Những “công dân số”
BHG - Để vận hành tốt “đoàn tàu” KT - XH trong nền công nghiệp 4.0, những “công dân số” được ví như đầu tàu, là chìa khóa mở những “nút thắt” trên hành trình chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ở tỉnh ta, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những “công dân số” đang từng bước chiếm lĩnh tri thức, làm chủ khoa học công nghệ, phát triển thị trường... và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giám đốc HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ Lưu Thị Hoà livestream giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. |
Nguyễn Minh Đức, học sinh Trường THPT Việt Vinh (Bắc Quang), người đạt giải Ba môn Tiếng Anh trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2022 là một “công dân số” đích thực. Minh Đức chia sẻ: “Mặc dù học tập ở trường huyện với điều kiện cơ sở vật chất khó khăn hơn các bạn ở thành phố nhưng trong thời đại công nghệ 4.0, cơ hội học tập luôn mở ra với mọi người. Với em, máy tính, điện thoại thông minh và mạng Internet là bạn. Em có thể học mọi lúc, mọi nơi và tiếp cận được nhiều kiến thức từ Internet”.
Nguyễn Văn Khuy, chủ Homestay Du Già, xã Du Già (Yên Minh) là một người làm du lịch thành công. Để quảng bá hình ảnh về homestay của mình đến du khách, Khuy thường xuyên đăng tải hình ảnh lên các Wedsize, facebook, zalo, tích cực tham gia các diễn đàn về du lịch, tập huấn các khóa học về chụp ảnh, livestream. Việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh đã giúp nhiều du khách biết đến Homestay Du Già hơn. Hiện nay, phần lớn khách đặt chỗ ăn, nghỉ ở homestay chủ yếu qua facebook, zalo rất nhiều.
Hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm Ocop lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã chủ động học hỏi, tiếp cận công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT thành công. Giám đốc HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (Đồng Văn) Lưu Thị Hoà là một trong số đó. Chị Hoà cho biết: “Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các kênh bán hàng truyền thống bị ảnh hưởng, HTX Po Mỷ đã chủ động đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT như: Lazada, Voso, Sendo, Postmart, Shopee, Tiki, trang Facebook, Wedsite. Để bán được hàng trên sàn TMĐT, bản thân tôi đã tự học hỏi các kỹ năng về chụp ảnh, quay video, livestream giới thiệu sản phẩm và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Nhờ bán hàng qua các sàn TMĐT, doanh thu của HTX tăng khoảng 80% so với bán hàng truyền thống”.
Để giúp người dân tiếp cận thông tin, sử dụng thành thạo các ứng dụng số, Huyện đoàn Vị Xuyên thí điểm mô hình “Chợ dân sinh 4.0“ tại chợ trung tâm thị trấn Vị Xuyên. Các đoàn viên, thanh niên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tiểu thương và người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận với dịch vụ tài chính số thông qua việc sử dụng ứng dụng Viettel Money để giao dịch. Qua đó giúp người dân từng bước làm chủ công nghệ, chủ động tham gia chuyển đổi số. Bên cạnh đó, 100% lãnh đạo Huyện đoàn sử dụng chữ ký số; 100% văn bản được xử lý, ban hành qua hệ thống Ioffice, gov, gmail. Huyện đoàn cũng hỗ trợ 11 HTX thanh niên, 22 tổ hợp tác, nhóm sở thích bán hàng trên các sàn TMĐT và nền tảng số Facebook, Zalo; hỗ trợ HTX Thanh niên Phương Tiến ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong quản lý, vận hành mô hình nhà lưới 4.0; góp phần hình thành thế hệ “thanh niên số”.
Đối với ngành Giáo dục, cuộc cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội để đào tạo nguồn “nhân lực số”, “công dân số” cho tương lai. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; các cơ sở giáo dục sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý, dạy – học; tất cả máy tính phục vụ nhiệm vụ chuyên môn có kết nối internet; 100% trường học và cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản lý văn bản VNPT-ioffice đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt; trên 400 trường học, 8.600 giáo viên và trên 42.660 học sinh có tài khoản trên trang mạng “Trường học kết nối” của Bộ GD&ĐT và đã có hàng chục nghìn bài học được chia sẻ để đồng nghiệp và học sinh cả nước tham khảo. Việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy giúp nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh sử dụng thành thạo máy tính, xử lý công việc trên môi trường mạng, mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh ở mức khá so với các địa phương trong cả nước, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 80,53%, tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt trên 66,3%, tỷ lệ xử lý văn bản điện tử giữa các cơ quan đạt 100%.
Vượt qua rất nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, kỹ năng... Những công dân nơi cực Bắc Tổ quốc đang dần khoác lên mình diện mạo mới của tri thức, công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc