Hiệu quả từ nguồn vốn vay
(HGĐT)- Cây chè được xác định là một trong “7 cây, 4 con” mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Vị Xuyên. Cùng với sự định hướng đúng đắn của Nghị quyết Đảng bộ các cấp, Ngân hàng No-PTNT Vị Xuyên không ngừng đổi mới cách đầu tư và quản lý nguồn vốn, giúp người dân giữ vững và phát huy thương hiệu chè cho vùng chè nổi tiếng của Hà Giang, góp phần XĐGN ở địa phương.
Kiểm tra hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay của các tổ chức, cá nhân.
Ảnh: Minh Tâm
Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất chè của gia đình chị Bùi Thị Liễu, thị trấn Việt Lâm, chị cho biết, trước kia hai vợ chồng đều là công nhân nông trường chè Việt Lâm, những năm bao cấp, cây chè chưa phát huy được giá trị hàng hoá như hiện nay nên gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác đành phải nghỉ về làm ăn, buôn bán kiếm sống qua ngày, nhưng cách đó không cho thu nhập thường xuyên, kinh tế không ổn định. Nhiều năm trở lại đây, cây chè chiếm vị trí quan trọng trên thị trường trong nước cũng như thế giới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Vị Xuyên xác định cây chè là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế, XĐGN của địa phương, nên huyện đã phát huy tiềm năng thế mạnh từ một vùng đất được thiên nhiên ban tặng đất đồi núi, khí hậu thích hợp để phát triển cây chè. Cùng với sự định hướng phát triển kinh tế địa phương và Dự án trồng chè ADB do chính phủ nước ngoài tài trợ, Ngân hàng No-PTNT huyện Vị Xuyên đóng góp không nhỏ trong việc giúp nhândân về vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế cây chè. Năm 2004, gia đình Chị Liễu vay vốn 70 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị máy sao chè mi ni để phục vụ cho công đoạn sao chè tại gia đình. Sau nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm sản xuất, gia đình chị Bùi Thị Liễu đã mạnh dạn vay thêm 70 triệu từ nguồn vốn NHNo&PTNT để mở rộng quy mô sản xuất đầu tư về nhà xưởng, máy sao chè chuyên nghiệp giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 nhân khẩu trong gia đình. Ngoài ra, chị còn thuê 2 nhân công thường xuyên đứng máy sao chè và nhiều nhân công khác khi có việc làm, trong 3 năm trở lại đây bình quân thu nhập của gia đình chị mỗi năm hơn 100 triệu đồng nhờ sản xuất chè.
Ngân hàng No-PTNT huyện là địa chỉ thường xuyên đáp ứng đủ nhu cầu cho vay trồng chè mới. Trong mục tiêu chung của huyện, phấn đấu đưa diện tích trồng chè lên 400 ha, trong đó Ngân hàng No-PTNT huyện cho vay để đầu tư 200 ha. Ngoài ra, Ngân hàng còn đầu tư nguồn vốn để người dân và doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị, cho vay sau thu hoạch là 5.841 triệu đồng. Tổng nguồn vốn ngân hàng đã giải ngân cho phát triển chè chiếm 16,2% trên tổng số vốn đã giải ngân. Tính đến thời điểm hiện nay, số hộ cho vay là 222 hộ và 1 doanh nghiệp. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Ngân hàng còn chú trọng mở các lớp tập huấn cho những hộ vay vốn đầu tư trồng chè, hướng dẫn cách thu hái, đốn, bảo quản sau khi thu hái, chế biến. Mục đích của quy trình tập huấn giúp nhân dân biết cách lập sổ theo dõi mức đầu tư cho sản xuất, trừ chi phí để tính định mức lỗ, lãi, các chi phí phát sinh cần phải giải quyết và có định hướng đầu tư trong những năm tiếp theo. Ngân hàng còn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tận dụng lợi thế ưu đãi của từng vùng phát triển với loại cây trồng nào là phù hợp nhất. cách hướng dẫn và quản lý đầu tư nguồn vốn có hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc