Nâng cao giá trị Atiso thành phẩm
BHG - Atiso là cây trồng quen thuộc của nông dân huyện Quản Bạ trong vài năm gần đây. Không chỉ sản xuất nguyên liệu, các HTX còn chuyển sang chế biến thành sản phẩm bán trên thị trường, giúp tăng thêm nguồn thu và quảng bá thương hiệu Atiso Quản Bạ rộng rãi.
Cánh đồng Atiso theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP – WHO) ở Quản Bạ. |
Tăng diện tích:
Ngắm nhìn những cánh đồng Atiso xanh tốt theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc – của Tổ chức Y tế thế giới (GACP – WHO) ở xã Quản Bạ đang vào vụ thu hoạch, anh Dương Chính Thành, ở thôn Nà Khoang, xã Quản Bạ, bộc bạch: “Năm nay nhà tôi trồng được 3.000 m2 cây Atiso, đã ký cam kết với HTX Cộng đồng Nặm Đăm về việc thu mua, bán lá Atiso, giá 2,2 nghìn đồng/kg, cứ 15 ngày HTX đến thu mua 1 lần để nấu cao. Tính ra theo năm ngoái, trung bình 1.000 m2 Atiso thu về được 20 triệu đồng; ngoài ra còn tận thu được hoa Atiso bán với giá 30 - 50 nghìn đồng/kg và bán củ Atiso. Tuy nhiên, năm nay số hộ trồng Atiso tăng lên, toàn xã có 13 hộ trồng 14.600 m2 Atiso nên HTX thu mua chậm, một số hộ đã không chờ được đến lượt thu mua do cây đã quá hạn hái lá. Song chúng tôi đã ký hợp đồng với HTX nên không được bán cho những nơi khác”. Qua vài năm triển khai trồng cây dược liệu, người dân ở Quản Bạ đã có thói quen canh tác các loại cây dược liệu, trong đó có cây Atiso.
Năm nay, toàn huyện trồng được 5,6 ha Atiso, gồm: HTX dược liệu Nà Chang trồng 3,1 ha; HTX Cộng đồng Nặm Đăm trồng 2,2 ha; HTX Dược liệu Thanh Long 0,3 ha. Cây sinh trưởng và phát triển bình thường, đã cho thu hoạch được 56,9 tấn lá tươi, nấu được gần 2100 lít cao lỏng. Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả thỏa thuận hợp tác giữa huyện Quản Bạ với Tập đoàn GFS – DKPharma; thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn GFS - DKPharma với 5 HTX Cộng đồng phát triển dược liệu về phát triển dược liệu tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện Quản Bạ chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, là Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện và UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Dược khoa (DK Pharma) và 5 HTX xây dựng Kế hoạch thực hiện tại các HTX. Thường xuyên cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Công ty tiến hành hướng dẫn, bám nắm đồng ruộng và khuyến cáo kỹ thuật cho các HTX, tổ hợp tác và các thành viên trồng, chăm sóc cây dược liệu đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ đạo cán bộ chuyên môn làm tốt công tác hỗ trợ các HTX và các thành viên lập hồ sơ vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Đến nay, tổng số tiền giải ngân đạt hơn 900 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty và các HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh dược liệu.
Đầu tư công nghệ, quảng bá sản phẩm:
Công tác phối hợp giữa huyện với doanh nghiệp và các HTX ngày càng chặt chẽ, đến nay cơ bản đã hình thành được mối liên kết “4 nhà” trong phát triển dược liệu. Các sản phẩm thô do các thành viên HTX và hộ dân sản xuất cơ bản có thị trường tiêu thụ, do sản xuất dựa trên hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm của các HTX được tiêu thụ ngày càng nhiều và bước đầu tạo được uy tín trên thị trường.
Sản phẩm cao Atiso, trà gừng của HTX Cộng đồng Nặm Đăm ở xã Quản Bạ. |
Một trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh tốt là HTX Cộng đồng Nặm Đăm, hiện đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, gồm: Nhà sơ chế, nhà sản xuất, văn phòng, lắp đặt nồi hơi, nhà sấy cưỡng bức, mấy sấy và chuẩn bị lắp đặt nhà sấy bằng năng lượng mặt trời. Kinh phí đầu tư xây dựng, lắp đặt các hạng mục hơn 1 tỷ đồng. Giám đốc HTX Nặm Đăm, Lý Tà Dèn, cho biết: “HTX đang tiến hành việc đăng ký nhãn mác sản phẩm cao Atiso theo tiêu chuẩn của Cục An toàn thực phẩm. Đây là sản phẩm phối hợp với Công ty Dược khoa chuyển giao công nghệ. Ngoài cao Atiso, HTX còn sản xuất trà gừng từ mật ong rừng và gừng trồng ở địa phương; bán thuốc cổ truyền của người Dao, thuốc xoa bóp. Doanh thu năm ngoái được khoảng 700 triệu đồng, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 – 10 lao động, lương tháng từ 3 – 4 triệu đồng”.
Bên cạnh khâu sản xuất, việc quảng bá sản phẩm trên thị trường cũng được coi trọng, anh Lý Tà Giàng, Giám đốc Công ty cổ phần thảo dược Cao nguyên đá Quản Bạ, chia sẻ: “Công ty mới thành lập tháng 2.2017, chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm của 5 HTX dược liệu. Công ty kinh doanh 200 sản phẩm dược liệu các loại, như: Cao Atiso có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/lọ của HTX Nặm Đăm, Nà Chang; cao mạnh gân hoạt cốt giá 150 nghìn đồng/lọ; trà gừng 60 nghìn đồng/lọ; các loại trà giảo cổ lam; hạt y dĩ của HTX Thanh Long; cao bổ ích khí não... Thị trường chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh lân cận; chúng tôi cũng quảng bá sản phẩm ở “Phiên chợ xanh tử tế”, diễn ra hàng tuần tại thành phố Hồ Chí Minh; tham gia các Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Công ty còn bán hàng online qua website; fanpage, facebook; hiện chúng tôi có 6 cộng tác viên bán hàng, sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất là cao Atiso và trà giảo cổ lam”.
Việc sản xuất Atiso tại Quản Bạ đang được thực hiện theo chuỗi giá trị, từ đồng ruộng đến sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, các HTX vẫn còn gặp khó khăn về vốn, nguồn giống dược liệu đảm bảo; lãnh đạo một số HTX còn thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành, sợ rủi ro, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp... là những vấn đề đang cần phải tháo gỡ.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc