Nhà máy tinh luyện Ăng-ti-mon Mậu Duệ:
Phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường
(HGĐT)- Nhà máy tinh luyện Ăng-ti-mon Mậu Duệ (Yên Minh) thuộc Công ty Cổ phần cơ khí khoáng sản Hà Giang là cơ sở công nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản của tỉnh. Nó là sản phẩm ra đời từ nghị quyết của tỉnh trong mục tiêu phát triển nền công nghiệp khai khoáng, nhằm tận dụng và phát huy lợi thế, tiềm năng, nội lực ở địa phương.
Gần 10 năm hoạt động, Nhà máy Ăng-ti-mon Mậu Duệ đã thành công, dần trở thành“điển hình” không chỉ của ngành khai khoáng Hà Giang, mà còn đại diện cho ngành khai thác, chế biến kim loại của cả nước.
Độc nhất về sản phẩm:
Cho đến thời điểm này (năm 2007), sản phẩm Ăng-ti-mon kim loại của Công ty Cổ phần cơ khí khoáng sản mang thương hiệu A-H vẫn đứng số 1 trong toàn quốc, xuất khẩu 100% cho các nước có nền công nghiệp chế tạo trình độ phát triển cao. A-H là nhãn hiệu được tôn vinh bình chọn trong số 94 doanh nghiệp trong cả nước năm 2004, đến nay vẫn là số 1 toàn quốc được quốc tế ghi nhận. Ông Shao-Wrnsheng, Trưởng văn phòng đại diện Tập đoàn Công nghiệp Tô Kô Kô Sen Nhật Bản, cho biết: “Tập đoàn đã phải nhập sản phẩm A-H của Công ty Cổ phần Cơ khí Khoáng sản Hà Giang từ Am-téc-đam (Hà Lan) và Luân Đôn (Anh) về sản xuất, rồi lần tìm lên Hà Giang đến thăm, khảo sát cơ sở sản xuất A-H tại Mậu Duệ mới tin “là thật” A-H được sản xuất từ một DN nhỏ bé tại một DN nhỏ bé tại một tỉnh nghèo nhất nước, đạt tiêu chuẩn Quốc tế và là sản phẩm “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam hiện nay”. Đã 2 năm, Tập đoàn Tô Kô Kô Sen là bạn hàng tin cậy của DN nhập khẩu về Nhật mỗi tháng 60 tấn A-H. Giá nhập A-H tại DN hiện là 5.188 USD (chưa tính thuế). Được biết, hiện trên thế giới chỉ có Trung Quốc là nước tạo ra sản phẩm Ăng-ti-mon kim loại chất lượng cao xuất khẩu đứng thứ nhất về sản lượng mỗi năm từ 65-100 ngàn tấn. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang giảm dần sản lượng xuất khẩu, nên giá thành sản phẩm trên thế giới tăng cao. Điều đó càng khẳng định hướng đầu tư khai thác, chế biến, xuất khẩu sản phẩm A-H của DN là hướng đầu tư “chiến lược” để khẳng định mình.
Cặn kẽ trong đầu tư:
Nói một cách khác là DN đã làm ăn rất “bài bản”. Trên cơ sở các điểm mỏ đã được ngành địa chất xác định, DN đã bỏ tiền để thuê khảo sát, thăm dò lại nhiều lần “của nhiều” đơn vị thăm dò, khảo sát khác nhau để đánh giá độ “tin cậy” của công tác khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ. Từ kết quả chính xác đó mới quyết định phương án đầu tư, hướng lựa chọn công nghệ. Biết sử dụng các nguồn thông tin tin cậy từ thị trường, công nghệ quốc tế để lựa chọn công nghệ thích hợp với điều kiện thực tế của địa phương (của DN và vị trí điểm mỏ Mậu Duệ), đây được coi là bước lựa chọn “khó khăn nhất”. Bởi vì, lựa chọn sai công nghệ, hoặc công nghệ không phù hợp với điều kiện hiện có của địa phương (thời điểm kinh tế năm 2000 - 2001) sẽ thất bại. Tìm đối tác để hợp tác (cả đào tạo, chuyển giao công nghệ, nhân lực) đáng tin cậy gắn kết được lợi ích 2 bên là bước đi tiếp theo. Đến nay, DN đã thành công bằng phương pháp: “Biết rõ mình (trữ lượng khoáng sản) + công nghệ bạn + vốn bạn + nguồn nhân lực của mình (công nhân DN) do bạn đào tạo ra”. Để duy trì, phát triển còn có sự hiểu biết rõ về pháp luật, đi đôi với việc áp dụng vào thực tiễn vừa đúng luật, vừa tiện lợi, nhanh gọn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ổn định, bền vững. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc các tập đoàn kinh tế quốc tế và trong nước, sau ngần ấy năm đi vào hoạt động, công nghệ lựa chọn sản xuất, chế biến sản phẩm ăng-ti-mon kim loại của DN vẫn chưa thể lạc hậu. Sản xuất, kinh doanh là một trận tuyến, biết mình, biết người, ắt đánh thắng.
Kinh tế gắn môi trường:
Như chúng ta đã biết: Hiệu quả đầu tư chính là lợi nhuận. Việc đầu tư khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản tại DN lại được khảo sát, đánh giá sự tác động môi trường trước khi xây dựng nhà máy theo một quy trình sản xuất ngày một nâng lên qua các năm. Quyết định phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ngày 22.2.1999 đã kết luận: (Xin trích về 1 số các độc tố có tác động mạnh, và hại cho sức khỏe)... “các nguyên tố có hại khác như Pb, As có hàm lượng rất nhỏ và không đáng kể. Ví dụ: Chỉ có 10% số mẫu lấy phân tích, có As (A Sen) hàm lượng từ 0,01 đến 0,03%, không gây ô nhiễm môi trường. Sau khi đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, thì cứ 3 tháng đến 6 tháng 1 lần, DN tiến hành lại các khảo sát, đo đạc, phân tích đánh giá môi trường dưới sự tác động của sản xuất, khai thác. Tháng 6.2006, kết quả phân tích do Công ty Cổ phần kỹ thuật và phân tích môi trường Hà Nội SJC kết luận: “Tất cả các chỉ số: Không khí trong, ngoài, nhà máy; nước thải; nước sinh hoạt; chất rắn đều đảm bảo các chỉ số quy định của nhà nước cho phép”. Mới đây nhất, ngày 13.8.2007, DN lại tiếp tục công tác đánh giá sự tác động của sản xuất đến môi trường. Lấy mục tiêu số 1 là môi trường sống, bởi lẽ chính giá trị kinh tế, gắn môi trường mới là giá trị thực của công tác đầu tư, khai thác vì lợi ích con người. Đã qua 7 năm, trên diện tích mỏ được giao trên 32 ha, DN mới đầu tư, khai thác gần 1 ha. Phương châm, sau khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó, trồng cây xanh ngay, để trả lại môi trường sống. Hiện nay, ngay quanh khu vực khai thác đã có nhiều ngàn cây xanh phủ xanh các khoảng trống sau khai thác, góp phần làm giàu đất, chống sói mòn, tạo ô xy, làm giảm các khí thải...
Lợi nhuận từ phương pháp đầu tư chiến lược của DN đã mang lại con số trên 39 tỷ đồng thu được năm 2006 bằng sản phẩm ăng-ti-mon kim loại, đưa tổng doanh thu của DN lên 59 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh tế cả năm 2006. Trong 6 tháng đầu năm 2007, DN đạt doanh thu 32.887 triệu đồng, nộp ngân sách 2.652 triệu đồng. Và hiện nay, mỗi tháng xuất khẩu trên dưới 60 tấn A-H với giá bán 5.188 USD (chưa tính thuế) cho tập đoàn Tô Kô Kô Sen Nhật Bản.
Ý kiến bạn đọc