Người Mông hạ sơn ở thôn Giang Nam

08:00, 22/05/2007

(HGĐT)- Để lại sau lưng mảnh đất chật, người đông cùng cái đói, cái nghèo, 14 hộ đồng bào Mông thôn Sảng Cán Tỷ, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) hành hương xuống núi theo tiếng gọi của Đảng hạ sơn nơi vùng đất mới. 3 năm sau ngày định cư, cuộc sống của những hộ dân này tại xóm Mới, thôn Giang Nam , xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) đã có những đổi thay…


        
                              Cán bộ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 313
                        hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây ăn quả.


Ngược Quốc lộ 2 từ thị xã Hà Giang lên cửa khẩu Thanh Thủy, đến km 19, chúng tôi rẽ phải qua cầu treo rồi ngược dốc theo con đường mòn lên xóm Mới, nơi định cư của 14 hộ đồng bào dân tộc Mông. Sau một hồi ngược dốc xóm Mới của thôn Giang Nam đã hiện ra cùng những ngôi nhà gỗ mái lợp Phi-bờ-rô xi-măng nằm xen kẽ trong những nương ngô và vườn cây ăn trái trải dài theo sườn núi. Thật khó có thể ngờ, trước khi về định cư ở đây, các hộ đều thuộc diện đói nghèo ở Sảng Cán Tỷ, vậy mà chỉ sau 3 năm xuống núi các hộ đã có một cuộc sống ổn định. Trưởng xóm Mới Hầu Nhè Chứ cho biết: Nhờ chính sách định cư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của các hộ đang từng ngày no đủ. Trước khi người dân về định cư, nơi đây là vùng đất trống. Nhưng từ khi lập xóm Mới, được Nhà nước và đoàn Kinh tế Quốc phòng 313 đầu tư giúp đỡ, đến nay các c”ng trình như: Nhà ở, bể nước, đường giao thông, lớp học mần non của xóm được xây dựng hoàn chỉnh. Các hộ đều được Nhà nước hỗ trợ tấm lợp, lương thực và mỗi khẩu được cấp 650m2 đất ở và đất sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống của bà con đã nhanh chóng được ổn định. Và bãi đất trống năm xưa giờ đã trở thành những nương ngô, vườn cây ăn quả. Những ngày đầu chuyển về, cán bộ, chiến sỹ đoàn Kinh tế Quốc phòng 313 đã không quản nắng mưa đến giúp nhân dân vận chuyển đồ đạc, san nền, dựng nhà, xây bể nước, hướng dẫn người dân cách trồng ngô giống mới, trồng cây ăn quả và còn cho mỗi hộ dân mượn khoảng 3.000m2 đất sản xuất.

 

Đến thăm một số hộ trong xóm, chúng tôi nhận thấy: Đồng bào hạ sơn không những đã có cuộc sống ổn định mà nhiều hộ bước đầu có của ăn của để. Chị Hạ Thị Mỷ cho biết, gia đình chị có 6 khẩu, chỉ có 2 lao động chính, khi còn ở Cán Tỷ, hàng năm gia đình vẫn phải trông vào trợ cấp lương thực của Nhà nước. Nhưng giờ đây, không những đã đủ ăn mà còn mua được cả bò để nuôi sinh sản. Chị còn cho biết: Vào lúc nông nhàn, chồng chị - anh Hầu Chúa Và, cùng một số người trong thôn lên cửa khẩu Thanh Thủy làm thêm nghề bốc xếp hàng hoá, ngày cao cũng đựơc 50 nghìn đồng còn ngày thấp cũng được khoảng hai chục nghìn. Còn anh Mua Sính Thào khẳng định: Trước khi chuyển về đây, gia đình anh phải sống trong nhà tạm, hàng năm thiếu ăn tới 3 - 4 tháng. Khi chuyển về đây, gia đình anh đã có nhà ở chắc chắn, rộng tới 70m2; đất đai thuận lợi, còn được hướng dẫn áp dụng các biện pháp KH-KT trồng trọt, chăn nuôi nên việc sản xuất hiệu quả hơn. Đến nay gia đình anh đã tiết kiệm và mua được một con trâu trị giá gần 6 triệu đồng. Anh Hầu Nhè Chứ cũng cho biết: Năm 1993, anh lập gia đình và ra ở riêng. Chục năm ở Sảng Cán Tỷ, vợ chồng anh suốt ngày đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn, có năm thiếu ăn đến 6 tháng. Từ khi về Giang Nam định cư, gia đình anh giờ đã có nhà ở, lương thực đủ ăn, các con anh được đến trường học. Tháng 4 vừa qua, gia đình anh còn được đoàn Kinh tế Quốc phòng 313 hỗ trợ 1 con trâu từ dự án hỗ trợ sản xuất của Bộ Quốc phòng.

 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Đoàn kinh tế Quốc phòng 313, Thượng tá, Chính ủy Nguyễn Xuân Bốn cho biết: Lúc đầu mới chuyển về, cuộc sống của bà con gặp phải không ít khó khăn. Song được sựquan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương nên đồng bào đã động viên nhau yên tâm làm ăn sinh sống. Từ khi các hộ chuyển về định cư ở đây, đơn vị đã huy động hàng nghìn ngày công giúp các hộ chuyển nhà, san nền, làm nhà và làm đường giao thông… Ngoài ra, đơn vị còn giúp hàng chục triệu đồng để mua giống ngô, giống cây ăn quả cấp cho các hộ. Đặc biệt, đơn vị đã xây lắp hoàn thành công trình cấp nước và hệ thống bể chứa cho các hộ gia đình với tổng trị giá gần 450 triệu đồng từ nguồn vốn dự án của Bộ Quốc phòng. Anh còn cho biết, hiện đơn vị cũng đã hoàn thành dự án kéo điện, nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay, xóm Mới sẽ có điện dùng.

 

Một ngày với xóm Mới, thôn Giang Nam, tôi cảm nhận được phần nào những bước thăng trầm và sự đổi thay từng ngày trong cuộc sống của người Mông nơi đây. Chia tay trưởng thôn Hầu Nhè Chứ và người dân xóm Mới khi ánh mặt trời đã dần khuất sau những dãy núi, trong tôi tràn niềm tin: Tương lai không xa, người Mông trên đất Giang Nam sẽ vững tâm vươn mình nơi quê mới với cuộc sống ấm no, hạnh phúc.


Phan Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nam Quang... cán "đích"
(HGĐT)- Phó Giám đốc Vũ Đại Đồng, Công ty TNHH Hải Hà (Chi nhánh của doanh nghiệp Haphaco Hải Phòng) cho biết: Đúng 19.5, các máy của công ty tại cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) sẽ đi vào hoạt động.
30/04/2007
Điểm sáng trong kinh tế Việt Quang
(HGĐT)- Được đánh giá là một trong 4 cơ sở sản xuất mây tre đan phát triển nhất thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) hiện nay, HTX mây tre đan xuất khẩu thị trấn Việt Quang hiện có 7 xã viên được thành lập từ năm 2002, với vốn điều lệ 120 triệu đồng, được tỉnh hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật: Máy chẻ, vót mây…
27/04/2007
Quản lý, sử dụng tốt các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh
(HGĐT)- Năm 2007 là năm thứ hai Hà Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP.
25/04/2007
Nhà máy bột giấy Hải Hà - Tiềm năng và hiệu quả
(HGĐT)- Theo chân các đồng chí lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh vào một ngày cuối tuần, chúng tôi đến thăm Nhà máy sản xuất bột giấy Hải Hà, thuộc Công ty Cổ phần bột giấy Hải Hà tại Cụm công nghiệp Nam Quang, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang).
25/04/2007