Nguyên nhân gây suy thoái và giải pháp phát triển bền vững vùng cam Hà Giang

07:52, 27/12/2024

BHG - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi, Viện Nghiên cứu Rau quả đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT) thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng suy thoái và đề xuất giải pháp khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng cam Hà Giang”. Đề tài do TS. Cao Văn Chí (Viện Nghiên cứu Rau quả) làm chủ nhiệm.

I. Nguyên nhân gây suy thoái vùng cam Hà Giang

1. Nguyên nhân về giống

Người trồng cam tại Hà Giang đa số tự chiết cành để trồng hoặc mua cây giống bằng cành chiết, cây giống được nhân giống bằng phương pháp ghép mắt nhưng giống không rõ nguồn gốc, cây giống được làm trong bầu nhỏ làm cho bộ rễ bị xoắn ngay từ ở vườn ươm; cây dùng làm gốc ghép không phải là cây bưởi chua hay chấp chua; cành chiết và mắt ghép không khai thác trên những vườn cây đầu dòng, vườn cây ưu tú.

Viện nghiên cứu rau quả và Chi cục Trồng trọt và BVTV thăm HTX cam VietGAP Vĩnh Hảo
Viện nghiên cứu rau quả và Chi cục Trồng trọt và BVTV thăm HTX cam VietGAP Vĩnh Hảo

2. Nguyên nhân về áp dụng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam

 - Đất trồng cây cam ở chu kỳ 2 và 3 không được cải tạo trước khi trồng cây cam theo chu kỳ mới; một số diện tích đất do người trồng cây cam tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch trồng cây cam.

- Trồng cây cam vẫn còn áp dụng kỹ thuật trồng sâu, làm cho cây cam bị nghẹn rễ, kém phát triển ngay từ những năm đầu thời kỳ kiến thiết cơ bản.

 - Các vườn cây cam không đảm bảo được nước tưới đủ ẩm trong mùa khô, vào mùa khô thường để cho bộ rễ tơ của cây cam bị khô và hỏng.

- Chưa áp dụng biện pháp vít cành, cắt tỉa tạo tán cho cây cam, để cây phát triển tự nhiên trong những năm kiến thiết cơ bản làm cho cây cam không có bộ khung khỏe.

 - Trong quá trình chăm sóc người dân chưa sử dụng phân chồng hoai mục để cải tạo đất hoặc có sử dụng nhưng phân chuồng chưa qua ủ hoai mục hoặc có ủ nhưng không đúng kỹ thuật. Vẫn còn sử dụng phân đơn thường xuyên, ít có hộ gia đình chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng và phân bón tổng hợp thường xuyên dẫn đến hiện tượng cây cam bị thiếu dinh dưỡng.

 - Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ. Sử dụng thuốc trừ cỏ thường xuyên trong vườn cây cam, sau mỗi lần dùng thuốc trừ cỏ làm cho bộ rễ tơ của cây cam bị tổn thương, không hút được nước và dinh dưỡng, tạo điều kiện cho nấm bệnh và tuyến trùng gây hại bộ rễ tơ, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém.

3. Nguyên nhân do các yếu tố sâu bệnh hại nguy hiểm

- Vùng cam Hà Giang hiện có 18 loài sâu và 10 loại bệnh gây hại. Một số đối tượng gây hại nặng là bệnh vàng lá thối rễ, bệnh Tristezra, bệnh Greening, bệnh loét, thối mốc lục, nhện đỏ, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bọ trĩ,... Trong đó có 3 bệnh nguy hiểm nhất, gây nên tình trạng suy thoái vùng cam Hà Giang là vàng lá thối rễ, bệnh Tristezra, bệnh Greening, 3 bệnh này làm suy giảm năng suất từ 20,2% - 26,6%.

Các chuyên gia Viện nghiên cứu rau quả nghiên cứu tại vùng cam xã Trung Thành (Vị Xuyên)
Các chuyên gia Viện nghiên cứu rau quả nghiên cứu tại vùng cam xã Trung Thành (Vị Xuyên)

II. Một số giải pháp khắc phục, phát triển bền vững vùng cam Hà Giang

1. Giải pháp về giống

- Cần bổ sung thêm và duy trì một số giống cam chất lượng cao vào cơ cấu giống cây cam như giống cam chín sớm CS1, cam Xã Đoài, cam chín muộn V2, cam Đường Canh...

- Tiếp tục triển khai, lựa chọn ra các cây cam đầu dòng; vườn cây cam ưu tú có năng xuất cao, chất lượng tốt để phục vụ cho công tác nhân giống cây cam sạch bệnh.

- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giống.

2. Giải pháp kỹ thuật.

- Áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất cây cam như: Chuẩn bị đất, kỹ thuật trồng, cắt tỉa, làm cỏ, bón phân, tưới nước, bảo vệ thực vật...

3. Giải pháp về quản lý các sâu bệnh hại nguy hiểm

 Đối với vườn cam bị vàng lá, thối rễ cần thoát nước tốt sau các trận mưa, làm sạch cỏ gốc theo hình tán cây, không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây cam. Cắt bỏ những cành bị khô, cành sâu bệnh hại, cành vượt hoặc tiêu huỷ cả cây với những cây bị nặng, không có khả năng phục hồi sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc trừ nấm, thuốc trừ rệp sáp và tuyến trùng vào khu vực cây bị tiêu hủy để khống chế nguồn bệnh, rệp sáp và tuyến trùng lây lan.

Tưới vườn đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng trở lại. Tưới phân kích rễ theo hình tán cây cam để bộ rễ tơ mới phát triển (có thể sử dụng phân bón Trimix DT Super Roots hoặc Trimix DT02 của công ty Điền Trang, Bioking, Đạm cá…). Trong những ngày nắng nóng, hanh khô và bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh và phân NPK tổng hợp hàng tháng thì sẽ khắc phục được hiện tượng nêu trên.

4. Giải pháp về ứng dụng khoa học trong giai đoạn cận và sau thu hoạch

* Về công đoạn cận thu hoạch

Hạn chế nấm bệnh nhằm tạo màu sắc đẹp cho vỏ quả, tăng giá trị thương phẩm và hạn chế thối hỏng trong quá trình vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch.

* Về công đoạn thu hái, vận chuyển

Cần thay đổi phương thức thu hoạch bằng cách sử dụng các dụng cụ thu hái và vận chuyển chuyên dụng nhằm tránh các hiện tượng gây tổn thương cho quả cam.

*Về công đoạn bảo quản

Cần đầu tư xây dựng nhà sơ chế đủ tiêu chuẩn cho việc xử lý bảo quản quả tươi. Xây dựng nhiều nhà phân loại - bảo quản - đóng gói ngay tại địa bàn sản xuất sản phẩm quả.

* Về chế biến

Cần đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu không đủ tiêu chuẩn cho bảo quản quả tươi hoặc khi nguồn nguyên liệu ứ đọng. Đồng thời đa dạng hoá các sản phẩm chế biến như nước uống (các loại), mứt, pectin và tinh dầu.

5. Giải pháp về thị trường

Cần quản lý tốt chỉ dẫn địa lý cho các vùng cam tập trung.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân buôn bán quả cam trên địa bàn các vùng cây cam trọng điểm ký cam kết không nhập các loại quả cam kém chất lượng từ nơi khác vào địa bàn trà trộn với sản phẩm quả của vùng cây cam trọng điểm để tiêu thụ kiếm lời.

Khuyến khích định hướng cho các hộ dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây cam theo tiêu chuẩn VietGap, AseanGap, EuroGap bảo đảm chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch và an toàn để đưa quả cam vào các siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các thành phố lớn; hướng tới quả cam xuất khẩu trong tương lai.

Thạc sĩ Giang Đức Hiệp (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Giang)

 

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thị trấn Yên Phú đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06
BHG - Với những giá trị tích cực do Đề án 06 mang lại trong quản lý dữ liệu dân cư, xây dựng chính quyền điện tử và thúc đẩy xã hội số, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) đang tập trung khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, phục vụ tốt cho công tác quản lý và phát triển KT-XH.
30/11/2024
Trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Hà Giang lần thứ 18
BHG - Chiều 29.11, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Hà Giang tổ chức tổng kết, trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Hà Giang lần thứ 18, năm 2024 và phát động cuộc thi lần thứ 19, năm 2025. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành và đông đảo học sinh trên toàn tỉnh.
29/11/2024
Nỗ lực nâng cao các dịch vụ ngân hàng số
BHG - Agribank Vị Xuyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng phát triển và cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến khách hàng, góp phần giảm chi phí và thời gian trong giao dịch thanh toán.
28/11/2024
Phổ biến kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ngành Chăn nuôi thú y
BHG - Sáng 27.11, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức buổi tập huấn, phổ biến kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ngành Chăn nuôi Thú y. Tham dự có đại diện lãnh đạo, giảng viên và các em sinh viên chuyên ngành Chăn nuôi Thú y tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh.
27/11/2024