Hướng đi vững chắc cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh
(HGĐT)- Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư ngày càng nhiều vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN).
Dây chuyền xử lý, chế biến nguyên vật liệu của
Nhà máy Bột giấy Hải Hà (Bắc Quang) khu công nghiệp Nam Quang.
Đã hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp cổ phần hóa các doanh nghiệp công nghiệp do địa phương quản lý, từ đó dẫn đến quy mô sản xuất, hiệu quả kinh tế và nămg suất lao động của các cơ sở sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 3.277 cơ sở sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp với 8.664 lao động, bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 114 triệu đồng.
Điểm nổi bật trong thời gian qua là tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác quy hoạch công nghiệp, làm tiền đề, căn cứ để triển khai xây dựng các dự án kêu gọi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển CN-TTCN của tỉnh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2010 và có tính đến 2020. Cụ thể như lĩnh vực công nghiệp khai khoáng có sự phát triển mạnh, đã hoàn thành quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn giai đoạn 2006 - 2010 và có tính đến 2020 với 4 loại khoáng sản: Sắt, Chì - Kẽm, Mangan, ăngtimon; triển khai xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Về Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, đã hoàn thành quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Các cơ sở chế biến nông - lâm sản thực phẩm được hình thành và phát triển, một số cơ sở đã đầu tư kỹ thuật tiên tiến, sản xuất có hiệu quả, chất lượng sản phẩm được thị trường chấp nhận. Công tác dạy nghề, cấy nghề, phát triển nghề thủ công nghiệp được chú trọng nhiều, thông qua sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, chương trình của Liên minh HTX tỉnh, liên kết dạy nghề và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp... đã hình thành các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp mới (HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình) và khôi phục, phát huy được một số nghề thủ công truyền thống trên địa bàn, đặc biệt là ở các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, thị xã Hà Giang; bước đầu kinh doanh có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Từ những kết quả trên, tỉnh đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp để phát triển công nghiệp trong thời gian tiếp theo. Quan điểm của tỉnh là xây dựng và phát triển CN-TTCN của tỉnh đến 2010, có tính đến 2020 theo hướng phát triển nhanh, bền vững; trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư các năm và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các tiềm năng lợi thế về thị trường, lao động gắn với việc xử lý tốt chất thải công nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái; huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, các loại hình huy động đầu tư cho phát triển CN-TTCN; đầu tư phát triển cơ sở sản xuất CN-TTCN có quy mô hợp lý, phù hợp với quy mô và tính chất của vùng nguyên liệu bằng công nghệ sản xuất tiên tiến, tạo khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu của tỉnh là tập trung phát triển nhanh các lĩnh vực CN-TTCN có lợi thế như: Xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông- lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; hình thành hệ thống sản xuất CN-TTCN hoạt động có hiệu quả, tăng trưởng cao góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 bình quân 26%/năm, tạo bước đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; đến 2010, cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng trong tổng GDP của toàn tỉnh chiếm 34% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.200 tỷ đồng. Duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 20 - 22%/năm. Đến 2015, đạt tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 40%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.727 tỷ đồng; đến năm 2020, đạt tỷ trọng công nghiệp xây dựng chiếm 45%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.200 tỷ đồng. Cũng trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong đầu tư xây dựng hệ thống thủy điện theo quy hoạch, bao gồm các thủy điện Nho Quế 1, 2, 3; hệ thống thủy điện sông Miện, gồm các thủy điện: Thái An, Thuận Hoà, Sông Miện 1 có công suất khoảng 120 MW; hệ thống thủy điện sông Lô gồm: Thủy điện Nậm Đông, Nậm Ngần, Sông Bạc, Phương Độ, Suối Sửu 1, 2, Nậm Ly 1, 2 với tổng công suất 100MW để năm 2010 có tổng công suất lắp máy đạt khoảng 400MW, sản lượng điện 1,2 đến 1,4 tỷ KWh/năm. Xây dựng quy hoạch thủy điện giai đoạn II (2011 - 2015), nâng tổng công suất các công trình thủy điện đến 2015 đạt 600MW; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống truyền tải phân phối điện để đến 2010 có trên 80% số hộ trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới Quốc gia, 15% số hộ được sử dụng các nguồn điện khác; đầu tư phát triển nguồn cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn, đảm bảo đến 2010 đạt 50% số hộ trong tỉnh được sử dụng nước sạch, từng bước đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo cung cấp nước đủ cho 4 huyện vùng cao trong mùa khô với quy mô 40 lít/người/ngày. Xây dựng, hình thành đồng bộ ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; tập trung xây dựng và đưa vào vận hành các cơ sở khai thác, chế biến công nghiệp như: Quặng sắt ở Tùng Bá, Sàng Thần, Nam Lương, Lũng Rầy, Thâm Thiu, Suối Thâu... phấn đấu đạt quy mô khai thác 1,5 triệu tấn/năm; quặng Chì, Kẽm, ăngtimon, Mangan trên địa bàn. Củng cố Hiệp hội các doanh nghiệp chè Hà Giang nhằm tạo sự đột phá trong huy động năng lực sản xuất của các doanh nghiệp; đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu sợi dài 120.000 tấn/năm, sợi ngắn 80.000 tấn/năm cho các nhà máy giấy. Khôi phục, nâng cấp công nghệ các ngành nghề thủ công truyền thống mang tính văn hóa các vùng của các dân tộc; đầu tư dạy nghề, phát triển sản xuất thủ công nghiệp, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Củng cố, nâng cao trình độ quản lý, công nghệ lắp ráp, lựa chọn sản phẩm, linh kiện mới chất lượng cao; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển các xưởng gia công, sửa chữa cơ khí, gò, hàn, chế tạo nông cụ... đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc