Thắng Mố từng bước thoát nghèo
(HGĐT)- Xã Thắng Mố là một xã biên giới phía Bắc của huyện Yên Minh, nhân dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã là 2.325 ha nhưng đất có thể sản xuất nông nghiệp chỉ có 283 ha chủ yếu là đất trồng ngô, đất có thể trồng lúc chỉ có 37 ha.
Những năm trước, lao động, sản xuất ở nơi đây chủ yếu là nông nghiệp vẫn còn mang tính tự cung, tự cấp chưa chuyển thành hàng hoá, chưa mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cả xã không có hộ khá, giàu, 79 hộ trung bình, 289 hộ nghèo (tiêu chí mới). Xong từ năm 2007, xã Thắng Mố đã được Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án vào phát triển cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… nên nhân dân đã bước đầu phát huy được nội lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Vì vậy, đời sống củahơn 378 hộ, trên 2.039 khẩu đã có sự phát triển đi lên…
Xã Thắng Mố cách trung tâm huyện 42 km, đường giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn và trong khi đó trình độ dân trì của người dân còn thấp, sinh sống không tập trung, không có ngành nghề phụ nên xã đã xác định để thúc đẩy kinh tế phát triển dựa vào diện tích đất có thể canh tác nông - lâm nghiệp là chính. Vì vậy, ngay từ đầu vụ sản xuất xã đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn bản tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân bỏ lối cach tác lạc hậu, các giống cây nông nghiệp cũ cho năng suất, sản lượng thấp thay vào đó là những giống cây cho năng suất cao, phù hợp với với khí hậu của địa phương, tận dụng những diện tích đất không thể trồng cây nông nghiệp để trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Diện tích trồng ngô được 245ha, đạt 100% kế hoạch giao, năng suất đạt trên 24 tạ/ha; trồng được hơn 35 ha lúa, đạt 97% kế hoạch; cây đậu tương trồng 200 ha, năng suất đạt 11 tạ/ha, sản lượng đạt 220 tấn, đạt 96% kế hoạch… Qua thống kê, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 159 tấn, đạt 91% kế hoạch. Ngoài việc, thúc đẩy nhân dân phát triển cây lương thực, xã còn chỉ đạo toàn thể xã viên đẩy mạnh việc thâm canh, gối vụ bằng các giống cây ngắn, dài ngày có giá trị kinh tế cao trên thị trường nhằm tạo nguồn thu nhập cho bà con như: Cây thảo quả trồng được hơn 3 ha; cây mía trồng được 6/4 ha theo chỉ tiêu được giao; cây lanh trồng được 20 ha. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhận thức của nhân dân về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá chính là con đường để thoát khỏi đói nghèo nên khi triển khai trồng cỏ chăn nuôi người dân xã Thắng Mố đã trồng được 50,1 ha/ 20 ha theo kế hoạch giao… Song song với việc phát triển nông nghiệp, lãnh đạo xã còn rất chú trọng đến việc chỉ đạo nhân dân duy trì đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn sảy ra, hiện nay tổng đàn gia súc của xã đã tăng lên hơn 2.700 con, trong đó có 820 con bò; 84 con trâu; 908 con dê; 67 tổ ong và trên 2.800 con gia cầm… Để đàn gia súc phát triển ổn định, tạo được thu nhập cho người dân từ việc bán sản phẩm trong chăn nuôi và tận dụng nguồn phân bón cho nông nghiệp là do đội cán bộ khuyến nông của xã đã luôn bám, nắm cơ sở để kịp thời tuyên truyền vận động bà con phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trong thời gian qua đã tổ chức tiêm phòng cho đại gia súc, gia cầm được trên 2000 liều vác-xin. Với những việc đã và đang làm của xã Thắng Mố đã từng bước làm thay đổi cuộc sống của người dân theo hướng phát triển đi lên từng bước vững chắc. Năm 2006, lương thực bình quân đầu người đạt từ 380 - 290 kg/người/năm, tăng 10kg so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 1,7 - 1,9 triệu đồng/người/năm, tăng 200.000 đồng so với năm 2005.
Phát huy những thành tích đã đạt được của năm 2006, bước sang năm 2007 xã Thắng Mố đã đề ra quyết tâm làm tốt công tác lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế bằng việc tổ chức tuyên truyền, vận động bà con tích cực đưa giống mới cho năng suất, sản lượng cao vào sản xuất; đẩy mạnh việc áp dụng KHKT tiên tiến vào thực tế; khuyến kích các hộ gia đình chủ động vay vốn phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại; tỉ lệ huy động trẻ từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 95%. Từ kết quả đã đạt được và những kế hoạch cho tương lai của xã Thắng Mố, người dân nơi đây đã thêm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và quan trọng hơn là người nông dân đã yên tâm lao động, sản xuất, làm giàu cho gia đình chính bằng thế mạnh của địa phương mình.
Ý kiến bạn đọc