Đột phá ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp - kết quả nổi bật
BHG - Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 về đột phá ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất, tỉnh ta đã giải quyết được những vấn đề cấp thiết, mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện của địa phương, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Sản xuất cây Sa nhân tím tại Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức. |
Thực hiện đột phát về ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất nông, lâm nghiệp (NLN), ngành Nông nghiệp và PTNT đã đưa bộ giống cây lâm nghiệp tốt vào trồng rừng được 7.762,26 ha, đạt 57,6% kế hoạch cả giai đoạn 2016-2020 đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất; hỗ trợ Công ty Y học Bản địa Việt Nam xây dựng và được cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn ISO 22.000 - Tiêu chuẩn cần và đủ để cấp chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; hỗ trợ chuyển đổi, cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu – OGRANIC EU và Nhật Bản – OGRANIC JAS, dự kiến hoàn thành và cấp chứng nhận trong năm 2019; hỗ trợ 15 cơ sở, trong đó có 2 doanh nghiệp, 13 HTX chế biến chè liên kết với người trồng chè để áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất chè và cấp chứng nhận “Sản phẩm chè hữu cơ” cho 17 vùng/3.212 ha chè. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất được 53.600 cây giống và trồng thử nghiệm trên diên tích 3.600 m2 cây Ba kích tím, Giảo cổ lam 5 lá, 7 lá và cây Đinh lăng nếp. Nhận quyền khai thác thương mại giống lúa thuần chất lượng cao Japonica tại Hà Giang, tiếp nhận chuyển giao 2 giống lúa thuần chất lượng cao ĐS1 và ĐS3 để sản xuất đại trà trên địa bàn tỉnh; phục tráng một số giống ngô tẻ địa phương tại Mèo Vạc có chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo tồn.
Cán bộ Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng giống trâu, bò trên địa bàn tỉnh, đã thụ tinh nhân tạo được 287 con trâu, 1.844 con bò, số bê, nghé sinh ra thành công 1.084 con; làm chủ được công nghệ khai thác, pha chế và sản xuất tinh bò bằng tinh cọng rạ, sản xuất được 15.300 liều tinh, trong đó, tinh đông viên 3.500 liều, tinh cọng rạ 6.800 liều.
Với mục tiêu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đạt từ 40,5% trở lên, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 76.067 máy móc phục vụ chăn nuôi, trồng trọt, công suất từ 8 - 18 mã lực, tỷ lệ cơ giới hóa bình quân đã đạt 34,1% tổng diện tích đất canh tác.
Cũng sau hơn 2 năm thực hiện đột phát về KHKT&CN vào sản xuất NLN, đến nay, tỉnh ta đã triển khai áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được trên 1.236 ha cam tại Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn (GAP) trên 3.749 ha chè tại Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và Hoàng Su Phì; trong đó, theo tiêu chuẩn VietGAP 2.167 ha, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên 1.582 ha tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Quang Bình; trồng rau, hoa trong nhà lưới với tổng diện tích 11,75 ha/42 nhà lưới; thành lập 56 gia trại; nhiều sản phẩm chế biến từ dược liệu như: Cao Atiso, Đương quy, Hà thủ ô, mạnh gân hoạt cốt, bổ khí ích não, cao tắm, trà gừng cao nguyên đá, mật ong Bạc hà, mật ong hoa rừng, mật ong hoa Xuyến chi… được thị trường ưa chuộng; sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý...
Tại Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức – đơn vị đi đầu trong nghiên cứu, sản xuất các loại giống cây trồng của tỉnh, hiện đang nghiên cứu và sản xuất một số giống cây có năng suất chất lượng cao theo Kế hoạch đột phá về KHKT&CN vào sản xuất nông nghiệp. Hiện, trung tâm đang thực hiện các đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh Hà Giang”; “Nhượng quyền thương mại sản xuất giống lúa Japonica làm cơ sở xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Giang”; “Chọn lọc và bảo tồn một số giống ngô địa phương chất lượng tốt, chống chịu cao thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu, phụ trách trung tâm cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức đang phối hợp với Công ty Dược liệu Anvi sản xuất và cung ứng được 21.000 cây giống Đan sâm bằng phương pháp Invitro; đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trồng và chăm sóc 200.000 cây giống này trên diện tích 4 ha. Phối hợp với huyện Xín Mần sản xuất 115.000 cây Đan sâm bằng phương pháp Invitro và chuyển giao kỹ thuật xây dựng mô hình trên 0,2 ha. Đối với dự án “Nhượng quyền thương mại sản xuất giống lúa Japonica làm cơ sở xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Giang”, Trung tâm đã sản xuất lúa giống Japonica vụ Xuân 2018 cho toàn tỉnh, dự kiến sản lượng đạt 10 tấn/2ha; đồng thời duy trì hạt giống cấp nguyên chủng ĐS1 vụ Xuân 0,15 ha phục vụ cho sản xuất cấp giống xác nhận; tiến hành thiết kế xong bao bì đóng gói cho 2 giống lúa thuần chất lượng cao ĐS1 và ĐS3. Triển khai Dự án “Chọn lọc và bảo tồn một số giống ngô địa phương chất lượng tốt, chống chịu cao thích ứng với biến đổi khí hậu”, Trung tâm phối hợp với huyện Mèo Vạc tiến hành thực hiện phục tráng giống ngô tẻ địa phương tại xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc với quy mô 3.000 m2 gồm có 30 dòng; hiện, cây ngô phát triển bình thường, không có sâu bệnh gây hại...
Thực hiện đột phá về ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất nông, lâm nghiệp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến nay, ngành Nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực từ cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến năng suất, chất lượng sản phẩm đều được nâng lên rõ rệt, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc