Hiệu quả từ dự án nuôi thử nghiệm cá chiên lồng
(HGĐT)- Trong những năm qua, nhằm tìm kiếm các giải pháp xoá nghèo cho hội viên, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng được một số dự án phát triển kinh tế hộ gia đình khá hiệu quả. Mô hình thử nghiệm nuôi cá Chiên lồng là một trong dự án như thế.
Cá chiên là loại cá hoang dã quý hiếm, thịt thơm ngon, có giá thành cao. Hiện nay, lài cá này bị khai thác đánh bắt quá mức nên số lượng tại các sông suối ngày càng cạn kiệt dần. Vậy nên, nuôi cá Chiên không những đem lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ một loài cá qúy hiếm của vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Xuất phát từ mục tiêu trên, Hội Phụ nữ tỉnh đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá Chiên lồng với sự hỗ trợ kinh phí của Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội. Dự án "Nuôi thử nghiệm cá Chiên lồng" được triển khai thực hiện từ tháng 12.2005 với 20 hộ gia đình hội viên Hội phụ nữ tham gia. Số hộ gia đình này đa phần sinh sống ven các sông, suối, tập trung tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên) và Tân Thành (Bắc Quang). Để mô hình đạt hiệu quả, BQL đã tổ chức thực hiện nghiêm túc từ việc chọn địa điểm đặt lống cá, bố trí nguồn vốn đến tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân... Nhờ đó, người dân từ chỗ khá mơ hồ về loài cá này cũng như cách thức nuôi đã nhận thức được việc làm của mình không chỉ là nghề tăng thu nhập cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ một loài cá quý của địa phương. Cùng đó, kiến thức và kỹ năng nuôi cá lồng của các hộ dân tham gia dự án nâng lên rõ rệt.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, BQL dự án cũng xác định phải chọn những người ham thích và biếtlàm kinh tế cùng tham gia mô hình với phương châm “lấy nông dân dạy nông dân”. Sau khi hoàn tất việc chọn địa điểm, BQL dự án đã tiến hành ký kết hợp đồng thực hiện mô hình thử nghiệm với 20 hộ gia đình. Mỗi hộ được dự án cho vay 2.200.000đ. Ngoài ra, dự án còn đầu tư cho mỗi hộ 3.800.000 đ không thu hồi nhằm khuyến khích các hộ mạnh dạn tham gia mô hình. Về phía các hộ nông dân phải chịu trách nhiệm làm lồng cá. Mặc dù được triển khai từ cuối 2005 nhưng do nguồn cá giống phải thu mua gom của những người đánh bắt trên sông nên phải mất gần 8 tháng mới đủ số lượng con giống cung cấp cho các hộ nuôi. Đến nay, lượng cá Chiên nuôi chủ yếu đạt thời gian trên dưới 1 năm. Đánh giá sơ bộ cho thấy các hộ nuôi từ 70 đến 100 con/lồng đã đạt từ 0,5 đến 0,8 kg/con, tổng sản lượng trung bình từ 40-70kg/lồng. Trong đó có 9 hộ đạt sản lượng 120 kg/lồng, mỗi con nặng từ 1-1,5 kg.
Để nuôi cá Chiên lồng, việc hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi, cách thức bảo vệ lồng cá đến việc tạo nguồn thức ăn cho cá là vô cùng quan trọng. Các khóa tập huấn đã cung cấp cho nông dân các kiến thức, kỹ năng vàchuyên môn cần thiết về nuôi cá Chiên lồng theo chu trình sinh trưởng của cá. Với phương pháp học đi đôi với hành, các lớp tập huấn còn trình diễn các thao tác kỹ thuật để người không biết chữ cũng có thể nhìn nhận và áp dụng. Truyền đạt kinh nghiệm của gia đình, anh Nguyễn Văn Hoán, một chủ hộ tham gia dự án cho biết: Cá Chiên ưa thích thức ăn động vật nhưng thực tế là nấu cám ngô, gạo, sắn thật dẻo, trộn với các loại thức ăn động vật như ốc, giun… rồi cho cá ăn cũng lớn rất nhanh. Bên cạnh đó, gia đình nào chăn nuôi gia súc thì tận dụng phân nuôi giun quế, chủ động thức ăn cho cá. Chính nhờ cách làm này, các hộ tham gia nuôi thử nghiệm cá Chiên lồng đều đảm bảo nguồn thức ăn cho cá. Không những thế, để tận dụng nguồn thức ăn thừa của cá Chiên, các hộ tham gia mô hình đều nuôi kết hợp với các loại cá cho thu hoạch nhanh hơn như: Trắm cỏ, rô phi, chép… bằng cách chia lồng thành hai ngăn, ngăn cá Chiên nằm ở đầu dòng chảy, ngăn các loại cá khác nằm phía cuối dòng chảy. Chính cách làm này đã góp phần tạo thu nhập nhanh hơn cho người nông dân. Đồng thời, đảm bảo năng suất 100- 120 kg cá/ lồng và cho thu nhập trên 20 triệu đồng/ lồng. Hiện nay, sơ bộ hoạch toán cho thấy các lồng nuôi cá Chiên đều có lãi từ 40- 50 % tổng giá trị vốn đã đầu tư.
Qua thực tế trên có thể khẳng định đây là một mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả, cho thu nhập bền vững. Không những thếmô hình thử nghiệm nuôi cá Chiên lồng của Hội Phụ nữ tỉnh còn góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường kiến thức của nông dân địa phương về việc bảo tồn giống cá quý hiếm và môi trường sinh thái của chúng; cung cấp nguồn thực phẩm quý cho người tiêu dùng cũng như cung cấp nguồn giống cá bố mẹ phục vụ cho mục đích sinh sản nhân tạo sau này. Mặc dù qui mô dự án không lớn nhưng với những gì mà nó đem lại đã góp phần để người dân thấy rõ hiệu quả của nghề nuôi cá lồng, một nghề không mới ở Hà Giang nhưng không mấy ai dám mạnh dạn đầu tư phát triển. Từ ảnh hưởng của dự án này, tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển trên 100 lồng cá các loại, bước đầu khai thác nguồn lợi thủy sản sẵn có của địa phương.
Tuy nhiên, đa phần người nông dân tỉnh ta chỉ quen canh tác trên cạn nên rất dè dặt trước một nghề sông nước như nghề nuôi cá lồng. Bên cạnh đó, nghề này cũng đòi hỏi người nuôi phải có những am hiểu nhất định về sông nước, dám mạnh dạn đầu tư... Do đó, để mô hình được mở rộng, trở thành một nghề xóa nghèo bền vững của tỉnh thì các cấp, các ngành cần có những tác động cụ thể hơn nữa để người nông dân được tiếp cận thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển thủy sản, nhất là nuôi các loại cá quý hiếm của địa phương đang có nguy cơ cạn kiệt dần như cá Chiên, kết hợp với việc bảo vệ môi trường nước và giúp người dân mạnh dạn tiếp cận các nghề mới cho thu nhập cao...
Ý kiến bạn đọc