Cứu lấy những dòng sông
(HGĐT)- Số liệu báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho thấy, Hà Giang hiện có 51 tàu khai thác sa khoáng trái phép trên 3 dòng sông: Sông Lô, sông Bạc và sông Gâm. Mỗi ngày khối lượng đất đá, cát sỏi được đào bới lên các dòng chảy hàng ngàn mét khối. Và, chưa thể thống kê được có bao nhiêu chất thải độc hại dùng để lọc, cô vàng đổ ra sông mỗi ngày?
Những tàu vàng trên sông Lô.
Ô nhiễm môi trường, gây biến động dòng chảy, vi phạm Luật Khoáng sản là điều hiển nhiên. Nguy hại hơn cả, nó còn làm “chết” dần các dòng sông, sự sống của con người.
Những dòng sông... đang “chết”.
Phó Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh tại trạm Vĩnh Tuy (Bắc Quang) Hoàng Xuân Thành cho biết: Đầu tháng 2.2007, Công an Giao thông Vĩnh Tuy kết hợp với các ngành hữu quan phối hợp Công an Giao thông tỉnh (Phòng PC26) điều tra và kiến nghị Công an tỉnh việc 51 tàu khai thác vàng sa khoáng trái phép trên 3 dòng sông : Sông Lô, sông Bạc và sông Gâm, ra quyết định đình chỉ, tháo dỡ tàu vàng, trục xuất khỏi địa bàn. Chỉ tính trên sông Lô có chiều dài 108 km từ Vĩnh Tuy lên thị xã Hà Giang) đã có tới gần 20 tàu hoạt động không giấy phép. Riêng đoạn gần 10 km từ cầu Vĩnh Tuy đến bến đò xã Tiên Kiều, địa phận Bắc Quang thuộc khu vực sông Bạc có 3 tàu khai thác. Khu vực suối thuộc các xã: Kim Ngọc, Vô Điếm, Đồng Tiến (Bắc Quang) có 3 tàu. Tại địa bàn huyện Vị Xuyên 10 tàu hoạt động suốt ngày đêm. ở dọc sông Gâm (Bắc Mê) có 7 tàu. Theo ước đoán của các ngành chức năng, mỗi ngày có tới hàng ngàn mét khối đất đá, cát sỏi được đào bới, đắp thành đống giữa các dòng chảy. Trong một chuyến đi kiểm tra, thị sát mới nhất (ngày 9.5.2007) đã cho nhận xét rất xác đáng: ...“Những tàu khai thác vàng sa khoáng trái phép kia đã và đang làm các dòng sông, suối trên địa bàn tỉnh ta... “chết” dần”.
Đã cấm... nhưng không giảm.
Nhận thấy sự nguy hại của việc khai thác vàng trái phép trên sông, ngày 6.3.2007, Huyện ủy Bắc Quang đã đi tiên phong chỉ đạo các cơ quan hữu quan của huyện kiểm tra, đình chỉ việc khai thác trái phép. Công văn số 343-CV/HU ngày 6.3.2007 của Huyện ủy Bắc Quang chỉ đạo các ngành: Công an, Tài nguyên, Thuế, Quản lý thị trường huyện đồng loại ra quân đình chỉ các tàu, trục xuất, tháo dỡ trước ngày 13.3.2007. Đến ngày 14.3.2007, tại thôn Toang, xã Thượng Bình, các ngành chức năng đã cùng UBND xã lập biên bản một số tàu khai thác tại địa bàn, đình chỉ khai thác và yêu cầu tháo dỡ. Đến 14.4.2007, các ngành chức năng của huyện Bắc Quang hoàn tất mọi thủ tục cần thiết đối với các chủ tàu đang khai thác vàng sa khoáng trên địa bàn, yêu cầu tháo dỡ và di chuyển khỏi địa bàn Bắc Quang.
Những đụm cát sỏi trên sông Bạc đoạn xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang).
Thực tế cho thấy: Cuộc kiểm tra mới nhất của Công an Trạm Kiểm soát giao thông Vĩnh Tuy vẫn khẳng định, các tàu chỉ dừng ít ngày, không tháo dỡ và sau đó lại tiếp tục khai thác như không có chuyện gì xảy ra (!?) Số liệu điều tra mới nhất cho thấy có ít nhất 2 tàu mới được lắp đặt sau đợt ra quân ở Bắc Quang, tiếp tục khai thác trái phép. Như vậy, theo con số thống kê của Công an Giao thông tỉnh, từ cuối tháng 1 đến nay, lượng tàu vàng mới lắp đặt đi vào khai thác trái phép đã tăng lên là chắc chắn, mặc cho các ngành chức năng cấm và hiệu lực pháp luật buộc di dời tàu vàng ra khỏi địa bàn bị xem thường, không hiệu quả. Tại sao vậy, đã và đang cần câu trả lời thỏa đáng của các cấp có thẩm quyền.
Khai thác núp bóng.
Trong con số thống kê, kiểm tra của PC26 (Công an tỉnh) cho thấy: 27/51 tàu được lập danh sách kiểm tra ngày 17.1.2007, chỉ có duy nhất 1 tàu có giấy phép. Giấy phép cấp là khai thác cát sỏi và “đắp bờ sông” (!?)
Thực tế kiểm tra mới nhất đã sáng tỏ vì không ai lại khai thác cát sỏi để phục vụ xây dựng lại “khuất nẻo” vào các chỗ “khó” không đường đi, bãi đỗ. Và càng không ai đem cả con tàu “tiền tỷ” làm việc “không công” nơi các bờ sông đang êm chảy ngàn đời. Và ai cũng nhận thấy rằng, đằng sau các tàu đào bới là các “đồi sỏi, cát” đùn lên giữa dòng, làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước. Xin trích ý kiến, đề xuất kiến nghị của Phòng PC26 như sau: “Hầu hết các tàu khai thác sa khoáng trên địa bàn đều không có thủ tục giấy tờ. Nếu có thì tàu không thực hiện theo đúng hợp đồng được ký kết (hợp đồng xúc đất, cát bờ sông hoặc đắp bờ sông nhưng chủ tàu chỉ đào bới đất, cát khai thác vàng chứ không đắp bờ sông như hợp đồng ký kết” và “tàu hoạt động đào xới dòng sông, suối, đã làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở bờ sông, suối, dầu chảy gây ô nhiễm môi trường và làm cản trở việc vận chuyển hàng hóa thủy nội địa”... (Đề nghị số 20/PC26 ngày 17.1.2007 của Công an Giao thông tỉnh).
Cần giải pháp mạnh.
Đã đến lúc tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, một chế tài thỏa đáng đủ sức nặng buộc các chủ tàu khai thác vàng trái pháp luật trên sông, suối tỉnh ta phải dừng hoạt động đào bới và tháo dỡ tàu, di chuyển tàu ra khỏi địa bàn. Bởi lẽ, không có chế tài cụ thể của tỉnh thì các ngành chức năng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Khai thác vàng sa khoáng của các tàu hiện nay là vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên, làm ô nhiễm môi trường sống, đe dọa sự sống bền vững của cả cộng đồng, cần sớm dẹp bỏ. Ngày 27.5 Thường trực UBND tỉnh đã họp với các ngành chức năng phân tích mỗi ngày có hàng ngàn mét khối đất đá đào bới làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở đất, gây ôi nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự và lòng tin của nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh kết luận khai thác vàng Sa khoáng là vi phạm pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đến hết ngày 30.6.2007 các tàu phải tự tháo dỡ, di rời khỏi địa bàn tỉnh Hà Giang. Bằng không sẽ cưỡng chế, thu hồi, phạt và tịch thu côngquỹ nhà nước theo pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phải làm cương quyết triệt để theo đúng pháp luật.
Ý kiến bạn đọc