Phát huy vai trò của mạng xã hội trong phòng, chống thiên tai
BHG - Thời gian qua, bão lũ, thiên tai với sức tàn phá khủng khiếp đã gây ra thiệt hại lớn với nhiều địa phương trong cả nước. Tại Hà Giang 9 tháng đầu năm, thiên tai khiến nhiều người chết và bị thương, ước thiệt hại về tài sản trên 1 ngàn tỷ đồng. Thiên tai bất khả kháng, nhưng có thể hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại nếu chúng ta chủ động, linh hoạt các biện pháp thông tin và cảnh báo kịp thời cho người dân.
Trong mùa mưa bão năm nay, chúng ta được thấy cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã rất tích cực thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ, đồng thời thông tin cho các địa phương rà soát, cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở, cảnh báo ứng phó các đợt bão, lũ… Bên cạnh những hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống bão, lũ thường thấy như công điện, công văn chỉ đạo của chính quyền, thông tin từ báo, đài, các trang thông tin trong tỉnh, chúng ta còn thấy vai trò lan tỏa mạnh mẽ, nhanh chóng của truyền thông mạng xã hội (MXH) trong việc thông tin, cảnh báo tình hình bão, lũ, thiên tai.
Cán bộ, dự báo viên Đài Khí tượng thủy văn tỉnh luôn kịp thời xây dựng bản tin dự báo bão, lũ để chuyển cho tỉnh và các cơ quan truyền thông. |
Các đợt bão, lũ vừa qua, chúng ta dần được thấy nhiều thông tin cảnh báo, dự báo từ các cơ quan chức năng được cập nhật trên các trang fanpage, zalo của Chính phủ, BCĐ Quốc gia phòng chống thiên tai, fanpage của báo, đài Trung ương và địa phương. Những thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai của các ngành chức năng được nhiều trang MXH cập nhật, chia sẻ một cách liên tục, được cộng đồng chia sẻ rộng rãi và được người dân đặc biệt quan tâm, tiếp cận nhanh chóng.
Tại Hà Giang, thời gian qua rất nhiều bản tin cảnh báo, dự báo bão, lũ, thời tiết bất thường của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thông tin xả lũ của các nhà máy thủy điện được các trang MXH facebook, zalo chia sẻ rộng rãi. Hệ thống zalo cộng đồng của nhiều thôn, bản, tổ dân phố cũng thường xuyên cập nhật, chia sẻ các thông tin cảnh báo về bão, lũ đã giúp người dân chủ động nắm bắt và đề phòng các nguy cơ thiên tai có thể xảy ra. Đặc biệt, tại thành phố Hà Giang nơi có đông dân cư, hệ thống zalo của nhiều thôn, tổ thông tin rất hiệu quả cho bà con về tình hình mưa, lũ, tình hình xả lũ của các thủy điện trong mùa mưa vừa qua. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều sở, ngành, huyện, thành phố đã lập các trang fanpage, zalo, trong đó đặc biệt là Sở Thông tin và truyền thông đi đầu với trang zalo, fanpage của mình đã thông tin nhanh nhạy, kịp thời tất cả các đợt bão, lũ có ảnh hưởng đến địa bàn Hà Giang thời gian qua. Các trang MXH của Sở Thông tin và truyền thông được người dân trong tỉnh rất quan tâm, theo dõi.
Có thể nhận thấy rất rõ với lượng người dùng khổng lồ, hệ thống MXH có ưu điểm lan tỏa thông tin cực nhanh, đã góp phần tăng sự tương tác thông tin xã hội, sự chủ động của cộng đồng với việc phòng, chống thiên tai. Như những đợt bão, lũ vừa qua, nhiều thông tin lan tỏa của các nhóm MXH đã giúp nhiều người dân nắm bắt tình hình bão, lũ, điều chỉnh việc đi lại, công việc, hoạt động phù hợp; chủ động phòng, chống, di chuyển đồ đạc, con người đến nơi an toàn; cập nhật, chia sẻ nhiều kỹ năng, kiến thức phòng chống thiên tai... Tại một số điểm, tuyến đường, vùng có thiên tai, thông tin từ MXH qua phát trực tiếp hoặc cập nhật các hình ảnh, vụ việc đã giúp cho cơ quan chức năng và người dân nắm bắt nhanh chóng. Từ đó cho thấy, ưu thế của MXH cùng với phương tiện truyền thông truyền thống đã góp phần thông tin, cảnh báo, phòng chống, làm giảm các thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.
Thực tiễn cho thấy, MXH còn là những hình ảnh lan tỏa sớm, lan tỏa rộng các vấn đề mà truyền thông truyền thống chưa thể lan tỏa hết. Có thể thấy rất rõ, những hình ảnh thiệt hại, sự khó khăn của người dân vùng bão, lũ đi qua ở Hà Giang thời gian qua được lan tỏa nhanh, sớm trên MXH, giúp cộng đồng biết đến và thực hiện các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ rất hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Anh Dũng, Phó chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng BCH Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, Hà Giang có địa hình phức tạp, với nhiều nguy cơ thiên tai bất thường có thể xảy ra, vì thế việc có thông tin cảnh báo sớm là rất quan trọng. Bên cạnh truyền thông truyền thống như báo, đài, chúng ta cần đa dạng các hình thức, phương tiện truyền thông, trong đó có truyền thông MXH. Từ đó, có thể thúc đẩy thông tin sớm, thông tin thông suốt, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai; cung cấp kịp thời thông tin cho người dân chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra. Phát huy tính chủ động, tự giác trong phòng chống thiên tai của người dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa có thể.
Trên tinh thần đó, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục mở rộng, phát huy vai trò của MXH trong các lĩnh vực đời sống, đặc biệt là công tác phòng chống thiên tai. Cần mở rộng hệ thống MXH từ các cơ quan chức năng, các sở, ngành cấp tỉnh, đến các huyện, thành phố, các xã, phường, tổ dân phố, các đoàn thể xã hội; gắn với đó là trách nhiệm kiểm soát, sử dụng các MXH đảm bảo phục vụ lợi ích cộng đồng; các ngành chức năng cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống thiên tai trên MXH.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc