Tuổi trẻ trước mùa xuân hội nhập
(HGĐT)- Hàng trăm trang trại, hàng nghìn mô hình kinh tế, không“lên gân”, không hô khẩu hiệu, mà họ lao vào những công việc cụ thể, như mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, trồng cỏ trên vùng núi đá phía Bắc của tỉnh; mô hình trồng thảo quả, chè, đậu tương trên dẫy Tây Côn Lĩnh, phát triển lúa cao sản, lúa có giá trị hàng hoá cao, trồng cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu giấy ở các huyện vùng thấp...
Đến đâu, dù là vùng hẻo lánh nhất tôi cũng gặp, họ là tuổi trẻ, là (ĐVTN) của tỉnh nhà.
Tâm sự vui của Bí thư Tỉnh đoàn:
Chị Lò Thị Mỷ, Bí thư Tỉnh đoàn vừa đi công tác các huyện về, việc kiểm tra cuối năm, triển khai công tác đầu năm không thế vắng chị. Chưa lúc nào tôi thấy chị “thoát ly” chiếc áo thanh niên, một màu xanh tươi trẻ, càng làm cho chị như trẻ lại trước mùa xuân mới, cũng là một thách thức mới khi đất nước bước vào nền kinh tế thương mại hội nhập WTO.
Chị bắt tay tôi thật chặt và nụ cười của sức trẻ “cuốn hút” tôi ngay trướckhi câu chuyện chưa bắt đầu: Thật là có lỗi và không hoàn thành nhiệm vụ, nếu không xuống tận nơi kiểm tra, nhìn rõ những gì sức trẻ trên địa bàn toàn tỉnh đang làm, đang phấn đấu trong phong trào “Tuổi trẻ lập nghiệp” ở mọi lĩnh vực, mọi vùng miền trên toàn tỉnh. Dù cán bộ Tỉnh đoàn và cán bộ đoàn, Hội thanh niên các cấp đã dành nhiều thời gian cho vấn đề này, xuống thăm, kiểm tra rà soát không đơn thuần là kiểm tra phong trào và còn là việc khích lệ, hướng dẫn các ĐVTN làm kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Chị Mỷ khẳng định: Càng những vùng khó khăn, sâu xa thì tuổi trẻ càng phấn đấu vươn lên, như những ĐVTN ở huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Các Huyện hội, Thị đoàn đã chủ động phối hợp với Trạm khuyến nông, Ngân hàng CSXH, phòng Tổ chức LĐ-TBXH mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, cho vay vốn giải quyết việc làm, đầu tư cho các dự án sản xuất vừa và nhỏ. Qua đó đã hình thành các điểm trình diễn KHKT, thành lập và duy trì hoạt động của hàng trăm Câu lạc bộ Khuyến nông, mở hàng chục lớp dạy nghề tập trung và hàng trăm lớp dạy nghề tại cơ sở cho thanh niên trên địa bàn tỉnh...
Thông qua các phong trào “Vì ngày mai lập nghiệp”, “Xoá đói giảm nghèo trong ĐVTN” và hàng trăm phong trào phát động làm kinh tế mới ở cơ sở đã có hàng chục nghìn ĐVTN thoát ra khỏi đói nghèo, đang làm giàu chính đáng. Đáng quan tâm hơn cả là khi thực hiện chế độ công chức xã, trẻ hoá cán bộ, ĐVTN đã trở thành lực lượng cán bộ nòng cốt ở các địa phương, có nhiều xã có tới trên 90% cán bộ chủ chốt chưa đến 30 tuổi. Chỉ hơn 1 năm nhập cuộc, qua kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, họ đã thực sự làm chủ được công việc lãnh, chỉ đạo địa phương, làm thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế cấp xã, thôn bản, mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, thay đổi cây con mùa vụ, chuyển dần sang phát triển kinh tế hàng hoá. Không những thế, lực lượng cán bộ trẻ này còn ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Khi ĐVTN vào cuộc:
Tuổi trẻ vẫn là lực lượng lao động chính ở các lĩnh vực phát triển kinh tế, nhất là đối với lao động tại nông thôn, khi ĐVTN vào cuộc, cũng là những thành công đang đến gần. Họ ham học hỏi, say mê lao động và có sức khoẻ, trí tuệ để biến những điều không thể thành có thể.
Trao đổi với anh Triệu Quang Tiến, đoàn viên dân tộc Dao, ở xã Hồ Thầu, (Hoàng Su Phì) về cách làm kinh tế nông nghiệp, anh cười: Điều mấu chốt vẫn là quyết tâm trong tuổi trẻ, thời cơ, động lực thì có sẵn rồi, như tiền vốn, có ngân hàng cho vay, đất đai là tiềm năng sẵn có của địa phương, kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng có cán bộ khuyến nông giúp đỡ. Vậy là quyết tâm, sức trẻ là quan trọng nhất để thành công, không ngại khó, ngại khổ và đừng sợ mình không làm được. Bắt đầu từ số vốn nhỏ của gia đình, được Ngân hàng CSXH cho vay thêm, anh Tiến đầu tư chăn nuôi trâu, dê, trồng rừng, phát triển diện tích chè, diện tích thảo quả. 3 năm qua, gia đình anh có một mô hình kinh tế hộ “đủ bền vững”, như đàn trâu sinh sản 12 con, đàn dê gần 50 con, diện tích vườn rừng trồng xen thảo quả và 0,5ha chè đang cho thu hái, chưa kể ruộng cấy lúa, ao thả cá và chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm và anh đã có số thu hàng năm trên 40 triệu đồng, mô hình kinh tế của anh đang được nhân rộng ra toàn xã. Rồi những mô hình như: Ngô NK400 tại thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, lúa xuân cao sản tại xã Cán Tỷ (Quản Bạ), xã Nậm Ban (Mèo Vạc); nấm sò, chăn nuôi bò hàng hoá tại xã Pả Vi (Mèo Vạc). Đặc biệt các huyện đều có mô hình kinh tế thanh niên, mô hình chuyên canh đậu tương ở các huyện Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần; xây dựng các vùng ruộng thanh niên 3 vụ/năm ở Vĩ Thượng, Xuân Giang, cây ăn quả có múi ở xã Yên Hà, Hương Sơn (Quang Bình); trồng bí xanh, rau vụ đông ở những huyện Bắc Mê, Vị Xuyên...
Anh Ly Mí Sử, Phó Bí thư Huyện đoàn, Đồng Văn bảo: Nếu nói về ĐVTN vùng đá làm kinh tế giỏi thì nhiều, chỉ biết rằng, tính đến nay đã có trên 70% gia đình ĐVTN thoát nghèo, tuy chưa giàu, nhưng đã nhen nhóm được các mô hình kinh tế bền vững; như mô hình chăn nuôi bò của ĐVTN xã Ma Lé, Sủng Là hay Lũng Phìn, Sính Lủng... với hàng chục nghìn con bò, hàng trăm ha lúa ngô cao sản, đậu tương... trong mô hình kinh tế thanh niên,ĐVTN vùng đá còn không ngừng nâng cao trình độ văn hoá, nhận thức chính trị tham gia tích cực trong bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Vững bước vào năm đầu hội nhập:
Chị Lò Thị Mỷ bắt tay tôi, chị nói như một lời khẳng định: Tất cả ĐVTN và tuổi trẻ toàn tỉnh đã sẵn sàng đón nhận nền kinh tế hội nhập, họ đang vươn lên khẳng định sức trẻ trên vùng khó. Những hoạt động tư tưởng, chính trị rộng khắp trong tuổi trẻ Hà Giang đang nói lên điều đó, từ “Tiếp lửa truyền thống”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Tuổi trẻ Hà Giang sống đẹp, sống có ích”... Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề 02 của BCH Tỉnh đoàn khoá XIII về công tác tư tưởng trong ĐVTN, đẩy mạnh công tác xây dựng Chi đoàn văn hoá, gia đình trẻ văn hoá...
Ý kiến bạn đọc