Khuyến nông Vị Xuyên:
Góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp
(HGĐT)- Đội ngũ cán bộ khuyến nông có nhiệm vụ trọng tâm là: Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kiến thức về tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi; xây dựng và thực hiện các mô hình trình diễn; tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất.
Trong những năm qua, những nhiệm vụ trọng tâm này luôn được cán bộ khuyến nông các cấp của huyện Vị Xuyên quán triệt và thực hiện tốt, góp phần vào sự phát triển sản xuất, chăn nuôi toàn huyện. Đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, từ huyện đến xã, thôn bản luôn là những người gần gũi với đồng ruộng và có mối quan hệ gắn bó với bà con nông dân. Điều đó được khẳng định vì hầu hết các phần việc trong sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân như: Chọn giống, lấy giống cây trồng vật nuôi; chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch và bảo quản...đều có liên quan đến hoạt động của đội ngũ khuyến nông các cấp. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vị Xuyên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ khuyến nông phát triển cả về số lượng cũng như nâng cao về chất lượng hoạt động. Nhờ có sự quan tâm đó mà đội ngũ cán bộ khuyến nông ở huyện đã có sự ổn định và lớn mạnh về tổ chức; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao. Về tổ chức, 100% số xã, thị trấn đều có cán bộ khuyến nông. 24 cán bộ khuyến nông xã, thị trấn đều đã đạt trình độ trung cấp trở lên, trong đó có 3 cán bộ có trình độ đại học. Cả huyện có 248 thôn bản, tổ khu phố thì đã có 224 cán bộ khuyến nông thôn bản, tất cả các thôn bản làm nông nghiệp đều có cán bộ khuyến nông. Đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn bản do xã, thị trấn quản lý nhưng khi tuyển chọn vẫn phải đảm bảo các tiêu chí: Những người có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, người có tiếng nói với bà con nông dân và phải đảm bảo trình độ văn hoá hết lớp 9 trở lên. Để nắm bắt kịp thời hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, thôn bản, mỗi tháng, cán bộ khuyến nông xã giao ban với huyện 2 lần, cán bộ khuyến nông thôn bản giao ban với xã, thị trấn 2 lần. Qua những buổi giao ban đó để nêu những kết quả đã triển khai, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình vận động bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ có hoạt động giao ban này mà huyện và các xã mới kịp thời nắm thông tin để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, chăn nuôi...
Được kiện toàn về tổ chức, có trình độ năng lực nên hoạt động của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp ở huyện Vị Xuyên đã đạt kết quả khả quan trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Hàng năm, khuyến nông huyện, khuyến nông các xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất cho người dân. Khuyến nông huyện cũng đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn về trồng trọt các loại giống cây trồng mới, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tính chất hàng hoá, kỹ thuật cao... Chỉ tính riêng trong năm 2006, khuyến nông huyện, xã tổ chức được 53 lớp tập huấn KHKT cho gần 2.000 lượt người tham gia, trong đó tập huấn cho nông dân là 45 lớp với trên 1.700 lượt người tham gia, tập huấn cho cán bộ khuyến nông thôn bản, cán bộ thôn bản được 8 lớp cho 240 người tham gia. Thực hiện 6 mô hình trình diễn với tổng số 69 hộ dân tham gia. Trong đó có nhiều mô hình thành công và có khả năng phát triển nhân rộng ra địa bàn như: Trồng dưa chuột Thái Lan; chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc; chăn nuôi gà an toàn sinh học...Trong vụ Đông - xuân năm nay, Trạm Khuyến nông huyện thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao HT1 quy mô 15 ha tại xã Trung Thành và Phương Tiến. Mô hình này đang phát triển tốt. Cán bộ khuyến nông các cấp ở huyện cũng đã trực tiếp nói chuyện với bà con nông dân trong xã, trong thôn để hướng dẫn bà con sản xuất, chăn nuôi ở các phần việc cụ thể như: Vận động bà con sản xuất theo đúng lịch thời vụ; hướng dẫn bà con chọn giống, gieo giống và chống rét theo đúng phương pháp; cùng bà con kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa rồi hướng dẫn bà con phun thuốc phòng trừ... Những hoạt động đó đã góp phần tích cự vào sự phát triển sản xuất, chăn nuôi ở huyện. Lượng giống cây trồng mới luôn đạt tỷ lệ cao, có sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Hai loại cây trồng chính là lúa và ngô vẫn được duy trì về diện tích tỷ lệ giống mới, kết hợp với thâm canh ngày một tăng, năng suất nhờ đó cũng tăng lên, góp phần ổn định lương thực trong dân. Ngoài ngô và lúa, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được trồng nhiều hơn. Năm 2006, diện tích cây lạc trồng được trên 1.150 ha, tăng 50% so với năm 2005, sản lượng đạt trên 1.900 tấn; Rau xanh các loại trồng được gần 600 ha, sản lượng đạt gần 4.700 tấn...
Với hoạt động của mình và những kết quả đã làm được, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp tạo được niềm tin, là chỗ “dựa” với bà con nông dân.
Ý kiến bạn đọc