Nam Quang... cán "đích"
(HGĐT)- Phó Giám đốc Vũ Đại Đồng, Công ty TNHH Hải Hà (Chi nhánh của doanh nghiệp Haphaco Hải Phòng) cho biết: Đúng 19.5, các máy của công ty tại cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang) sẽ đi vào hoạt động.
Đây cũng là khởi động "cán đích đầu tiên của Nhà máy để chào mừng ngày sinh nhật Bác, chào mừng Ngày bầu cử ĐBQH khóa XII của doanh nghiệp và của Hà Giang. Anh Đồng cho biết rằng: Lấy từ “cán” thay vì từ “về” bởi giai đoạn đầu nhà máy mới có 4 tổ máy hoạt động. Công suất mỗi tổ máy là 200 ngàn tấn nguyên liệu/tháng. Vị chi cả 4 tổ máy mới đạt công suất 800 ngàn tấn, bằng 2/3 công suất thiết kế 12 vạn tấn/năm.
Trong những ngày này, tại cụm công nghiệp Nam Quang, DN Hải Hà luôn có 66 công nhân lao động liên tục 3 ca. Ngoài 4 máy xeo được lắp đặt là 14 bể ngâm nguyên liệu công suất 40 tấn/bể đã hoàn thành theo hệ thống dây chuyền đủ để ngâm, ủ nguyên liệu trước khi vào lò nấu. Tiếp đó là 1 bể đủ dung tích xử lý nước thải được nhập hệ thống xử lý từ Ấn Độ. Trong lúc này, DN đang chủ động lắp, đặt một hệ thống bơm điện lấy nước từ sông Lô, có công suất trên 1.000 m3 trong một ngày đêm đảm bảo cho sản xuất. Đi kèm theo đó là các hệ thống sân, bể, sàn, hệ thống phù trợ khác, phục vụ cho toàn dây chuyền sản xuất giấy đế xuất khẩu cũng đã đi đến giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, sẵn sàng cho máy móchoạt động. Một đội ngũ nhân lực là công nhân được đào tạo tại chỗ gần 100 người cũng được tập kết tại nhà máy và bắt đầu công việc làm quen với hệ thống, dây chuyền sản xuất công nghiệp. Theo ghi nhận, đến thời điểm này, DN Hải Hà đầu tư vào cụm công nghiệp Nam Quang đã đạt trên 70% kể cả vốn, tiến độ theo công suất thiết kế ban đầu được phê duyệt. Đến trước ngày 19.5 tới đây, DN đã chủ động được toàn bộ: Hệ thống máy móc chế biến, lò nấu, hệ thống cấp, thoát nước, điện và nguyên liệu để chính thức đi vào sản xuất. Cũng tại ngày này, 66 công nhân là người địa phương cũng chính thức được đào tạo trở thành công nhân của nhà máy. Đồng thời, DN cùng với tỉnh, các cấp, ngành liên quan sẽ từng bước đi vào quy hoạch, để nhà máy hỗ trợ 1 tỷ đồng đầu tư cho nông dân trồng rừng đảm bảo đúng cam kết, nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ lâu dài cho quá trình sản xuất.
Như vậy, đến giờ phút này, yêu cầu đặt ra hết sức quan trọng là đầu tư “chiều sâu” để đáp ứng nguyên liệu cũng như công ăn, việc làm lâu dài cho cả DN và nhà nông trong quá trình từng bước công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ta.
Một công trình phụ trợ nhưng lại được xếp vào quan trọng “bậc nhất” phục vụ cụm công nghiệp Nam Quang là nước cũng đã được đẩy cao tốc độ thi công. Số liệu ghi nhận tại công trình do Đội trưởng thi công Lê Văn Vấn, thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long (Thanh Hóa) cho biết: Hiện đơn vị đã thi công từ ngày 12.3 tại đập đầu mối. Tập kết trên 50 tấn xi măng Tam Điệp, 18 tấn sắt, 64 ống kẽm phi 200, gần 3.000m ống nhựa phi 200 đảm bảo đủ lắp đặt hệ thống dẫn nước về phục vụ cho Nam Quang. Tại công trường (14.4.2007), công ty có 40 công nhân lao động đang làm việc (kể cả công nhân lao động địa phương). Mỗi ngày lao động 2 - 3 ca để phấn đấu cấp nước trước 19.5 cho cụm công nghiệp. Ngay dưới chân đập đầu mối, cùng 1 chiếc máy ủi D41, 1 máy múc Cô mát su 200, 1 ô tô tải chở vật liệu cho công trường ngày đêm hoạt động cho kịp tiến độ. Anh Nguyễn Ngọc Vinh, cán bộ kỹ thuật cho biết: Khó khăn nhất tại công trường hiện nay đang được quan tâm là tiến độ giải phóng mặt bằng. Tháo gỡ được quá trình giải phóng mặt bằng càng nhanh, tiến độ thi công chắc chắn sẽ diễn ra đúng dự định. Với quyết tâm cao, Ban chỉ huy công trừng đang cùng phối kết hợp với các ngành hữu quan, phấn đấu đến trước “đích” Nam Quang có nước để chào mừng ngày Sinh nhật Bác Hồ và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Bởi lẽ, có nước Nam Quang sẽ hoạt động ổn định, đúng kế hoạch tỉnh giao. Như vậy, những ngày cuối tháng 4.2007, sau gần 2 năm xúc tiến, cụm công nghiệp Nam Quang, công trình chào mừng Đảng, mừng đất nước tại tỉnh ta đã “cán đích”.
Cụm công nghiệp Nam Quang đi vào hoạt động sẽ là bước khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới. Từ đây nó sẽ tạo việc làm, tạo thu nhập và là động lực thúc đẩy sản xuất nghề rừng phát triển. Hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho nông dân. Đồng thời cũng là tiền đề để tỉnh ta từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệ hóa nông - lâm nghiệp nông thôn miền núi ở tỉnh ta cho những năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc