Quản Bạ tìm giải pháp xoá nghèo từ nông nghiệp
(HGĐT)- Quản Bạ có diện tích tự nhiên 549,89 km2, đất sản xuất chỉ chiếm 11%, dân số 40.517 khẩu với 14 dân tộc sinh sống, phân bố trên 104 thôn, bản, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp là chính. Vì vậy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang trở thành cấp thiết ở Quản Bạ, được cấp uỷ, chính quyền nơi đây chú trọng,để hướng người dân sản xuất theo hàng hoá, tăng thu nhập, XĐGN bền vững.
Những năm qua, Quản Bạ không ngừng phát huy lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế như mở rộng diện tích cây thảo quả ở các xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài; trồng rau, hoa ở Quyết Tiến; trồng cây hồng không hạt ở thị trấn Tam Sơn, xã Quản Bạ, Đông Hà, Thái An. Kết quả bước đầu cho thấy, sự chú trọng khoanh vùng đã tạo bước chuyển biến của nền kinh tế theo hướng phát triển tích cực. Huyện tập trung tạo điều kiện cho người dân vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp của huyện. Năm 2006, nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện đã giải quyết cho người dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất đạt 24.358 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho các hộ vay 9 tỷ đồng và quý I năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục giải ngân cho vay 970 triêu đồng. Trong đó, huyện đã đầu tư hỗ trợ 768 triệu đồng đối với các chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng như: Trồng 1,5 ha lê Đài Loan; su su; cỏ chăn nuôi; hồng không hạt; thảo quả. Từ các mô hình đã giúp người dân phát huy được thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và khoanh vùng sản xuất tập trung. Các nguồn vốn cho vay đã giúp người dân đâu tư vào sản xuất, theo đúng chương trình kế hoạch của huyện đề ra và thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Huyện đề ra chính sách hỗ trợ các gia đình đối với cây trồng mới và tăng cường tập huấn chuyển giao KHKT đến với người dân, khuyến khích người dân phát huy nội lực, tiếp xúc với thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế, sản xuất các sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ, để biến những tiềm năng thành thế mạnh phát triển thật sự. Năm vừa qua, Quản Bạ đã tổ chức 43 lớp tập huấn cho 2.368 lượt người về cồng tác khuyến nông, lâm, chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi thâm canh và triển khai 4 mô hình kinh tế. Trong đó, có môhình trồng thảo quả dưới tán rừng, mô hình ngô lai NK4300, lúa xuân, trồng cỏ kết hợp với làm chuồng trại chăn nuôi. Từ các mô hình đó, người dân thấy được hiệu quả thật sự của chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý trong sản xuất và vụ xuân năm nay, huyện đã triển khai gieo trồng được 5,58 ha lúa, chủ yếu là lúa chất lượng cao (Hương thơm), hơn nữa còn huy động người dân tăng cường ngô sớm (ngô nếp) xuống ruộng 396,65 ha, cùng đậu tương, lạc, rau, đậu các loại để nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích ruộng 1 vụ. Đây cũng là lần đầu Quản Bạ đưa lúa chất lượng cao vào thâm canh đại trà, huyện hỗ trợ 50% giống, phấn đấu vụ Xuân -hètrồng đạt 200 ha lúa chất lượng cao và chỉ đạo thực hiện 50 ha rau, hoa tại xã Quyết Tiến. Huyện tổ chức cho các xã đi giao lưu, tham quan, học tập các mô hình tiêu biểu về kinh tế.
Quản Bạ còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, thu mua, chế biến các sản phẩm nông, lâm sau thu hoạch như đậu tương, ngô, chè, thảo quả, dong giềng. Từ đó, giải quyết được đầu ra cho sản phẩm của người dân, kích thích sự phát triển sản xuất, giúp các gia đình phát huy nội lực, từng bước XĐGN bền vững.
Ý kiến bạn đọc