Khu công nghiệp Bình Vàng tiềm năng và hướng phát triển

08:58, 20/03/2007

(HGĐT)- Khu công nghiệp Bình Vàng được hình thành và đi vào sản xuất sẽ là cơ hội cho tỉnh ta phát triển KT-XH và giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Trong tương lai không xa Bình Vàng sẽ là khu công nghiệp sầm uất, góp phần đưa công nghiệp của Hà Giang ngày càng phát triển vững chắc.


Hiện trạng kinh tế - xã hội

 

Xã Đạo Đức huyện Vị Xuyên, có tổng diện tích tự nhiên là 4.419 ha, trung tâm xã nằm từ Km8 đến Km10 trên trục quốc lộ 2 Hà Nội - Hà Giang.

 

Xã có các dân tộc: Tày, Kinh, Nùng, Dao... sinh sống, đây là vùng đất tương đối rộng. Cơ sở hạ tầng được xây dựng từ lâu, một số hạng mục đang được xây dựng mới và nâng cấp cải tạo từng bước. Hệ thống cấp điện sinh hoạt, nguồn điện lưới Quốc gia 35 Kv đi qua trung tâm xã, đây là nguồn điện ổn định và đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân; nước sinh hoạt chưa được đầu tư xây dựng mà chủ yếu là do nhân dân tự làm bằng ống nhựa và máng dẫn từ suối về, vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Qua kết quả điều tra toàn xã hiện có 1.057 hộ với 4.698 khẩu sinh sống ở 14 thôn, trình độ dân trí thấp vì vậy số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm 96,3%, chỉ có 2,7% số hộ làm dịch vụ buôn bán và 1% số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập của một hộ dân ở khu vực này năm 2005 khoảng 2.500.000 đồng, chủ yếu từ sản xuất nông - lâm nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp gồm trồng trọt, chiếm 82,62%, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, dê...chiếm 17,38%. Theo kết quả phân loại hộ giàu, nghèo của huyện Vị Xuyên vừa qua cho thấy trên địa bàn 3 thôn: Bình Vàng, thôn Mới và thôn Trần hầu như không có hộ khá và hộ giàu, chỉ có hộ trung bình chiếm 38,4% và hộ nghèo chiếm 61,6%, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo của các hộ thuộc các thôn trên chủ yếu là thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn sản xuất, đông khẩu, tàn tật và nhiều nguyên nhân khác.

 

Do xác định rõ thực trạng KT-XH của xã và tiềm năng để phát triển khu công nghiệp, nên trong thời gian qua tỉnh đã có chủ trương lấy 3 thôn: Bình Vàng, thôn Trần và thôn Mới để xây dựng thành khu công nghiệp. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Phạm Đình Túy, Giám đốc Sở Công nghiệp, cho biết: Để từng bước đưa nền KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển, tỉnh đã chỉ đạo phải phát triển Công nghiệp, vì thế ngành Công nghiệp đã xây dựng phương án để quy hoạch tổng thể khu công nghiệp Bình Vàng. Tổng diện tích của 3 thôn này là 618,7 ha, do địa hình không thuận lợi, độ dốc lớn mấp mô 30% không thể sử dụng cho khu công nghiệp nên thực tế để quy hoạch cho khu công nghiệp chỉ còn là 305 ha. Về quan điểm chung trong việc bố trí tái định cư dự án khu Công nghiệp Bình Vàng là đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và người dân sở tại cũng được hưởng lợi từ chương trình tái định cư. Phải đảm bảo cho họ điều kiện sản xuất để nhanh chóngphục hồi và tiến tới nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ đời sống tốt, đảm bảo cho người dân tái định cư sống trong một môi trường xã hội hòa hợp và môi trường tự nhiên trong sạch. Định hướng trong việc bố trí tái định cư của dự án này hình thức có thể là tái định cư tập trung, xen ghép hoặc di dân tại chỗ những nơi có điều kiện thích hợp. Trong trường hợp có di dân ngoài xã, huyện, tỉnh phải thực hiện trên cơ sở tự nguyện của nhân dân và đảm bảo điều kiện ổn định cuộc sống bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ. Hướng di chuyển các hộ dân tái định cư là bố trí vào các vùng có tiềm năng về đất đai, tiềm năng về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và gần khu công nghiệp để sau này có thể tham gia lao động trong khu công nghiệp.

 

Hướng phát triển

 

Theo đánh giá của đồng chí Phạm đình Túy thì dân số phải di chuyển dự án Khu Công nghiệp Bình Vàng là 140 hộ với khoảng 700 nhân khẩu. Diện tích đất các loại bị thu hồi làm khu công nghiệp là 305 ha, bình quân 1 căn nhà phải di chuyển thiệt hại khoảng 25 triệu đồng, tổng giá trị thiệt hại về nhà ở là 3.500 triệu đồng. Ngoài ra, dự kiến thiệt hại về kiến trúc kèm theo nhà, thiệt hại về cây trồng, vật nuôi trên đất có mặt nước, thiệt hại về công trình kết cấu hạ tầng... khoảng 18.650 triệu đồng. Tổng kinh phí của dự án tái định cư là 28.520 triệu đồng. Để dự án từng bước thực hiện được nhanh chóng, Sở Công nghiệp cùng với các ngành tham mưu cho tỉnh phân kỳ đầu tư, lập quy hoạch chung 305 ha, lập quy hoạch chi tiết 200 ha, chia làm 2 lô, lập quy hoạch di dân tái định cư 93,5 ha. đồng thời khảo sát lập quy hoạch trong quý I.2007, phân lô 100 ha đất công trình công nghiệp và 105 ha đất phụ trợ và khu nhà ở của công nhân. Giai đoạn I trước mắt do nhu cầu đầu tư xây dựng của dự án nhà máy luyện thép công suất 300.000 tấn/năm, nhà máy nghiền Clinke công suất 250.000 tấn/năm quý I.2007 sẽ đền bù giải phóng mặt bằng diện tích giao cho 2 dự án trên sử dụng dự kiến là 70 ha thuộc lô 1. Đồng thời giải phóng mặt bằng khu phụ trợ, gồm khu điều hành, nhà ở công nhân, cây xanh, đường giao thông nội bộ, trạm điện, trạm nước... dự kiến diện tích là 50 ha. Giai đoạn 2 khi dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt sẽ tiếp tục đền bù giải phóng mặt bằng phần diện tích 30 ha còn lại thuộc lô 1 - dự kiến thực hiện quý IV.2007 và quý I.2008...

 

Có thể nói rằng, dự án khu Công nghiệp Bình Vàng là một trong những dự án có khả năng phát triển tốt. Mặc dù dự án đang ở giai đoạn đầu nhưng đã được tỉnh tập trung đầu tư và giao cho các ngành chức năng thẩm định tính toán để quy hoạch, giải tỏa mặt bằng với tinh thần khẩn trương nhất. Khu Công nghiệp Bình Vàng được hình thành và đi vào sản xuất sẽ là cơ hội cho tỉnh ta phát triển KT-XH, mặt khác sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Hy vọng rằng trong tương lai không xa Bình Vàng sẽ là khu Công nghiệp sầm uất, góp phần đưa công nghiệp của Hà Giang ngày càng phát triển vững chắc...


Hiến Chương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngành Thuế Hà Giang thực hiện có hiệu quả công tác thu thế môn bài năm 2007
(HGĐT)- Tính đến hết tháng 1.2007, ngành Thuế Hà Giang thu nộp thuế môn bài vào ngân sách Nhà nước đạt 2.870 triệu đồng, đạt 106% so với dự toán T.Ư và 98% so với dự toán tỉnh giao, tăng 13% với cùng kỳ năm trước.
28/02/2007
Yên Mình đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư tín dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa
(HGĐT)- Huyện Yên Minh có 11 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên địa bàn, trong đó có 5 Công ty TNHH và 6 HTX. Những năm qua, nhờ nguồn vốn đầu tư tín dụng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa của NHNo & PTNT huyện, đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt KT-XH của huyện.
26/02/2007
Xuân về vùng dự án
(HGĐT)- Trở lại Đoàn KTQP 313, khác hẳn những năm trước là những nhà tạm giữa vùng trơ trọi sỏi đá, thì nay, doanh trại từ Đoàn bộ đến các đội được đầu tư cơ bản và đã hoàn thiện. Bao quanh đơn vị là cả một màu xanh của những vườn cây ăn quả, cây lấy gỗ, hệ thống vườn hoa cây cảnh và các vườn rau, tất cả được bố trí hợp lý.
26/02/2007
Trạm BTS thứ 22 Chi nhánh Hà Giang thuộc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội khai trương
Ngày 26.2.20007, tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên), Chi nhánh Hà Giang thuộc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội đã tổ chức lễ khai trương trạm phát sóng BTS, đây là trạm phát sóng thứ 3.000 và là thuê bao thứ 8 triệu của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội, là trạm phát sóng thứ 22 của tỉnh Hà Giang được đưa vào sử dụng.
26/02/2007