây dựng trên diện tích 260 ha, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020.
24/09/2007
Làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những lĩnh vực nổi bật nhất của Việt Nam sau 8 tháng gia nhập WTO, là đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục mới. Do đó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã chính thức điều chỉnh dự báo kế hoạch thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2007 từ 12 tỷ USD lên 13 tỷ USD.
24/09/2007
Hiệu quả từ dự án nuôi thử nghiệm cá chiên lồng
(HGĐT)- Trong những năm qua, nhằm tìm kiếm các giải pháp xoá nghèo cho hội viên, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng được một số dự án phát triển kinh tế hộ gia đình khá hiệu quả. Mô hình thử nghiệm nuôi cá Chiên lồng là một trong dự án như thế.
22/09/2007
Khẳng định uy tín và vị thế
(HGĐT)- Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác kinh doanh, nhưng với sự đoàn kết quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ CCVC toàn ngành nên 8 tháng đầu năm nay, Ngân hàng No&PTNT tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao, an toàn và hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc CNH-HĐH của tỉnh.
20/09/2007