Chuyển đổi số công tác Đảng
BHG - Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Hà Giang ra đời với nhiều ưu việt, trở thành giải pháp công nghệ nhằm tạo đột phá, giúp chuyển đổi số công tác Đảng. Từ đây, không chỉ có việc sinh hoạt chi bộ, học tập nghị quyết, tìm kiếm, sử dụng tài liệu của Đảng được ứng dụng số hóa mà còn thay đổi phương thức tương tác giữa cấp ủy các cấp với đảng viên, giữa đảng viên với đảng viên và chuyển đổi số phương thức đánh giá đảng viên.
Đảng bộ tỉnh hiện có 11 Đảng bộ huyện, thành phố, 4 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 3 Đảng bộ bộ phận, 817 tổ chức cơ sở Đảng, 3.745 chi bộ với tổng số hơn 75.000 đảng viên. Sinh hoạt chi bộ là bước đầu tiên trong quy trình hoạt động nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của mỗi đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chất lượng sinh hoạt chi bộ đóng vai trò quyết định thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, việc sinh hoạt chi bộ theo cách làm truyền thống còn bộc lộ nhiều khó khăn trong việc: Phản hồi, góp ý với cấp ủy nhằm nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt; truy xuất lịch sử nội dung, kết luận, nghị quyết, nhiệm vụ được giao; tiếp cận thông tin chính thống, nghiên cứu, học tập, quán triệt văn bản của Đảng; đánh giá chất lượng học tập nghị quyết của đảng viên; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đảng viên với cấp ủy các cấp; tổng hợp, giám sát, đánh giá hoạt động công tác Đảng của các chi bộ…
Đảng viên Chi bộ Báo Hà Giang ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử trong sinh hoạt Chi bộ. |
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, ngay sau khi ra mắt ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, ngày 14.3.2024, BTV Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 538 triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, áp dụng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Viễn thông Hà Giang tổ chức 15 lớp tập huấn cài đặt, sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử cho các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy bằng hình thức trực tiếp với sự tham gia của gần 2.000 cán bộ, đảng viên; tổ chức tập huấn bằng hình thức trực tuyến cho 4.171 cán bộ, đảng viên tại 182 điểm cầu các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện. Thông qua tập huấn, đại diện Viễn thông Hà Giang đã giới thiệu tổng quan tính năng cơ bản, tiện ích của phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử. Đồng thời, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn đảng viên cài đặt, đăng nhập ứng dụng; sử dụng chức năng phục vụ công tác Đảng (sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề hàng quý); thực hiện học tập nghị quyết, tiếp nhận bản tin thông báo nội bộ; sử dụng nhóm chức năng phục vụ công tác tổ chức, thống kê học tập nghị quyết, chấm điểm chất lượng sinh hoạt của các cơ sở Đảng trực thuộc; sử dụng nhóm tính năng tiện ích như xem tin tức, trao đổi thông tin…
Kết quả cài đặt và đăng nhập ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử cho thấy: Toàn Đảng bộ tỉnh có 29.828 lượt cán bộ, đảng viên tải ứng dụng di động hệ điều hành android, IOS; 13.438 tài khoản đăng nhập trên web; 30.809 tài khoản đăng nhập trên app (ứng dụng); 6.626 tài khoản đăng nhập trên cả app và web. Có 74.081 tài khoản đảng viên tạo lập trên hệ thống; 38.521 đảng viên sử dụng và biết sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, chiếm 51,99% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt, đã có 418 chi bộ tổ chức sinh hoạt trên ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử. Qua đó, giúp đảng viên tiếp cận nhanh chóng, kịp thời các thông tin, tài liệu, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng; định hướng nội dung công tác tư tưởng, sinh hoạt thường kỳ. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tạo sự đồng thuận của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên; làm thay đổi tư duy, nhận thức để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác học tập, thích ứng với chuyển đổi số. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục để phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Cụ thể, việc tổ chức sinh hoạt trên ứng dụng đối với các chi bộ khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là chi bộ vùng sâu, vùng xa do không có kết nối mạng 3G, 4G, wifi. Nhiều đảng viên không có điện thoại thông minh hoặc có nhưng cấu hình thấp dẫn đến việc thao tác trên phần mềm gặp khó khăn. Thêm vào đó, hệ thống phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử chưa hoàn thiện, một số chức năng chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đồng bộ giữa các nền tảng, hệ điều hành…
Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đang phối hợp với Viễn thông Hà Giang tham mưu BTV Tỉnh ủy giải pháp cụ thể nhằm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện một số chức năng hệ thống để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các quy định hiện hành; hướng dẫn đảng viên sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử theo hướng “cầm tay chỉ việc”… Phấn đấu đến 30.9.2024, 100% chi bộ có đảng viên là cán bộ công chức, viên chức sử dụng thành thạo và thực hiện sinh hoạt trên ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc