Kinh tế mậu dịch biên giới
(HGĐT)- Năm 2007, phát triển mậu dịch biên giới được ví như “ra khơi, đánh bắt xa bờ lấy con cá to” đã được tỉnh ta xác định. Trong chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các bộ, ngành T.Ư tại tỉnh ta cũng đã lại một lần nữa khẳng định.
Xuất nhập khẩu hàng hóa ở Thanh Thủy.
“Hà Giang có rất nhiều lợi thế để đẩy mạnh hoạt động mậu dịch biên giới”. Hà Giang có trên 270 km đường biên giáp nước bạn Trung Quốc. Hội nhập WTO đã tạo đà đưa chúng ta vào thị trường lớn nhất toàn cầu là ASEAN Trung Quốc, nơi có nền kinh tế, phát triển mạnh nhất toàn cầu hiện nay và được đánh giá vượt lên cả cường quốc kinh tế Mỹ vào năm 2015 - 2020. Hà Giang có 4 cửa khẩu tiểu ngạch đang đà phát triển mạnh là: Mốc 5 (Xín Mần), mốc 9 (Yên Minh), mốc 11 (Vị Xuyên) và cửa khẩu Phó Bảng (Đồng Văn). Ngoài ra, còn hàng chục các cửa khẩu tiểu ngạch khác ở Hoàng Su Phì, Quản Bạ... đã được nối lại để thương nhân, nhân dân 2 nước thăm thân, trao đổi hàng hóa. Có 1 cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy, sắp tới Chính phủ sẽ đầu tư mở rộng để kết nối thị trường ASEAN Trung Quốc, nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế nối liền khu vực ASEAN, của cả vùng kinh tế năng động nhất hành tinh (Đông - Nam á). Theo đó là nâng cấp cửa khẩu mốc 5 Xín Mần thành cửa khẩu Quốc gia, đón đầu khối mậu dịch hành lang miền Tây Bắc, khi Quốc lộ 4D hoàn chỉnh. Hiện Hà Giang cònnằm trong chính sách phát triển kinh tế vùng Tây Bắc bao gồm các khu vực từ Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, tạo thành “trục” kinh tế biên mậu nối liền với nền kinh tế khu vực Nam á năng động nhất thế giới hiện nay. Từ đó, cho phép nền kinh tế của tỉnh mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhất từ trước tới nay. Tình hình đó đã được Chính phủ xác định và đầu tư. Việc đó còn đồng nghĩa với mục tiêu xác định của tỉnh năm 2007 là: Xuất khẩu trên 300.000 tấn khoáng sản, trên 9.000 tấn đũa, bột giấy, hàng ngàn tấn nông sản như chè, đậu, lạc... thu ngân sách trên 70 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, cơ chế tốt nhất, nhằm tạo nên một thị trường mậu dịch biên giới sôi động trong toàn tỉnh vào cuối năm nay và các năm tiếp theo. Qua hơn 3 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu đạt con số trên 43 triệu USD, tăng gần 500% so cùng kỳ năm 2006. Lượng hàng hóa lưu thông qua các cửa khẩu tăng về nhiều mặt. Trong đó, quặng trên 1.400 tấn, gần 5.000 tấn hỗn hợp và sản phẩm cao su, hàng trăm tấn chè, rau quả các loại...
Ngoài sự tham gia xuất - nhập khẩu của cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy chuyển biến tích cực, còn có sự góp phần của các cửa khẩu Mốc 5 (Xín Mần) với giá trị xuất - nhập, trao đổi đạt hàng chục tỷ đồng, cửa khẩu Phố Bảng (Đồng Văn), Bạch Đích (Yên Minh) cũng đang diễn ra trao đổi kinh tế biên mậu, thăm thân.
Theo quy hoạch của Chính phủ, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy sẽ được đầu tư, nâng cấp thành thị trấn Thanh Thủy, nâng tầm trao đổi, giao lưu hàng hóa lên một bước mới trong nay mai. Tại khu vực này, các hệ thống hạ tầng như: Ngân hàng, bưu điện, chợ trung tâm thương mại, kho mậu, bến đỗ đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhu cầu trao đổi, lưu thông tiền tệ, hàng hóa. Tại mốc 5, tỉnh cũng đã đầu tư bằng ngân sách được duyệt trên 5 tỷ đồng. Quy hoạch trên 3 ha cho bước một để vừa xây dựng vừa khai thác, nhằm giảm bớt vốn lúc khó khăn, thu lợi nhuận tại chỗ bù đắp đầu tư giai đoạn 2 trên 30 ha. ở Bạch Đích (Yên Minh), chính quyền 2 bên (Việt Nam - Trung Quốc) của 2 huyện tiếp giáp đã xúc tiến xây dựng hạ tầng, quy chế giao thương cho cả 2 bên trên cơ sở “hợp tác - tôn trọng - cùng có lợi và ổn định lâu dài”. Tại đây, huyện Yên Minh quy hoạch 3,7 ha, đầu tư điện nước, hạ tầng phụ trợ để tạo môi trường thu hút, làm hấp dẫn các doanh nghiệp, thương nhân trong, ngoài đến hợp tác làm ăn.
Kế cận cửa khẩu trung tâm Thanh Thủy là cửa khẩu tiểu ngạch Lao Chải (Vị Xuyên) cũng có bước tiến dài nhờ sự cố gắng của chính quyền 2 huyện Vị Xuyên (Việt Nam) và Mã Quan (Trung Quốc). Mới đây là các cửa khẩu của Quản Bạ ở Nghĩa Thuận, hay ở Bản Máy (Hoàng Su Phì) và cả Thượng Phùng, Xín Cái của huyện Mèo Vạc cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực của cả 2 nước Việt - Trung. Qua đó vừa nối lại quan hệ truyền thống lâu dài của Đảng, nhân dân 2 nước; vừa tạo ra các vùng động lực kinh tế thuận lợi cho 2 bên cùng bước tiếp những bước dài vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực (ASEAN Trung Quốc) và kinh tế thế giới WTO. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Phát triển mậu dịch biên giới với một thị trường rộng lớn có nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu hiện nay, thì không có nơi nào, tỉnh nào chiếm lợi thế như Hà Giang. Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh, với mục tiêu phát triển kinh tế biên mậu, mở rộng đầu tư để đột phá phát triển bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thu được ban đầu tuy chưa tương xứng, song nó đã khẳng định một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế hội nhập, với sự phát triển chung của đất nước. Và đang tạo ra đà mới đầy triển vọng để rút ngắn thời gian xóa nghèo tại Hà Giang. Mục tiêu đến năm 2010, đưa Hà Giang thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn đã có bước chuyển hết sức to lớn. Trong đó, kinh tế mậu dịch biên giới đã và đang góp phần không nhỏ trong chiến lược kinh tế của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc