Thu hút vốn đầu tư - Những tín hiệu vui
(HGĐT)- Tính đến cuối tháng 7, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước vào tỉnh ta có sự tăng trưởng mạnh, đến nay đã có 10 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào các lĩnh vực với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 2.740 tỷ đồng.
Hoạt động XNK ở Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2005 đến 2010, tình hình thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài được cho là khá thành công sau một năm thực hiện Luật Đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến nay, tỉnh ta đã có 6 dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 25,062 triệu USD (tương đương 401,4 tỷ đồng VN.
Tuy nhiên, kể từ khi 6 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến nay chỉ có 4 dự án triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cho kết quả ban đầurất khả quan, đó là dự án khai thác và chế biến khoáng sản chì, kẽm do Công ty Kinh Mậu Chúng Thao, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hợp tác với Công ty Cơ khí và khai thác khoáng sản tỉnh Hà Giang (Việt Nam), với vốn đăng ký đầu tư 1 triệu USD (tương đương với 15,7 tỷ đồng VN). Mục tiêu của dự án là khai thác tận thu khoáng sản chì, kẽm tại mỏ chì, kẽm Tà Pan, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê. Cũng trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản chì, kẽm còn códự án của Công ty Cổ phần công nghệ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Bách (Việt Nam) hợp tác kinh doanh với Công ty Hữu hạn phát triển khoáng nghiệp - luyện kim Tuấn Đạt, thành phố Liên Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), hoạt động tại mỏ Na Sơn, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 38 tỷ đồng, quy mô khai thác và chế biến 180.000 tấn quặng nguyên khai/năm, thời gian hoạt động 13 năm 6 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Dự án khai thác, chế biến quặng sắt do Công ty TNHH Đức Sơn, tỉnh Hà Giang hợp tác với Công ty Hữu hạn khoáng nghiệp Tân Nguyên, huyện Phù Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có tổng số vốn đăng ký đầu tư 15 tỷ đồng với quy mô khai thác và chế biến 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm, hoạt động trong 7 năm, cũng vừa đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay. Trên lĩnh vực đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ tổng hợp Thanh Thủy có dự án của Công ty Du lịch dịch vụ và xuất - nhập khẩu tỉnh Hà Giang liên doanh với Công ty của Malaysia với tổng số vốn đăng ký đầu tư thực hiện dự án 10 triệu USD, đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép cuối tháng 4 năm nay, với mục tiêu xây dựng và kinh doanh khách sạn 4 sao, 80 phòng theo tiêu chuẩn Quốc tế…
Thông qua các chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài kịp thời ra đời tuy còn mới mẻ, song đã và đang đi vào cuộc sống, được các nhà đầu tư trong, ngoài nước đón nhận bởi các chính sách ưu đãi của tỉnh. đặc biệt là các dự án đầu tư vào tỉnh Hà Giang được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, một đầu mối tại Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư của tỉnh, theo đó dự kiến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực đầu tư có vốn nước ngoài năm nay ước đạt 45 tỷ 840 triệu đồng, doanh thu ước đạt 10 tỷ 128 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước 180 triệu đồng; xuất khẩu đạt 3 tỷ 750 triệu đồng và sử dụng trên 180 lao động là người địa phương.
Đây quả là những tín hiệu vui của tỉnh ta trong quá trình triển khai các chính sách kêu gọithu hút đầu tư và kết quả của một năm thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư, đã tạo nên một khung pháp lý quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Giang.
Ý kiến bạn đọc