Tìm giải pháp cho cam Hà Giang phát triển bền vững
(HGĐT)- Kết quả đánh giá vụ thu hoạch cam vừa qua tại 2 huyện Bắc Quang – Quang Bình cho sản lượng trên 37.000 tấn. Tại Bắc Quang thu trên 30.000 tấn, Quang Bình trên 7.000 tấn, chưa kể và tính đến sản lượng cam thu hoạch tại Vị Xuyên.
Đã từ rất lâu, cam Hà Giang vốn đã có tiếng và nổi tiếng trong cả nước. Rất nhiều hộ gia đình trồng cam đã làm giàu, trở thành các triệu phú vườn cam ở các khu vực Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Tỉnh ta cũng đã rất coi trọng phát triển kinh tế cam theo hướng trang trại và cũng đã thu được nhiều kết quả tốt. Trong 2 năm vừa đây, quả cam sành Hà Giang đã được Hội Làm vườn xúc tiến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, được bảo hộ quyền sở hữu trong toàn quốc. Ngay sau đó, năm 2005 giá bán cam của đồng bào Hà Giang tăng vọt, đã kích thích các nhà vườn đầu tư, chăm sóc và mở rộng sản xuất ở nhiều vùng, nhiều địa phương. Nhưng kết quả vụ thu hoạch cam năm nay lại ít vui vì giá cam hạ, mức độ tiêu thụ chậm… Bàn và tìm giảI pháp cho cây cam của tỉnh chúng ta cũng đã làm, đã bàn rất nhiều, kết quả cũng có, nỗi lo cũng nhiều và hiện tại thì hiện trạng “được mùa – mất giá” bấy lâu nay trong sản xuất nông nghiệp không riêng gì ở tỉnh ta, mà trong cả nước. Khắc phục hiện trạng “được mùa – mất giá” nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành, vùng miền đã làm rất tốt, nhiều mô hình hay. Nhưng “quy lại” việc làm trên, việc tìm “đầu ra” đích thực cho các sản phẩm nông nghiệp vẫn chỉ dừng ở góc độ: Doanh nghiệp, mà đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh là chủ yếu.
Ở các nước phát triển, chính sách "bảo hộ" cho sản xuất và trợ giá: Thu mua, bảo quản và cả trợ giá mất mùa cho nông dân hiện vẫn là mối tranh cãi trong các bàn nghị sự thúc đẩy buôn bán với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo, chậm và đang phát triển.
Ở nước ta, Chính phủ đã có nhiều biện pháp như hỗ trợ vốn, lãi cho việc thu mua lúa gạo xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long làm giảm khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp. Ở khu vực này, rất nhiều trái cây như: Soài, chôm chôm, sâu riêng, bưởi, thanh long v.v... đã được xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài bằng các biện pháp nêu trên. Câu hỏi tại sao trái cây miền Nam được xuất khẩu nhiều, tiêu nội địa cũng nhiều? Câu trả lời không gì khác ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước đi kèm công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm.
Bấy lâu nay ta vẫn thường nói đến cơ chế thị trường trong sản xuất hàng hóa. Điều đó có nghĩa người sản xuất "phải" làm ra cái thị trường cần, thị trường đòi hỏi. Quy luật trong sản xuất, lưu thông, phân phối được điều tiết bằng hai chữ "cung - cầu". Khi "cung" nhỏ, mà "cầu" lớn thì ắt giá ca và cao đến chót vót. Điều đó cũng ngược lại khi cung "vượt" quá cầu, thì hàng rớt giá, thậm trí "đổ bỏ". Như vậy, việc phát triển sản xuất phải "dựa" vào nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi.Sản xuất phải có quy hoạch, nghĩa là phải có kế hoạch phát triển cho phù hợp để không vượt quá khả năng tiêu dùng. Nói đến tiêu dùng là "tiêu nội địa" và xuất khẩu. Trở lại với cây cam Hà Giang, với sản lượng trên 37.000 tấn/vụ hiện nay là con số vô vùng lớn, vượt quá khả năng tiêu thụ trong tỉnh trên 80 vạn dân với nền kinh tế còn thấp. Tỉnh ta cũng có rất nhiều chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn và chưa thật đồng bộ. Trong đó, việc trợ cước, trợ giá thu mua ta chưa thể với được vì ta là tỉnh nghèo. Các doanh nghiệp trong tỉnh vươn vào thị trường để tiêu thụ sản phẩm chưa có. Việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm cam sành của tỉnh còn thiếu, còn yếu, còn chậm. Cụ thể: Cuối tháng 5.2006, tỉnh đã mở Hội nghị chuyên đề bàn cách phát triển cây cam hàng hóa tại Bắc Quang, vùng cam trọng điểm. Hội nghị đã giao cho huyện Bắc Quang, Hội Làm vườn tổ chức Hội nghị khách hàng chuyên đề về cam với các doanh nghiệp, thương nhân trong cả nước. Thế nhưng, đến ngày 6.1.2007, tức là mùa thu hoạch rộ cam, quýt mới tổ chức được Hội chợ cam. Việc tổ chức chậm sẽ là thiếu điều kiện để cho các doanh nghiệp, thương nhân biết để sắp xếp, chào hàng, ký kết các hợp đồng tiêu thụ. Còn tổ chức Hội làm vườn của tỉnh đứng ra đăng ký, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa "đủ tầm", vì đây là một hội chưa đủ mạnh, chưa đủ uy tín để bảo hộ cho cả vạn hộ trồng cam của tỉnh hiện nay (chưa đủ mạnh được hiểu cả về uy tín, tài chính).
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, cam Hà Giang tiêu thụ chậm bởi quả cam xấu, mẫu mã không đẹp, không đều... lý do đó hoàn toàn đúng. Song lý do đó "đúng" mà "chưa đủ". Ai cũng phải thừa nhận: Một nền kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả, nhất thiết phải quy hoạch. Có quy hoạch, kế hoạch mới kiểm soát chặt chẽ, điều tiết được thị trường không để "cầu" nhỏ hơn "cung" thì sản xuất mới phát triển. Còn sản phẩm cam của tỉnh ta "cung" hiện đã nhỏ hơn "cầu" nội tỉnh. Bởi vì người dân đã đổ xô trồng cam quá nhiều, mà doanh nghiệp tiêu thụ cam lại quá ít, thậm chí trong tỉnh còn chưa có. Chúng ta không thừa nhận là không đầu tư, nhưng mối đầu tư quá nhiều về một chiều. Phát triển nóng, ắt sẽ bị phá vỡ đó là quy luật khách quan. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay phải biết cách điều chỉnh nền sản xuất. Trong đó, việc nắm bắt thị trường, quảng bá sản phẩm là việc được đặt lên hàng "đầu" trong kế hoạch phát triển sản xuất. Ở đó, việc nắm bắt thời cơ chậm sẽ mất cơ hội, việc đầu tư nóng, thiếu đồng bộ sẽ làm triệt tiêu năng lực sản xuất, gây khó khăn cho nông dân, cho nền kinh tế.
Vậy phải làm gì để cây cam Hà Giang phát triển bền vững? Câu trả lời đã có qua phân tích ở trên. Còn hiện nay, mùa cam nữa đã bắt đầu ra hoa kết trái. Vậy có nên phát triển trồng mới nữa hay không? Theo chúng tôi là không nên, mà chỉ nên dừng lại ở diện tích hiện có để chăm sóc tốt, áp dụng KHKT để nâng cao sản lượng, chất lượng cam. Cấp tỉnh cần có thêm cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ thật cụ thể cho vấn đề tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Cần đẩy mạnh công việc xúc tiến tiêu thụ nội địa. Có biện pháp, cơ chế để xúc tiến xuất khẩu trái cây như các tỉnh phía Nam đang làm. Tăng cường công tác tuyên truyền để nhà vườn, nhà nông đầu tư vào cây, con khác, chứ không nhất thiết đầu tư một chiều vào cây cam như hiện nay vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Đồng thời, tỉnh cũng nên quan tâm, đầu tư theo "chiều sâu" cho công nghệ bảo quản "sau thu hoạch" kêu gọi các doanh nghiệp tham gia buôn bán, tiêu thụ, xuất khẩu cam sành mở rộng trên quy mô toàn quốc.
Ý kiến bạn đọc