Xây dựng bền vững thương hiệu chè Hà Giang

09:38, 23/08/2007

(HGĐT)- Theo tổ chức Nông lương thế giới (FAO), trong nhiều năm gần đây, chè Việt Nam đứng thứ 7 về sản lượng, đứng thứ 6 về khối lượng xuất khẩu; được xuất sang 107 thị trường các châu lục, trong đó có 18 thị trường truyền thống, 68 thị trường là thành viên WTO.


 

Chè nguyên liệu được thu mua về xưởng chế biến ở Công ty Cổ phần chè Hùng An đảm bảo chất lượng tốt.

Thực trạng và thị trường:

 

Các nhà quản lý đầu tư chuyên theo dõi ngành chè của tỉnh cảnh báo, thời gian qua, do sự nhận thức chưa đầy đủ của người trồng chè và sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của không ít tổ chức doanh nghiệp, cá nhân, đã làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng Chè Hà Giang. Đó là hiện tượng người trồng chè “chạy” theo “cơn lốc giá” dẫn đến làm ẩu, thu hái theo kiểu “triệt sản” làm cho nhiều nơi, nhiều vùng chè giảm năng suất, gây mất uy tín, chất lượng và làm giảm lòng tin người tiêu dùng.

 

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam: Chè Hà Giang có 2 loại giống cơ bản đó là: Chè Shan tuyết lá to và chè Shan tuyết lá nhỏ, phân bố ở hầu hết trong địa bàn toàn tỉnh, có chất lượng rất tốt. Tổ chức IIC (Luân Đôn) nhận định: Chè Hà Giang là vùng chè hữu cơ (chè sạch 100%) và cả Việt Nam chỉ có 3 vùng như vậy, trong đó, chè Hà Giang là 1 trong 3 vùng đó được xếp loại bảo tồn, đánh giá cao.

 

Qua các chỉ số đánh giá chất lượng của các Hiệp hội sản xuất chè trong nước và Quốc tế cho thấy: Chè Shan tuyết Hà Giang có chỉ số ta nanh đạt 37,5%, vượt trên cả chỉ số mong đợi về chất lượng. Hiện nay, Hà Giang đang có diện tích đứng thứ 3 trong toàn quốc, chỉ sau Lâm Đồng trên 25.000 ha; Thái Nguyên trên 20.000 ha và Hà Giang là 15.046 ha. Sản lượng chè búp tươi thu hoạch năm 2006 đạt trên 39.375 tấn, tăng so với năm 2001 là 18.981 tấn, đạt 193%.

 

Gần 7 tháng đầu của năm 2007, sản lượng chè thành phẩm được chế biến xuất khẩu trên 3.500 tấn, xuất sang 20 quốc gia, vùng lãnh thổ - đáng mừng là chè Hà Giang đã xâm nhập, đi vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Mỹ, ấn Độ, Anh... Cũng trong thời điểm nửa năm nay, có lúc chè búp tươi đã đạt chỉ số thu mua nguyên liệu từ 8-15 ngàn đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá thu mua chè tươi nguyên liệu trở lại bình ổn và cao hơn các năm trước từ 800 - 1.200 đ/kg, hiện tượng “sốt giá” chè nguyên liệu không còn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Giá chè hiện nay đã cơ bản ổn định kể cả thị trường trong, ngoài nước. Phân tích nguyên nhân, hiện tượng sốt giá chè nguyên liệu đầu năm, các nhà kinh tế cho biết: Thời điểm đó do nhu cầu thu mua tăng cao của thị trường chè Trung Quốc tập trung tích trữ cho năm thể thao Ô-lim-pích 2008 được tổ chức tại Bắc Kinh, buộc các nhà kinh doanh chiến lược Trung Quốc tăng thu mua, dự trữ là nhân tố chính. Bên cạnh đó là nhu cầu tiêu thụ chè thế giới nâng cao. Hiện tại, toàn cầu có 153/245 quốc gia, vùng lãnh thổ dùng sản phẩm chế biến từ chè. Gần đây, các nghiên cứu khoa học kết luận, uống chè, các sản phẩm từ chè đã ngăn ngừa, hạn chế ung thư, có khả năng kéo dài tuổi thọ, bồi bổ sức khỏe... Thực tế sản xuất và thị trường trong nửa năm đầu 2007 cho thấy: Kể cả trong “cơn sốt giá” và lúc bình thường, thì doanh nghiệp nào làm ăn chân chính vẫn luôn có chỗ đứng trong người tiêu dùng, nổi bật nhất là doanh nghiệp Chè Hùng An. Tiêu chí để Hiệp hội Chè xét, cấp và đánh giá thương nhãn hiệu hàng hóa đó là: Có vùng chè nguyên liệu ổn định; có công nghệ sản xuất từ trồng, thu hái, chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có năng lực cạnh tranh về uy tín, khả năng tài chính v.v... trong đó có vùng nguyên liệu ổn định là tiêu chí hàng đầu để đánh giá doanh nghiệp phát triển ổn định. Trên thực tế có nhiều nơi như Mộc Châu (Sơn La), hay Lâm Đồng, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện đầu tư, thu mua, trồng mới, tạo vùng nguyên liệu ổn định để đầu tưchiều sâu nâng cao chất lượng sản phẩm chè sau chế biến. Nước ta hiện có 34/64 tỉnh, thành có chè với diện tích trên 125.000 ha, chuyên cung cấp cho 600 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến, cùng hàng ngàn cơ sở chế biến thủ công. Nhiều doanh nghiệp từ Nga, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc... đã đầu tư 100% vốn để làm chè tại Việt Nam . Điểm lại như vậy để nhận ra một điều, chè Hà Giang đang có và chiếm giữ một vị trí rất quan trọng không chỉ trong nền kinh tế của tỉnh, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nền sản xuất chè trong nước. Nhưng sự phát triển của cây chè tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập cần phải tháo gỡ. Thứ nhất là: Diện tích trồng chè còn phân tán, sẽ khó đầu tư thâm canh, dẫn đến năng suất thấp (2,5 - 3 tấn/ha). Thứ hai là: Mật độ trên một đơn vị diện tích rất thưa cần phải được cải tạo, trồng rặm. Thứ ba là: Khả năng đầu tư thâm canh trong đại bộ phận nhân dân chưa được chú trọng, chủ yếu là đi vào khai thác là chính. Thứ tư là: Các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến trong tỉnh chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định cho chính doanh nghiệp đó, cho nên, việc đầu tư chiều sâu để vừa nâng cao năng suất chè nguyên liệu, vừa nâng cao giá trị sản phẩm sau chế biến gặp khó khăn.

 

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, từ năm 2005 đến nay chỉ có 8 doanh nghiệp đăng ký được Hiệp hội cho phép đăng ký thương hiệu cho 17 sản phẩm chè. Thời gian tới, ngành chè tiếp tục đẩy nhanh KHKT vào sản xuất, chế biến. Các doanh nghiệp đăng ký phải đảm bảo quản lý chất lượng ISO và HACCP cho sản phẩm của mình làm ra. Và coi đó là yếu tố quyết định sự sống còn của ngành chè trong hội nhập.

 

Nâng cao chất lượng để có thương hiệu:

 

Trước tiên phải khẳng định, nền kinh tế WTO là nền kinh tế hàng hóa, mà là hàng hóa chất lượng cao. Để nền sản xuất hàng hóa phát triển thì cần có thương hiệu. Muốn xây dựng được thương hiệu cho cây chè Hà Giang ngoài việc công nhận chè có xuất xứ tốt, thì nhất thiết chúng ta phải đầu tư tốt. Trong đó, người trồng chè phải biết quý trọng sản phẩm của mình làm ra, nghĩa là không được “bán rẻ” chính mình trong sản phẩm chè đó. Từng bước đầu tư thâm canh đưa năng suất, chất lượng nguyên liệu lên cao ngay từ đầu vào của sản phẩm trước chế biến. Theo chúng tôi nhận định, hiện tượng thu hái “triệt sản” vừa qua có lí do năng suất thấp trong một đơn vị diện tích canh tác. Nếu năng suất chè ở Lâm Đồng là 20 tấn/ha/năm, ở Thái Nguyên là 10 - 12 tấn/ha/năm, thì ở Hà Giang mới đạt 2,5 - 3 tấn/ha và được đánh giá thấp nhất trong cả nước. Song song với đó, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu với người trồng chè theo Quyết định số 80 CP của Thủ tướng Chính phủ (liên kết 4 nhà). Có như vậy, các cơ sở chế biến mới có thể đầu tư công nghệ, thiết bị, kỹ thuật chế biến chè có chất lượng cao. Cần thiết phải cải tạo vườn chè già cỗi, trồng rặm, đi đôi với thâm canh đủ, đúng để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Đi kèm với nhập nội các giống chè chất lượng cao vào các vùng nguyên liệu vừa để tận dụng đất đai, sức lao động.

 

Đồng thời, tỉnh ta cũng cần từng bước xem xét, hạn chế dần các cơ sở chế biến thủ công, đi vào thực hiện cơ chế bắt buộc đầu tư chế biến chè chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kiên quyết xử lý vi phạm đối với các cơ sở trồng, thu mua, chế biến các sản phẩm chè không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo vệ chất lượng chè của tỉnh. Nhất thiết phải “làm thật, ăn thật” để nâng cao uy tín, chất lượng chè của tỉnh trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng trong, ngoài nước và cũng là mục tiêu của ngành chè Hà Giang trong hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

 

Ngoài sản xuất, chế biến, cần có một chiến lược quảng bá thông tin, nhằm khuyếch trương thương hiệu chè hữu cơ Shan tuyết Hà Giang trên thị trường thế giới.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làm tốt công tác thú y góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi
(HGĐT)- Phát triển chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời chăn nuôi đã đóng góp một đáng kể vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH cũng như trong công cuộc XĐGN của tỉnh trong những năm qua.
30/07/2007
Chè Hùng An đứng vững sau cổ phần hóa
(HGĐT)- Sau hơn 2 năm thực hiện cổ phần hóa (CPH), Công ty Chè Hùng An đang từng bước khẳng định thương hiệu của mình. Trong 6 tháng đầu năm nay, sau “cơn lốc” chè vàng, làm cho không ít doanh nghiệp (DN), vùng nguyên liệu điêu đứng, Chè Hùng An lại một lần nữa càng chứng minh cho một chiến lược làm ăn của DN trong thời kỳ WTO.
30/07/2007
Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007
(HGĐT)- Ngày 26.7, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007
27/07/2007
Phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường
(HGĐT)- Nhà máy tinh luyện Ăng-ti-mon Mậu Duệ (Yên Minh) thuộc Công ty Cổ phần cơ khí khoáng sản Hà Giang là cơ sở công nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản của tỉnh. Nó là sản phẩm ra đời từ nghị quyết của tỉnh trong mục tiêu phát triển nền công nghiệp khai khoáng, nhằm tận dụng và phát huy lợi thế, tiềm năng, nội lực ở địa phương.
21/08/2007