Cây hồng không hạt ở Quản Bạ phát triển mạnh

09:53, 23/08/2007

(HGĐT)- Huyện Quản Bạ có thế mạnh về tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với việc sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, huyện xác định việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất cây ăn quả đặc sản đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành và nhiều nông dân.


 
 
Ngoài những cây trồng khác được đầu tư, huyện đã có chính sách phát triển cây hồng không hạt trở thành hàng hóa, góp phần XĐGN. Giống hồng không hạt ở Quản Bạ là giống địa phương, đã có từ lâu do thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu, đất đai ở đây, thuộc loại hồng ngâm. Giống hồng không hạt phát triển rất tốt, cây cao, tán lá rộng, năng suất khá ổn định. Sau 15 năm tuổi trở lên, năng suất không ổn định, năm sai, năm ít quả, nếu được đầu tư chăm sóc tốt sẽ hạn chế được yếu tố trên. Cây ra hoa kết quả khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 là có thể hái quả đem ngâm nước sạch từ 3 đến 5 ngày đêm tùy theo độ chín của quả và quả to hay quả nhỏ; quả ăn ngọt đậm, giòn và nhiều bột mịn, vỏ quả cứng, thịt quả chắc, rất dễ bảo quản và vận chuyển. Thời vụ thu hoạch kéo dài trong 3 tháng, tính dải vụ cao. Giống hồng không hạt ở Quản Bạ không như giống hồng không hạt của Trung Quốc, Cao Bằng, Lạng Sơn... Giống hồng không hạt Trung Quốc, dạng cây, dạng quả gần giống như hồng Quản Bạ nhưng ăn không giòn, thỉnh thoảng có quả có hạt, chính vì vậy giá bán tại thị trường không cao bằng hồng không hạt ở Quản Bạ, giá bán cùng thời điểm 6.000đ - 7.000đ/kg, hồng không hạt ở Quản Bạ là 8.000đ - 10.000đ/kg. Hiện nay, huyện có trên 150 ha hồng không hạt, trong đó có trên 10 ha đã trồng từ nhiều năm trước, tập trung ở các xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Thanh Vân, thị trấn Tam Sơn... Sản lượng hồng khoảng 100 tấn/năm được bán rải rác từ cuối tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Do trồng không bón phân theo quy trình kỹ thuật và ít chăm sóc, quả rụng nhiều ở thời kỳ tháng 5 - 6 hàng năm nên năng suất còn thấp, đặc biệt quả còn nhỏ. Từ năm 2001 - 2006, thực hiện dự án trồng cây hồng không hạt tại Quản Bạ, các xã trồng theo diện tích đăng ký, do chưa được chuyển giao tốt về kỹ thuật, nghiên cứu kỹ về tập quán canh tác, chưa làm tốt công tác khuyến nông và ý thức trong dân chưa cao do vậy hiệu quả còn thấp, số cây chết nhiều do không chăm sóc, không bảo vệ để gia súc phá hoại, hỏng cành ghép và chết cây, số cây còn sống sinh trưởng, phát triển chậm. Năm 2005 - 2006, tiếp tục thực hiện dự án phát triển cây hồng do Sở Khoa học - Công nghệ đầu tư trồng mới trên 20 ha. Do được đầu tư hỗ trợ cây giống, vật tư và công chỉ đạo kỹ thuật, giám sát nên một số hộ gia đình đã chuyển đổi mạnh và hưởng ứng cao. Các hộ thực hiện đã thiết kế vườn, trồng tập trung, đầu tư phân bón chăm sóc. Hiện nay cây trồng ở năm thứ nhất, năm thứ hai sinh trưởng khá.

 

Hiện nay, cây hồng không hạt được trồng phổ biến tại vườn hộ gia đình, với mô hình trồng mới các hộ tham gia trồng với số lượng lớn có hộ thực hiện trên 1 ha trên đất đồi, đất ruộng, mật độ 400 - 500 cây/ha theo hàng lối. Nhiều hộ do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nên hiệu quả kinh tế từ cây hồng đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Điển hình về thu nhập từ 2,6 đến 5 triệu đồng/năm ở 2 hộ đó là gia đình ông Lục Hậu Thi, với diện tích trồng là 540 m2 với 9 cây đã cho thu nhập 5,5 triệu đồng/năm; hộ ông Chu Minh Phát, với diện tích 400m2 trồng 25 cây, cho thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Lệnh Đình Xuyên cùng ở thị trấn Tam Sơn có 1 cây hồng cho thu hoạch có năm đạt 120 kg với giá bán 8.000đ/kg, thu 9,6 triệu đồng. Ông Lệnh Hậu Phong thu hoạch có năm đạt 150 kg cho thu hoạch hàng triệu đồng, còn lại một số hộ khác có từ 1 - 3 cây cho thu hoạch hàng năm từ 500.000đ trở lên với diện tích từ 50m2 đến 250m2... Như vậy, tại năm thứ 3 - 4 trồng cây hồng không hạt với 500m2, các hộ gia đình đã có thu nhập 960.000đ (tương đương 19.200.000đ/ha) cao hơn nhiều so với trồng lúa. Năm thứ 5 - 6 cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Tính hiệu quả kinh tế sau 5 năm trồng người dân đã có lãi, trong đó có phần thu nhập từ công lao động hàng năm, tiền phân chuồng... Từ năm thứ 6 cho lãi trên 50 triệu đồng, lãi bình quân 5 năm tiếp theo trên 80 triệu đồng/ha/năm, các năm tiếp theo lãi trên 100 triệu đồng/năm. Chu kỳ thu hoạch cây hồng không hạt trên 20 năm trở lên. Cùng với tạo ra hiệu quả kinh tế đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút một lượng lớn lao động dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trong huyện, trong tỉnh, thu nhập cao từ cây hồng là động lực kích thích các ngành nghề khác cùng phát triển.

 

Để tiếp tục phát triển mạnh cây hồng không hạt tạo ra giá trị hàng hóa cao, huyện đã có chủ trương trồng mới trên 50 ha, mỗi năm thực hiện trồng mới từ 10 - 15 ha, trồng thành vùng tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa. Chọn lọc cây đầu dòng phục vụ cho việc nhân giống và quản lý nguồn giống đảm bảo chất lượng để tránh những rủi ro cho nhân dân. Xúc tiến việc xây dựng nhãn hiệu hồng không hạt Quản Bạ, từng bước chế biến nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, tạo cơ chế chính sách thông thoáng, môi trường thuận lợi các hộ nông dân yên tâm để đầu tư phát triển nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư trên một đơn vị diện tích. Người dân khi thực hiện dự án sẽ được tạo điều kiện thuận lợi vay vốn. Tăng cường các dịch vụ khuyến nông về cơ sở, trước mắt tập trung vào một số hộ gia đình có điều kiện kinh tế, có trình độ sản xuất hàng hóa để giải quyết cơ bản việc áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất ở quy mô hộ gia đình, từ những gia đình này nhân rộng ra. Đối với những hộ nghèo, những gia đình khó khăn có diện tích đất phù hợp kiên trì mục tiêu khuyến nông, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp với các tổ chức, các đoàn thể tích cực vận động tuyên truyền cho áp dụng kỹ thuật mới các biện pháp thâm canh và có chính sách hỗ trợ phù hợp... Có như vậy cây hồng không hạt ở Quản Bạ mới phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, từng bước góp phần XĐGN cho người dân địa phương.


Hiến Chương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làm tốt công tác thú y góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi
(HGĐT)- Phát triển chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời chăn nuôi đã đóng góp một đáng kể vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT - XH cũng như trong công cuộc XĐGN của tỉnh trong những năm qua.
30/07/2007
Chè Hùng An đứng vững sau cổ phần hóa
(HGĐT)- Sau hơn 2 năm thực hiện cổ phần hóa (CPH), Công ty Chè Hùng An đang từng bước khẳng định thương hiệu của mình. Trong 6 tháng đầu năm nay, sau “cơn lốc” chè vàng, làm cho không ít doanh nghiệp (DN), vùng nguyên liệu điêu đứng, Chè Hùng An lại một lần nữa càng chứng minh cho một chiến lược làm ăn của DN trong thời kỳ WTO.
30/07/2007
Xây dựng bền vững thương hiệu chè Hà Giang
(HGĐT)- Theo tổ chức Nông lương thế giới (FAO), trong nhiều năm gần đây, chè Việt Nam đứng thứ 7 về sản lượng, đứng thứ 6 về khối lượng xuất khẩu; được xuất sang 107 thị trường các châu lục, trong đó có 18 thị trường truyền thống, 68 thị trường là thành viên WTO.
23/08/2007
Hiệu quả từ nguồn vốn vay
(HGĐT)- Cây chè được xác định là một trong “7 cây, 4 con” mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Vị Xuyên. Cùng với sự định hướng đúng đắn của Nghị quyết Đảng bộ các cấp, Ngân hàng No-PTNT Vị Xuyên không ngừng đổi mới cách đầu tư và quản lý nguồn vốn, giúp người dân giữ vững và phát huy thương hiệu chè cho vùng chè nổi tiếng của Hà Giang, góp phần XĐGN ở địa phương.
21/08/2007