Cần nhân rộng mô hình nhà vệ sinh sinh học không dùng nước
BHG - Khu vực vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh ta được ví như vùng “đất khát”, nhất là vào mùa khô hàng năm thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Đa số các nhà vệ sinh tự hoại đều thiếu nước để xử lý chất thải, dẫn tới không đảm bảo vệ sinh. Xuất phát từ thực tiễn cần có mô hình xử lý chất thải con người trong điều kiện khan hiếm nước, năm 2020 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu thiết kế, lắp đặt vận hành thử nghiệm thành công mô hình nhà vệ sinh sinh học (NVSSH) không dùng nước tại các điểm dân cư tập trung, vùng khan hiếm nước thuộc 2 xã Sủng Là, Sà Phìn huyện Đồng Văn. Đây là mô hình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, góp phần giải quyết vấn đề môi trường do thiếu nước sinh hoạt khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn.
NVSSH không dùng nước là một loại nhà vệ sinh sử dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải dạng khô. Phân và nước tiểu người chiếm trên 90% là chất hữu cơ, dưới điều kiện thích hợp được chủ động tạo ra, vi sinh vật sẽ phân huỷ chất thải thành hơi nước và khí CO2 thoát ra ngoài theo ống thông hơi. Thời gian phân hủy từ 3 đến 72 tiếng tuỳ thuộc vào nhiệt độ bể xử lý chất thải; khí CO2 và hơi nước sẽ quay trở lại vòng tuần hoàn vật chất mà không gây ô nhiễm môi trường. Cầu tạo của NVSSH, gồm: Thùng trộn, hệ thống đảo trộn, truyền động (có thể là mô tơ điện hoặc quay tay tùy vào nhu cầu của người sử dụng), khi phân trong thùng chứa được đảo trộn với các giá thể là mùn cưa hoặc trấu và chế phẩm vi sinh (BIOFP) hiện có sẵn trên thị trường sẽ phân hủy, chuyển hóa chất hữu cơ thành hơi nước và khí CO2, giải phóng năng lượng và ức chế hoặc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.
Hệ thống nhà vệ sinh sinh học không dùng nước tại Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là (Đồng Văn) phát huy hiệu quả. |
Năm 2020, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (Viện PHAD) thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và các đơn vị liên quan tiến hành lắp đặt, bàn giao đưa vào sử dụng 6 NVSSH không dùng nước tại 3 điểm tập trung dân cư là điểm du lịch thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là; trung tâm xã Sà Phìn và tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn (Đồng Văn). Đây là những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Qua quá trình lắp đặt, vận hành, sử dụng mô hình cải tiến NVSSH không dùng nước cho thấy hiệu quả thiết thực: Đã giảm chi phí sử dụng nước sinh hoạt trong điều kiện thiếu nước; giảm công lao động, các chi phí dọn vệ sinh, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh. Ngoài ra, đối với khu du lịch, hộ gia đình đầu tư xây dựng NVSSH phục vụ nhu cầu vệ sinh của khách du lịch có thể thu được đáng kể phí sử dụng nhà vệ sinh, góp phần tăng thu nhập, tái đầu tư duy trì vận hành NVSSH. Bên cạnh đó, khi các điểm, khu du lịch được đầu tư xây dựng các NVSSH, môi trường cảnh quan trong lành, sẽ thu hút được nhiều hơn khách du lịch, thúc đẩy phát triển KT - XH.
Anh Cháng Mí Giàng, chủ cơ sở du lịch tại thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ (Quản Bạ), cho biết: “Bình quân mỗi ngày cơ sở của tôi đón tiếp hàng trăm lượt khách du lịch, cá biệt có hôm đón cả nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến nghỉ dừng chân, do vậy nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, vệ sinh là rất lớn, kéo theo đó là vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường là hết sức cần thiết. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, gia đình tôi phải mua nước mất trên 30 triệu đồng để phục vụ khách du lịch. Qua tìm hiểu thực tế mô hình NVSSH không dùng nước tại Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là (Đồng Văn) được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp triển khai, tôi dự kiến sẽ liên hệ để giúp lắp đặt hệ thống NVSSH ngay tại nhà mình để thuận tiện và tiết kiệm tiền mua nước, tiết kiệm thời gian, giảm nhân lực hơn rất nhiều”.
Tháng 4 vừa qua, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (Viện PHAD) thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình NVSSH không dùng nước, hệ thống xử lý cấp nước sạch và nước uống trực tiếp sau bàn giao và đề xuất giải pháp nhân rộng” tại thành phố Hà Giang. Đa số các đại biểu đều đánh giá cao tính ưu việt, lợi ích của mô hình mang lại cần phải được nhân rộng. Cùng đó là đưa ra các giải pháp, đề xuất với tỉnh, trong đó nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục thường xuyên quan tâm chỉ đạo, theo dõi, giám sát công tác quản lý, vận hành các NVSSH tuân thủ yêu cầu kỹ thuật đã khuyến cáo. Đặc biệt cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người trực tiếp quản lý, vận hành; các địa phương cần thống nhất với đơn vị chuyển giao công nghệ, có kế hoạch tập huấn sâu hơn về kỹ thuật xử lý sự cố nhằm chủ động và kịp thời khắc phục sự cố, giúp duy trì thiết bị hoạt động ổn định. Tỉnh cần xem xét huy động nguồn lực đầu tư triển khai nhân rộng mô hình, ưu tiên lắp đặt ở điểm du lịch, trường học hoặc các nhà nghỉ du lịch cộng đồng thiếu nước, có sự tham gia đối ứng của các địa phương và người dân; lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu của tỉnh để giao cho các địa phương triển khai thực hiện.
Dựa trên nguyên lý sẵn có cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến thiết kế và chế tạo các dạng NVSSH với công suất nhỏ hơn để phù hợp với các đối tượng sử dụng, đặc biệt là các hộ gia đình (hiện tại việc lắp đặt hệ thống NVSSH không dùng nước có giá dao động từ 45 – 54 triệu đồng). Tiếp tục phối hợp với các cơ quan khoa học nghiên cứu, thử nghiệm một số chủng vi sinh vật sinh nhiệt mới để giúp tăng hiệu suất xử lý chất thải.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc