Giải pháp nào cho 12 hộ hạ sơn phường Minh Khai

17:40, 27/08/2007

(HGĐT)- Sau gần một năm, chúng tôi quay lại khu hạ sơn thuộc tổ 1, phường Minh Khai (thị xã), có 12 hộ dân, chủ yếu là các dân tộc Dao, Mông, Hoa, Nùng… Đa phần các hộ dân nơi đây có thời gian sinh sống khá lâu đời tại khu vực núi Mỏ Neo. Qua quan sát của chúng tôi, cuộc sống của họ nói chung chưa có gì thay đổi.


 

 Một gia đình hạ sơn.

Từ mục tiêu đến triển khai và những tồn tại:

 

Khu làng hạ sơn các nhà được xây dựng liền kề, vật liệu xây dựng được lấy từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp công lao động. Từ mục tiêu, kế hoạch đề ra, phường Minh Khai đã tiến hành khảo sát, rà soát tìm đất lập khu hạ sơn tại nhiều vùng đất thuộc phường và sau cùng do nhiều lý do, phường quyết định quy hoạch vùng đất phía sau Trại tạm giam. Kế hoạch đã đề ra, tại khu đất trên 4 ha đó đã mọc lên 12 ngôi nhà cấp bốn 3 gian, mái lợp ngói Phi - brô xi-măng, trị giá mỗi ngôi nhà 5 triệu đồng. 12 hộ với 45 khẩu đang sống rải rác tại sườn núi Mỏ Neo về sống tập trung. Đang ở những vùng, lưng chừng núi, được chuyển vềvùng đất thấp, có nhà, nước, công trình phụ, điện thắp sáng... ai cũng vui. Niềm vui chưa được bao lâu, bà con lần lượt trải qua không ít khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do thay đổi tập quán sinh sống, lao động, sản xuất vì diện tích đất theo quy hoạch cho các hộ dân không đủ đáp ứng nhu cầu canh tác, trong khi đó đất ở nơi đây đều là đất sườn đồi, dốc, đa phần đều có cây lâm nghiệp lâu năm không chỉ của Trại tạm giam mà còn của các gia đình có hộ khẩu thường trú tại thị xã vào làm trang trại trước và sau khi có dự án hạ sơn, điều gây cản trở nhất cho nhân dân chính là sau khi lập dự án hạ sơn, làm nhà ở cho người dân nhưng trên phần đất thuộc quyền sử dụng của Trại tạm giam nên dù có muốn phường Minh Khai cũng không thể xin cấp bìa đỏ nhà ở và sổ lâm bạ cho bà con được. Vì vậy, dù có đất để lao động, sản xuất nhưng khi bà con muốn thay đổi mục đích sử dụng cho phù hợp cũng không thể... Không vốn, không tư liệu sản xuất, người có sức khoẻ hơn thì đi làm thuê cho các hộ trang trại và những hộ dân khá giả trong khu vực nhưng cũng chỉ đủ ăn, những hộ có người già yếu, neo đơn thì hiện tượng đói, thiếu ăn thường xuyên xảy ra, như hộ bà Đặng Thị Pàm đã già yếu, người con trai là chỗ dựa duy nhất, bà Pàm hàng ngày vẫn phải lên nương, rẫy lao động, kiếm rau rừng đem ra thị xã bán trang trải cuộc sống hàng ngày. Còn gia đình ông Phùng Văn Chản, dân tộc Dao, cả nhà có 4 khẩu và do trình độ văn hoá thấp nên 2 vợ chồng ông đến ở với nhau một thời gian khá dài vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn và những đứa con của ông ra đời đều chưa có giấy khai sinh. Gia đình ông Chản là một trong những gia đình thuộc diện khó khăn nhất của khu hạ sơn nên không chỉ tổ dân phố mà cả phường đã có rất nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi; trường Mầm non Minh Khai tiếp nhận 2 đứa con của ông vào học miễn phí. Nhưng sau một thời gian, gia đình ông Chản và một số hộ gia đình khác như: Gia đình ông Lù Dỉ Quáng, người dân tộc Nùng và gia đình anh Đặng Văn Dầu do không quen thay đổi tập quán sinh sống, đất sản xuất, canh tác quá ít, đã đưa gia đình quay lại vùng đất cũ. Phường, tổ dân phố đã có rất nhiều buổi lên tận nơi ở cũ của các hộ vận động quay lại nhưng không thành. Việc vận động người dân sinh sống tập trung là đúng đắn, nhưng do công tác xây dựng dự án, kế hoạch, giải pháp không đồng bộ, không lường trước những tình huống xảy ra đối với cuộc sống mới của người dân, nên sau gần 7 năm (từ năm 2000 -2007), 12 hộ dân nơi đây vẫn trong cảnh sống nghèo, khó.

 

Giải pháp nào cho người dân hạ sơn:

 

Đem những trăn trở của chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Đình Dần, Bí thư cụm từ năm 2002 đến nay, ông cho biết: “Đối với khu hạ sơn, tất cả các cán bộ, nhân dân trong cụm, tổ luôn trăn trở, tìm những giải pháp thuộc phạm vi của cụm, tổ để hỗ trợ, giúp đỡ bà con. Ngoài ra, tổ còn vận động các đoàn thể, tổ chức đóng chân trên địa bàn quyên góp, ủng hộ về vật chất, tinh thần như: Vận động Công ty Dịch vụ công cộng và môi trường giảm, miễn tiền phí ma chay đối với các hộ dân nghèo. Còn những vấn đề về đất canh tác, đất ở, hỗ trợ nguồn vốn giải quyết công ăn, việc làm, cử tri đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng cũng chỉ biết đợi. Vì với quyền hạn và năng lực của tổ không thể tự giải quyết được những khó khăn của khu hạ sơn.”. Cũng vấn đề đó, chúng tôi trao đổi với ông Lê Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy phường Minh Khai, được biết: “Trước, trong và sau khi hoàn thành chương trình hạ sơn, phường đã có rất nhiều giải pháp, cụ thể như: Vận động đoàn viên, thanh niên trong phường góp công sức, lao động mở được 360 m đường dân sinh, rộng từ 2 - 3 m; đề xuất với ngành điện kéo điện đến từng hộ dân và trong thời gian qua phường đã rà soát cho 4 hộ vay vốn không tính lãi mua bò phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, hàng năm, nhân dịp những ngày lễ, tết, cán bộ phường cùng các đoàn thể, ban, ngành của phường thường xuyên quyên góp ủng hộ tiền, gạo… cho bà con; nhiều lần đề nghị với cấp trên về quy hoạch đất ở có sổ bìa đỏ, đất canh tác có sổ lâm bạ của khu hạ sơn, nhưng chưa thấy hồi âm. Vì vậy, hiện phường cũng chỉ biết vận động cán bộ, nhân dân quyên góp, hỗ trợ; những nhu cầu của người dân là rất cấp cấp bách, thiết thực.

 
Để người dân khu hạ sơn thoát khỏi những khó khăn, thiết nghĩ đã đến lúc các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh phải vào cuộc; có biện pháp giải quyết về đất ở, đất canh tác cho người dân yên tâm lao động, sản xuất, tìm việc làm, ngành nghề phù hợp với trình độ dân trí của khu hạ sơn và có nhiều hơn nữa những chương trình hỗ trợ để người dân khu hạ sơn từng bước ổn định cuộc sống bền vững.


Tuấn Thảo

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xuất khẩu 8 tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu tốt
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 4,4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu cả nước 8 tháng đầu năm đạt 31,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 19,3%. Nhiều mặt hàng chủ lực đang trên đà về đích sớm.
27/08/2007
Công ty ô tô Trường Thanh từng bước khẳng định vị thế trên thương trường
(HGĐT)- Công ty sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Thanh được thành lập ngày 29.5.2002 theo giấy phép số 10 - 02 - 000082 của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Giang. Tháng 8.2002, Công ty đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy tại km 13 - khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ, Vị Xuyên và triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô.
25/08/2007
Cây hồng không hạt ở Quản Bạ phát triển mạnh
(HGĐT)- Huyện Quản Bạ có thế mạnh về tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với việc sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, huyện xác định việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất cây ăn quả đặc sản đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành và nhiều nông dân.
23/08/2007
Xây dựng bền vững thương hiệu chè Hà Giang
(HGĐT)- Theo tổ chức Nông lương thế giới (FAO), trong nhiều năm gần đây, chè Việt Nam đứng thứ 7 về sản lượng, đứng thứ 6 về khối lượng xuất khẩu; được xuất sang 107 thị trường các châu lục, trong đó có 18 thị trường truyền thống, 68 thị trường là thành viên WTO.
23/08/2007