Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc
BHG - Trong những năm qua, phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân chủ động được nguồn thức ăn thô xanh cho phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên thực trạng hiện nay là các hộ trồng cỏ chăn nuôi mặc dù đã được tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nhưng hầu hết các hộ chưa tiến hành thực hiện hoặc rất ít hộ thực hiện đúng quy trình như: Không chăm sóc vun xới, trồng dặm, bón phân, khi thu hoạch có nơi cắt quá non, nhưng có nơi lại để cỏ quá già mới tỉa lá chứ không cắt nên năng suất không cao, cỏ bị già cỗi dẫn đến chất lượng không cao.
Đề giúp người nâng cao năng suất, chất lượng các loại cỏ trồng phục vụ chăn nuôi, chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp chăm sóc cụ thể như sau:
1. Đối với cỏ Guatemala:
- Thời gian thu hoạch: Lần thứ nhất thu hoạch khi cỏ đạt 80 -150 ngày, các lứa tiếp theo thu hoạch cách nhau từ 50-60 ngày (mùa Đông từ 70-90 ngày).
- Cách thu hoạch: Dùng dao hoặc liềm cắt cách mặt đất từ 6 -8cm, những lần sau cắt cao hơn vết cũ từ 3-5cm. Sau 6-7 lần, cắt đau bằng vết cắt như lần 1 để cây cỏ không bị trồi gốc quá cao.
- Chăm sóc: Sau mỗi lần thu hoạch, tiến hành làm sạch cỏ dại, bón thúc phân đạm urê với lượng từ 80-100kg /ha.
2. Đối với cỏ voi và cỏ VA06:
- Thời gian thu hoạch: Lần thứ nhất thu hoạch khi cỏ đạt 60 ngày, các lứa tiếp theo cách nhau 30-40 ngày cắt một lần khi cây cao từ 1-1,5m.
- Cách thu hoạch: Dùng dao hoặc liềm cắt toàn bộ khóm cỏ không để lại cây mầm để cỏ tái sinh đều. Tuy nhiên, do cỏ voi, cỏ VA06 có phần thân cứng, nếu cắt không kịp thời và không đúng lứa, gia súc sẽ chừa thân lại không ăn nên tỉ lệ sử dụng không cao. Vì vậy, khi cho ăn nên chặt cỏ thành những đoạn ngắn từ 3-5cm để tăng khả năng sử dụng, mỗi năm cắt được 5-7 lần, cắt cách mặt đất 10 - 15cm để cỏ tái sinh nhanh.
- Chăm sóc: Sau mỗi lần thu hoạch tiến hành làm cỏ và bón thúc phân đạm urê để cỏ tái sinh cây mới, bón sau khi thu cắt từ 10 - 15 ngày với lượng 60-70kg/ha.
* Chú ý :
+ Cỏ Guatemala có đặc điểm rễ ăn nổi nên chú ý vun gốc để tránh cây bị đổ, gãy làm cây sinh trưởng, phát triển kém.
+ Không để cỏ trồng quá già mới thu hoạch, sau mỗi lần thu hoạch phải tiến hành chăm sóc cỏ, bón thúc phân theo quy trình để cỏ tái sinh cây mới. Khi thu hoạch phải dùng phải dùng dao hoặc liềm sắc để cắt nhằm trách gốc cỏ không bị giập, nát làm thối, hỏng gốc để giúp cây tái sinh nhanh.
+ Chủ động trồng dặm những diện tích mất khoảng để đảm bảo mật độ, tránh lãng phí đất, hạn chế được việc rửa trôi đất khi gặp mưa. Khi lựa chọn giống để trồng dặm, bà con nên chọn cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, loại bánh tẻ (đạt ít nhất 06 tháng tuổi trở lên), cỏ không quá non và không quá già. Sau đó, chặt vát cỏ thành từng hom có chiều dài từ 30-40 cm/hom, mỗi một hom đặt khoảng 3-5 mắt mầm. Đối với cỏ Guatemalla những khóm được chọn làm giống phải đạt từ 1 năm tuổi trở lên, chọn những cây bánh tẻ để làm giống. Mỗi hom giống có độ dài từ 50-60 cm và phải đảm bảo có từ 3-5 mắt mầm.
+ Để cỏ đạt năng suất cao, khi gặp khô hạn ở những nơi có điều kiện thì tiến hành tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm, vào mùa mưa phải có biện pháp tiêu thoát kịp thời. Trước khi vào vụ Đông - xuân, tiến hành bón phân chuồng kết hợp vun cao gốc nhằm đảm bảo mầm qua đông và tái sinh ở năm sau được tốt.
Ngoài ra, đối với cỏ đã trồng lâu năm, khả năng sinh trưởng và phát triển kém cho năng suất thấp bà con có thể thu dọn toàn bộ rồi tiến hành làm đất và trồng mới theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Biên soạn: Nông Bình Nhu (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)
Ý kiến bạn đọc