Kinh tế đa thu nhập ở Tân Trịnh
(HGĐT)- Tổng giá trị sản xuất đạt trên 18 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế gần 9%, kinh tế chuyển dịch hợp lý, hạ 10% tỷ trọng kinh tế nông -lâm nghiệp, tăng 2% tiểu thủ công nghiệp, tăng 4% dịch vụ thương mại. Toàn xã đã giảm được hơn 7% số hộ nghèo theo tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người gần 5 triệu đồng và 512kg lương thực/năm đã khẳng định sự phát triển của nền kinh tế đa thu nhập ở xã Tân Trịnh.
Thực tại:
Tân Trịnh (Quang Bình) được coi như một vùng đất trù phú nằm bên dòng sông Bạc, có chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, có đường sông, có tuyến Quốc lộ 279 thông thương sang các tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Từ khi chưa tách huyện, Bắc Quang đã coi Tân Trịnh là một xã tiềm năng, một điểm khai phá sản xuất thuần nông, phát triển kinh tế hộ theo hướng hàng hoá chất lượng cao. Nếu tính bình quân thì mỗi hộ có gần 2ha đất canh tác, kể cả đất vườn, đất ven rừng, trong đó khoảng trên 4.500m2 đất cấy lúa hai vụ, có lợi thế về đất phát triển vùng nguyên liệu giấy, cây lâm nghiệp, chăn nuôi...
Trước đây, Tân Trịnh nổi tiếng là vùng cây ăn quả đặc sản, mà cây cam sành, cam chum, quýt chum, chè bản địa với hơn 120ha, có năm cho trên 1.000 tấn cam quả đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân trong xã. Vào những năm 1992 đến 2000, nhiều gia đình đã xây được nhà có giá trị vài trăm triệu đồng, xắm được những vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt cuộc sống. Đặc biệt, những gia đình có diện tích trồng cam lớn Ngòi Ham, hay ở hai bên bờ sông Bạc, những gia đình ở gần chợ Cầu Sông Bạc thì mở cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh, trong đó có việc kinh doanh vật tư nông nghiệp cung cấp cho cả vùng nông nghiệp rộng lớn từ Tân Bắc, Yên Bình, Bản Rịa, thậm chí vào tới Nà Khương...
Bởi là vùng thuần nông, định hướng kinh tế hộ theo mục tiêu đa thu nhập chưa rõ ràng, khi cây cam, quýt mắc bệnh vàng lá chết hàng loạt, mô hình kinh tế gia đình có nguy cơ bị sa sút nghiêm trọng. Người dân trên địa bàn xã chưa thực sự nhạy cảm với kinh tế thị trường, vậy là những hộ trồng cam ở xã Tân Trịnh nói riêng và hàng vạn hộ nông dân ở huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên chuyên canh cây cam, quýt bị khủng hoảng nghiêm trọng về thu nhập.
Tìm hướng cho tương lai:
“Trong cái rủi, có cái may”, anh cán bộ khuyến nông của xã bảo tôi như vậy, một thời điểm mà không ai mong muốn, nhưng lại thích hợp nhất để nông dân Tân Trịnh có cách nhìn nhận đúng, hợp lý về mô hình phát triển thiếu đồng bộ của mình mà suy xét về kinh tế hộ. Một tiềm năng, nội lực đã bị bỏ quên nhiều năm qua, như mở rộng chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây công nghiệp, trồng rừng, phát triển ngô, lúa hàng hoá đã được người dân Tân Trịnh đưa vào mô hình kinh tế gia đình và đều được coi là thu nhập chính. Xã Tân Trịnh có hơn 414ha đất trồng lúa được huy động đưa giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị hàng hoá cao vào thâm canh sản xuất. Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể, hội trong xã đã đồng loạt ra quân, mở hội nghị chuyên đề, định hướng chỉ đạo mục tiêu kinh tế xuống từng thôn bản, lấy các hộ đoàn thể làm nòng cốt trong phát triển kinh tế gia đình theo hướng hàng hoá nông - lâm sản “đa thu nhập”. Tiến hành xây dựng các mô hình gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên, CCB, hội viên nông dân, hội viên phụ nữ, cán bộ thôn, xóm làm điểm. Đưa các mô hình kinh tế dễ đánh giá, ngắn thời gian vào thực hiện, như mô hình nuôi ngan Pháp, gà thả vườn, trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò, dê, đào ao thả cá, trồng hồng chùm.
Cây dài ngày, có thu nhập cao cũng được chú trọng. Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nhân viên bảo vệ thực vật và kinh nghiệm sẵn có được đúc rút, người dân đã tự bỏ vốn, công sức cải tạo các vườn cam. Nhiều vườn cam bị vàng lá, lụi cành trước đây đã được sử lý bằng cách “bỏ hết cây, đào hết rễ”, đốt mùn chống nấm, chống mầm bệnh còn lưu truyền trong đất, đồng thời tìm những nơi trồng cam trong vùng, mua cành chiết từ giống cây khoẻ về trồng lại... Qua gần 5 năm, Tân Trịnh đã và đang tìm lại những vườn cam và bước đầu cho thu nhập đáng kể. Kết hợp với các chương trình, dự án, như 134, 120, 135, xoá nhà tạm, mục tiêu kinh tế của tỉnh, của huyện, định hướng đúng của xã, đã có nhiều gia đình thu nhập từ cam, từ chăn nuôi bò, trâu, thả cá hàng trăm triệu đồng/ năm, chưa kể thu từ cây ngô, lúa, sản phẩm lâm nghiệp dài ngày.
Tân Trịnh đã thành công:
Vườn cam mới của xã Tân Trịnh đã lên đến 105ha và vụ xuân năm 2007, toàn xã sẽ trồng mới trên 20ha nữa. Vụ thu hoạch vừa qua đã có 55ha cho thu hoạch, cung cấp cho thị trường gần 500 tấn quả, đưa số hộ có mức sống trung bình trở, khá và giàu trên địa bàn toàn xã lên trên 750 hộ theo tiêu chí mới, chỉ còn 155 hộ nghèo, không còn hộ đói. Ông Hoàng Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Đây là tiền đề, là “bàn đạp” cho Tân Trịnh vươn lên, trong lúc khó khăn nhất mới thể hiện hết ý chí, khai thác tiềm năng, thế mạnh. Nội lực trong nhân dân là vô cùng to lớn, họ dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vươn lên nếu được sự định hướng, chỉ đạo sát sao, lòng dân, ý Đảng gặp nhau thì khó mấy cùng thành công.
Ý kiến bạn đọc