Đồng Văn phát triển nông nghiệp gắn với chăn nuôi hàng hoá
(HGĐT)- Đồng Văn là một huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất hạn chế nên để thúc đẩy nền kinh tế chung của toàn huyện cũng như hộ gia đình phát triển, giảm bớt hộ nghèo và không còn hộ đói là một trong những bài toán hóc búa của các cấp, ngành của huyện.
Từ những thách thức đó, trong nhiều năm qua, huyện đã vận động bà con các dân tộc bỏ lối canh tác lạc hậu, áp dụng các tiến bộ KHKT, cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng cao, có giá trị kinh tế vào sản xuất trên diện rộng; triển khai cho các ban, ngành chức năng tìm đầu ra, nguồn tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, chăn nuôi cho nhân dân nhằm giúp cho người nông dân yên tâm, sản xuất tạo ra sản phẩm nông nghiệp vừa đảm bảo được an ninh lương thực của huyện cũng như tạo thu nhập cho bà con từ chính những sản phẩm nông nghiệp dư thừa… Từ những việc làm đó, huyện Đồng Văn đã giúp cho kinh tế hộ gia đình phát triển ổn định, góp phần to lớn vào công cuộc XĐGN của toàn huyện.
Trong nhiều năm qua và trong năm 2006, huyện có sự phát triển đáng kể, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với tổng sản lượng lương thực đạt gần 17.000 tấn, tăng hơn 358 tấn so với năm trước, gồm ngô hạt 3.282 tấn lúa mì mạch. Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu vụ sản xuất huyện chỉ đạo các ngành chức năng tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân, chủ động kiểm tra, dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, đối với các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách huyện có biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt được 308,981 triệu đồng mua giống cây nông nghiệp và 120,256 triệu đồng tiền mua phân bón thâm canh… Do đó, diện tích ngô thâm canh đạt gần 5.300 ha, chiếm 77,2% tổng diện tích đất nông nghiệp, trong đó, giống ngô mới chiếm 1.676 ha, tăng 90,7 ha so với năm 2005; 150 ha cây lúa đặc sản; 10 ha cây thảo quả; gần 4 ha cây hoa các loại…
Kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo nhu cầu về lương thực tại chỗ mà còn tạo thành hàng hoá trên thị trường, tạo thêm thu nhập cho nông dân. Để công tác XĐGN có hiệu quả, chiều sâu hơn, huyện còn ra Nghị quyết chuyên đề về XĐGN và giải quyết việc làm; chỉ đạo chương trình hành động cụ thể làm tốt 9 chính sách, 6 dự án kết hợp với các phong trào hoạt động khác có ý nghĩa giúp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, trong năm qua, các hộ nghèo được vay vốn đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả nên năm 2006 đã có 736 hộ thoát nghèo, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 75,45% xuống còn 68,95%...
Từ diện tích cỏ chăn nuôi đã và đang được huyện triển khai cho nhân dân tiếp tục trồng, kết hợp thức ăn dư thừa từ nông nghiệp đã giúp cho tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn huyện tăng đáng kể. Năm 2006, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn huyện có 51.075 con, tăng hơn 5.000 con, tăng 13% so với năm trước. Để đàn gia súc phát triển ổn định, ngoài việc đảm bảo nguồn thức ăn hàng ngày huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; thành lập các chốt kiểm dịch cố định; phun thuốc khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi gia súc cách điều trị, cách ly gia súc bị bệnh tránh để dịch bệnh lan ra trên diện rộng... nên tổng đàn gia súc đã phát triển ổn định, trở thành nguồn hàng hoá trên thị trường. Thu nhập từ bán gia súc, gia cầm đã giúp cho người dân có điều kiện mua sắm những trang thiết bị phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, đời sống ngày càng khấm khá.
Năm 2007, huyện Đồng Văn đề ra mục tiêu hạ tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 61,45%; tổng giá trị sản xuất đạt 210 tỉ đồng; giá trị sản xuất bình quân theo đầu người đạt 3,5 triệu đồng/người/năm… Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; thực hiện các cơ chế chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển các loại giống cây trồng. Phấn đấu hết năm 2007, tổng đàn trâu đạt gần 17.000 con; vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ chăn nuôi phát triển trâu, bò giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh phù hợp với điều kiện của huyện cho trên 1.800 hộ gia đình không có trâu, bò được vay vốn mua trâu, bò song song với việc tiến hành trồng mới trên 400 ha cỏ làm thức ăn cho gia súc. Huyện Đồng Văn phát triển nền kinh tế bằng việc gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi đã tạo thành chu trình khép kín trong lao động sản xuất hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, giúp bà con phát triển kinh tế bền vững, lâu dài.
Ý kiến bạn đọc