Nâng cao hiệu quả quản lý các đề tài, dự án khoa học và công nghệ
BHG - Thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu triển khai có hiệu quả các Chương trình, kế hoạch, đề án thuộc lĩnh vực KH&CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh.
Hàng năm, Sở KH&CN thông báo rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về việc tuyển chọn, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện cho năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, chuyển đổi số… Các ý tưởng đề xuất này được tổng hợp theo các lĩnh vực và thông qua Hội đồng KH&CN tỉnh để tư vấn, xác định nhiệm vụ chuyên ngành sẽ hình thành các nhiệm vụ KH&CN trình UBND tỉnh quyết định đặt hàng thực hiện. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở KH&CN tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị chủ trì để triển khai thực hiện. Các bước cuối cùng là đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN đã thực hiện và tổ chức bàn giao cho các đơn vị sử dụng kết quả triển khai ứng dụng.
Lãnh đạo Sở KH&CN, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và chuyên gia tư vấn quốc tế về bảo tồn ong châu Á tham quan các sản phẩm mật ong Bạc hà |
Năm 2024, Sở KH&CN quản lý 33 đề tài, dự án (ĐT,DA), trong đó: 32 ĐT, DA cấp tỉnh (gồm 21 chuyển tiếp và 11 nhiệm vụ thuộc danh mục năm 2024; 1 ĐT, DA cấp Bộ được ủy quyền quản lý. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức thẩm định cấp tỉnh 8 nhiệm vụ KH&CN, dự kiến đến hết tháng 12.2024, tổ chức thẩm định để phê duyệt triển khai tổng số 11/11 nhiệm vụ theo danh mục năm 2024 đạt 100% kế hoạch.
Bên cạnh đó, nghiệm thu cấp tỉnh 7 nhiệm vụ, trong đó có 1 đề tài cấp quốc gia; kiểm tra tiến độ thực hiện 20 nhiệm vụ. Bàn giao kết quả 5 ĐT, DA đã được UBND tỉnh công nhận cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Công tác quản lý và triển khai các đề tài, dự án KHCN được thực hiện đảm bảo quy định, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất và kinh doanh đem lại hiệu quả cao.
Năm 2024, Sở KH&N đã thực hiện triển khai các nhiệm vụ theo hướng phục vụ cho việc phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Điển hình như Đề tài “Bảo tồn, khai thác nguồn gen lợn đen địa phương có chất lượng và giá trị kinh tế cao tại tỉnh Hà Giang” đã xây dựng được 33 mô hình nuôi lợn nái sinh sản với quy mô 10 lợn đực, 30 lợn nái. Xây dựng được báo cáo kết quả khảo sát số lượng và địa bàn phân bố tập quán chăn nuôi lợn đen địa phương trên địa bàn tỉnh; quy trình thụ tinh nhân tạo cho lợn đen địa phương. Chuyển giao kỹ thuật cho 15 cán bộ khuyến nông; tập huấn cho 150 lượt người chăn nuôi.
Phát triển và bảo tồn, khai thác nguồn gen lợn đen địa phương có chất lượng và giá trị kinh tế cao |
Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới khắc phục sự cố nứt bể nước sinh hoạt trên địa bàn bốn huyện vùng cao phía Bắc tỉnh Hà Giang”. Kết quả, đã chế tạo 5 túi mềm trữ nước dung tích 15 – 18 m3 để khắc phục sự cố nứt 2 bể tại huyện Quản Bạ, 3 bể tại Đồng Văn. Sau thử nghiệm đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của nước sau 3 tháng lưu trữ trong túi đều đáp ứng quy chuẩn Quốc gia. Khắc phục sự cố nứt 5 bể bằng vật liệu chèn khe tại Quản Bạ, Yên Minh và Đồng Văn. Qua thử nghiệm đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của nước sau 12 tuần lưu trữ trong túi đều đáp ứng quy chuẩn Quốc gia. Sản phẩm nghiên cứu có khả năng triển khai sản xuất thương mại hóa đáp ứng nhu cầu sửa chữa, thay thế các bể nứt thấm để phục vụ cộng đồng dân cư trong sinh hoạt và canh tác nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đối với các dự án thì Dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo khẩu mang Đồng Văn” cho sản phẩm gạo Khẩu mang của huyện Đồng Văn; Dự án đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Hồi Yên Minh”. Đây là những dự án Sở hữu trí tuệ được triển khai nhằm bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương. Dự án nhằm trang bị cho sản phẩm nông nghiệp một bộ nhận diện nhãn hiệu khẳng định uy tín, độ tin cậy và chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trang bị thêm các sản phẩm đặc sản được chứng nhận nhãn hiệu chuẩn để làm phong phú thị trường hàng hoá phục vụ khách du lịch, góp phần phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động KH&CN, tỉnh cần tập trung nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN đối với đời sống xã hội nói chung, lĩnh vực khoa học công nghệ nói riêng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu phát triển KH&CN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đổi mới phương thức huy động, thu hút lực lượng nghiên cứu vào thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; xây dựng mô hình tổ chức hoạt động KH&CN phù hợp, hiệu quả.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Ý kiến bạn đọc