Thúc đẩy phát triển kinh tế số

10:19, 21/03/2025

BHG - Hòa chung xu thế hiện nay, tỉnh ta đang tập trung phát triển kinh tế số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn mới.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số (CĐS) trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, như: Nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường...

Người tiêu dùng tại thành phố Hà Giang thanh toán qua mã QR code.
Người tiêu dùng tại thành phố Hà Giang thanh toán qua mã QR code.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 168 doanh nghiệp, HTX thực hiện CĐS mô hình kinh doanh; 20 doanh nghiệp hoạt động công nghệ số; 32 doanh nghiệp nhỏ, vừa tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS. Chị Lý Mùi Mương, HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) chia sẻ: HTX tích cực CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiện đại hóa quy trình sản xuất, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sản thương mại điện tử. CĐS đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho HTX, giúp các sản phẩm chè của HTX được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến và tin dùng. Ngoài ra, thông qua các công nghệ sao, sấy, đóng gói chè hiện đại, sản lượng của HTX tăng cao đáng kể.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Bưu chính Viettel và Bưu điện tỉnh đã tập trung triển khai tập huấn và hỗ trợ đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đến cuối năm 2024, đã hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản tham gia sàn thương mại điện tử được đào tạo, tập huấn; 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị và mở rộng thị trường. Tổng giá trị giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh đạt gần 2,9 tỷ đồng. Tỷ lệ dân số trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch điện tử (gồm ví điện tử, tài khoản ngân hàng) đạt trên 80%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt.

Người dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) tìm hiểu, quảng bá du lịch trên nền tảng mạng xã hội.
Người dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) tìm hiểu, quảng bá du lịch trên nền tảng mạng xã hội.

Đến nay, khu vực trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đều triển khai mô hình chợ 4.0 với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Dạo một vòng quanh các chợ trên địa bàn thành phố Hà Giang có thể dễ dàng nhận thấy tại các điểm bán hàng đều dán mã QR để thuận tiện cho việc thanh toán. Bà Phạm Thị Bạch Tuyết, tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang, chia sẻ: Ban đầu khi mới triển khai mô hình chợ 4.0 tôi cũng khá lo lắng vì mình đã lớn tuổi lại không thạo công nghệ. Được cán bộ Ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản, cấp mã QR Code, sau một thời gian thanh toán theo phương thức này, tôi thấy rất tiện lợi. Tôi không cần phải đổi tiền lẻ để trả lại cho khách như trước đây, mà sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản. Đến cuối ngày tôi cũng dễ dàng tổng hợp các khoản thu trong ngày mà không phải ngồi tính toán thủ công như trước.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Hương Giang, phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) cho biết: Trước đây, dùng tiền mặt đi chợ, đôi khi sơ ý làm rơi hoặc cũng có khi quên mang theo. Bây giờ mỗi lần đi chợ mua sắm, tôi chỉ cần mang theo điện thoại. Hầu hết các điểm bán hàng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa đều có mã QR Code, việc thanh toán trở nên nhanh chóng, an toàn, tiện lợi cho cả người mua và người bán.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng triển khai hóa đơn điện tử đến 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Đặc biệt, ngành Thuế đang tập trung đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng như: Thuốc tân dược; kinh doanh vàng, bạc; dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí và một số dịch vụ khác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp trong ứng dụng CĐS, đưa công nghệ vào quá trình vận hành, quản lý doanh nghiệp. Thúc đẩy CĐS trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong cộng đồng; tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người dân, đảm bảo mọi đối tượng đều có thể tiếp cận và hưởng lợi từ CĐS. Đồng thời, triển khai CĐS mạnh mẽ trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch... góp phần thúc đẩy kinh tế số và tăng trưởng bền vững.

Bài, ảnh:  YÊN HOA


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang
BHG - Hà Giang – vùng đất địa đầu Cực bắc của Tổ quốc, không chỉ gây ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội và mở ra những cơ hội phát triển mới.
31/12/2024
Chuyển đổi số Động lực cho sự phát triển
BHG - Hà Giang đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), coi đây là chìa khóa thúc đẩy kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống. Với phương châm “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
31/01/2025
Dịch chuyển toàn diện trên không gian số
BHG - Chuyển đổi số toàn diện, thực chất là mục tiêu huyện Xín Mần đang thực hiện với quyết tâm cao và giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng với nhiều nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2024.
29/01/2025
Nguyên nhân gây suy thoái và giải pháp phát triển bền vững vùng cam Hà Giang
BHG - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi, Viện Nghiên cứu Rau quả đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT) thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng suy thoái và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng cam Hà Giang”. Đề tài do TS. Cao Văn Chí (Viện Nghiên cứu Rau quả) làm chủ nhiệm.
27/12/2024