Nậm Ty mãi xanh vùng chè shan cổ thụ
(HGĐT)- Sau gần 5 năm tôi mới có dịp trở lại Nậm Ty (Hoàng Su Phì) - vùng đất của ruộng lúa bậc thang và cây chè San tuyết cổ thụ. Ấn tượng đầu tiên là lời nhận định chắc nịch của Chủ tịch UBND xã Phàn Tà Khé: “Người dân Nậm Ty giờ đã có đủ gạo ăn quanh năm, không còn đói nữa, nhiều hộ trở nên khá giả nhờ biết cách làm ăn.
Tuyển chọn chè khô tại cơ sở kinh doanh, chế biến chè Nậm Ty. |
So với các xã trong huyện, Nậm Ty có điều kiện hơn trong phát triển KT-VH-XH, đó là có đất trồng lúa; có điều kiện đất đai để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; đây là vùng đất phát triển của cây chè Shan tuyết. Thuận lợi hơn đó là ý thức nhanh nhạy của người dân trong sản xuất, chăn nuôi và có kinh nghiệm trồng chè từ nhiều đời nay, từ đó có thể phát huy tiềm năng sẵn có của gia đình, địa phương.
Xã có 213 ha đất trồng lúa, do địa hình hiểm trở, không có nước tưới nên bà con chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa. Xác định rõ việc ổn định lương thực là nền tảng cho sự phát triển nên cấp uỷ, chính quyền xã đã tập trung vận động bà con sản xuất theo hướng trồng cây giống mới kết hợp với thâm canh để đạt năng xuất, sản lượng cao. Nhiều năm gần đây, diện tích được trồng bằng giống lúa lai luôn đạt trên 90%, chỉ còn một bà con trồng lúa nếp địa phương. Lúa giống mới, bà con lại chịu khó chăm sóc, thâm canh nên vụ nào cũng đạt năng suất từ 48 - 50 tạ/ha, sản lượng lúa hàng năm đạt bình quân trên 1000 tấn. Đồng chí Chủ tịch xã khẳng định: “Nhờ trồng lúa giống mới, chăm sóc tốt nên bây giờ xã không phải lo đến vấn đề ổn định lương thực cho bà con nữa, mặc dù theo tiêu chí mới xã vẫn còn 142 hộ nghèo nhưng họ vẫn có đủ gạo ăn quanh năm, lương thực bình quân đầu người ở xã đã đạt gần 450 kg/năm”. Ngoài trồng lúa xã chỉ đạo bà con trồng ngô để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng đậu tương để làm lương thực và bán. Năm nào xã cũng có hơn 100 ha đậu tương và ngô, trong đó chủ yếu làđậu tương, ngô lai. Cây ngô, cây đậu tương đã giúp bà con có thêm điều kiện để chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nếu sản xuất cây có hạt, xã chỉ ổn định được lương thực, người dân chỉ đủ ăn chứ không khấm khá lên được. Để có sự phát triển kinh tế ổn định, xã tập trung chỉ đạo bà con phát triển chăn nuôi và trồng, chăm sóc chè. Đây là những sản phẩm có nguồn thu lớn bằng tiền mặt, giúp người dân thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống, đây cũng là một trong những giải pháp để đạt được tiêu chí về thu nhập bình quân quy ra tiền hàng năm, giúp xã nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Chè là cây thế mạnh của xã, cây đã và đang giúp xã thực hiện nhanh công tác xoá nghèo và giúp nhiều hộ dân trở nên khá, giàu. Cây chè ở xã đã được người dân đưa vào trồng từ rất lâu, người dân ở xã đã quen và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và thu hái chè. Loại chè được trồng và phát triển ở xã là giống chè Shan tuyết, uống rất ngon và được thị trường tiêu thụ ưa thích. Chính vì đặc điểm đó nên trong nhiều năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã luôn coi chè là cây kinh tế mũi nhọn.
Ngoài trồng chè, ở xã còn có có 22 hộ sản xuất và chế biền chè búp tươi bằng máy chè mini công suất khoảng 1 tấn chè/ngày. Do đó sản phẩm của bà con bán ra đến đâu được thu mua ngay đến đó, thậm chí các hộ chế biến chè búp còn đến tận các xã Bản Péo, Nam Sơn để thu mua cho đảm bảo công suất. Mỗi năm, sau khi sơ chế, các hộ kinh doanh chè xuất ra thị trường khoảng 210 tấn chè khô, tổng doanh thu qua địa bàn và các nhà kinh doanh khoảng 6,4 tỷ đồng. Các hộ kinh doanh, chế biến chè ở xã còn tạo được rất nhiều việc làm mùa vụ cho người dân địa phương. Cây chè ngày trước, bây giờ và mai sau vẫn luôn là cây kinh tế mũi nhọn, XĐGN ở Nậm Ty.
Từ sản xuất, chăn nuôi, trồng chè, đời sống của người dân trong xã đã có sự ổn định, khấm khá dần lên. Đến nay, xã đã có 80 hộ khá, 2 hộ giàu và chỉ còn 142 hộ nghèo. Gần 100% số hộ đã mua được xe máy, 70% số hộ mua ti vi, 2 thôn đã được sử dụng điện lưới và đa số các hộ đã có máy phát điện nước.
Nậm Ty mãi xanh vùng chè Shan cổ thụ, theo màu xanh của chè người dân nơi đây sẽ hết nghèo và vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến bạn đọc