Phát triển kinh tế tập thể ở Xín Mần
(HGĐT)- Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 về phát triển kinh tế tập thể, Xín Mần đã có những chuyển biến tích cực. Loại hình kinh tế tập thể (HTX) sau thời gian dài bị lãng quên đã dần được khôi phục lại và đi vào hoạt động theo Luật HTX mới.
Đó cũng là loại hình phát triển kinh tế tập trung cho từng nhóm hộ gia đình hình thành tại cơ sở phát huy nội lực là chính. Và đã tạo thành động lực thúc đẩy các mối quan hệ sản xuất ngay tại cơ sở làm thành nền tảng ban đầu đưa sản xuất phát triển từ thấp lên cao.
Qua nhiều năm khôi phục và tạo cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ, đến nay Xín Mần đã có 17 HTX đi vào hoạt động theo luật. Các tổ chức HTX cũng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó có: 1 HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết với các dịch vụ, HTX, doanh nghiệp để tiếp nhận và cung ứng giống, phân bón, vật tư cho sản xuất nông nghiệp theo thời vụ cho bà con nông dân. Tạo thành cầu nối giữa nhà nông, các cơ sở cung ứng, chuyển giao tiến bộ khoa học về giống, vật tư gieo trồng. Đồng thời thu mua nông sản sau thu hoạch. Tạo và hình thành các mối liên kết, chuyển giao qua lại lẫn nhau thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ sản xuất. Có 2 HTX sản xuất thu mua, chế biến chè làm thành thương hiệu chè Xín Mần - Nà Chì hoặc Quảng Nguyên. Qua đó, tác động qua lại đưa cây chè và các sản phẩm chè trở thành hàng hóa có thế mạnh, sức cạnh tranh trên thị trường. Hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp “bán” công nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Từ bước nâng cao giá trị kinh tế, giúp xóa đói, giảm nghèo tích cực cho nông dân Xín Mần. Có 3 HTX thành lập trồng, chế biến, thu mua dong giềng, một loại sản phẩm truyền thống vốn bị bỏ quên, ít đem đến lợi ích xưa nay, biến nó trở thành cây trồng mang tính tích cực trong xóa nghèo. Còn có 4 HTX được thành lập chuyên trồng chuối, củ cải, 5 HTX chăn nuôi trâu, bò, lợn lửng, gà đen và làm dịch vụ cung ứng bò giống cho nông dân, góp phần vào mục tiêu “phát triển chăn nuôi hàng hóa” theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra trong giai đoạn 2005 - 2010.
Trong những năm gần đây, khi nhu cầu trao đổi, buôn bán ngày càng tăng, Xín Mần đã có trên HTX quản lý chợ và loại hình HTX tín dụng tiết kiệm bằng vốn cổ đông, HTX vận tải, HTX dịch vụ cây con v.v...
Nhìn tổng thể các HTX được củng cố, thành lập, đi vào hoạt động theo luật đều đã có phương án làm ăn tích cực, giải quyết được việc làm thường xuyên cho 138 lao động, tăng và có thu nhập bình quân từ 600.000 - 1.000.000 đ/người/tháng.
Theo đánh giá của huyện, hết năm 2006, doanh thu từ các hoạt động của khối kinh tế tập thể đã đạt con số 2 tỷ 164 triệu đồng. Lợi nhuận thu được gần 350 triệu đồng. Nộp ngân sách huyện 20 triệu đồng. Bên cạnh những mặt tích cực mà các hoạt động của các HTX tạo ra cũng còn những hạn chế nhất định cần khắc phục. Trước hết, cần đổi mới nhận thức về kiến thức sản xuất hàng hóa “tiểu nông” sang sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu của nền kinh tế thị trường theo quy luật “cung - cầu” điều tiết. Làm cho sản xuất, lưu thông, kinh doanh năng động hơn, nhạy bén hơn. Cũng cần phải có và tạo ra sự “liên kết” giữa các HTX với nhau để tạo thành quy trình sản xuất khép kín. Mở rộng và tăng cường mối liên kết “4 nhà” theo tinh thần Nghị quyết 80 mà chính phủ đề ra. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo vốn, tạo hành lang, cơ chế thông, thoáng, nhằm hỗ trợ các HTX phát triển theo chiều sâu. Và cần thiết phải đào tạo, đào tạo lại để bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của trình độ sản xuất mới trong giai đoạn mới hiện nay thì mới đủ sức cạnh tranh, phát triển bền vững. Và coi đó là mục tiêu quan trọng mà Đảng đề ra trong nhiệm vụ từng bước “hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, đưa đất nước thành nước phát triển vào năm 2015 - 2020.
Ý kiến bạn đọc