Kỹ thuật trồng và chăm sóc bắp cải theo hướng Vietgap
BHG - Rau rất quan trọng đối với đời sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất rau chưa được bà con chú ý đến những yêu cầu về chất lượng, an toàn, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu Kỹ thuật trồng và chăm sóc bắp cải theo hướng VietGAP.
1. Thời vụ.
- Vụ sớm: Gieo hạt cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng cuối tháng 8 và 9. Thu hoạch vào tháng 11 - 12.
- Vụ chính: Gieo hạt tháng 9, 10, trồng giữa tháng 10 và tháng 11. Thu hoạch vào tháng 1- 2 năm sau.
- Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng giữa tháng 12. Thu hoạch vào tháng tháng 2-3 năm sau.
2. Làm đất.
- Chọn đất: Chọn đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, nhiều mùn, đất cát pha, đất thịt nhẹ;
+ Đất không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ gia súc tập trung và từ các nghĩa trang, đường giao thông.
+ Không chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất trong vùng sản xuất.
- Làm đất: Cày bừa đất kỹ, làm đất tơi xốp, sạch cỏ dại.
- Lên luống: Luống rộng 1-1,2m, cao 15-20cm, rãnh luống rộng 20-25cm.
3. Ươm tạo cây con:
- Lượng giống gieo trồng cho 1 ha khoảng 200-300gram.
- Cây con: 30.000-38.500 cây/ha;
- Phân bón (tính cho 10m2): 10kg phân chuồng hoai + 1kg phân lân supe.
4. Tiêu chuẩn cây giống.
- Giống: Nên sử dụng các giống năng suất cao, thị trường ưa chuộng như: Giống bắp cải Bắc Hà, Hà Nội, KK Cross, NS Cross, KY Cross…đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cây giống đem trồng được lấy từ vườn ươm theo quy chuẩn của nhà sản xuất giống.
- Cây giống khi trồng có 5 - 6 lá thật, khỏe mạnh, đanh cây, không sâu bệnh.
5. Mật độ, khoảng cách.
- Vụ sớm và vụ muộn: Khoảng cách 50 x 40 cm; mật độ 36.000 - 38.500 cây/ha
- Vụ chính: Khoảng cách 50 x 50 cm; mật độ 30.000 - 32.500 cây/ha.
6. Phân bón.
![]() |
- Lượng phân bón (tính cho 1ha):
- Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai và phân lân, trộn đều bón vào hố, lấp kín phân trước khi trồng.
+ Bón thúc: Chia làm 4 lần bón
Lần 1: Sau trồng 10 - 15 ngày, bón 1/5 lượng phân đạm urê.
Lần 2: Khi cây trải lá bàng, bón 2/5 lượng phân đạm urê + 1/3 lượng phân kali clorua.
Lần 3: Khi cây bắt đầu vào cuốn, bón 1/5 lượng phân đạm urê và 1/3 lượng phân kali clorua.
Lần 4: Khi cây vào cuốn chắc, bón hết lượng phân còn lại.
- Tiêu chuẩn phân bón:
+ Chỉ sử dụng phân bón trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.
+ Tuyệt đối không dùng phân tươi, phân chưa qua xử lý và nước phân chuồng pha loãng để tưới.
+ Các dụng cụ, nơi phối trộn và lưu giữ phân bón, chất phụ gia phải vệ sinh và bảo dưỡng sau khi sử dụng.
+ Nơi chứa phân bón, chất phụ gia và dung cụ chứa phải độc lập và cách li với khu bảo quản sản phẩm và nguồn nước tưới.
Lưu ý: Bón cách gốc 20cm, lấp đất kín phân, kết hợp làm cỏ, vun nhẹ gốc, sau đó tưới nước đẫm cho phân tan. Kết thúc bón phân trước khi thu hoạch 15-20 ngày
7. Cách trồng.
Đặt cây vào giữa hố trồng, một tay giữ cây, một tay vừa vun đất nhỏ vào xung quanh, vừa lèn chặt đất đến cổ rễ cây. Mỗi luống trồng 2 hoặc 3 hàng tùy theo giống và mùa vụ, trồng theo hình nanh sấu.
8. Chăm sóc.
- Nước tưới:
+ Tuyệt đối không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, nước phân tươi, nước giải, ao tù đọng để tưới trực tiếp.
+ Tưới nước 2 lần vào sáng sớm và chiều mát trong 4 – 5 ngày sau trồng. Sau 10 – 15 ngày tưới giữ ẩm cho đất trong suốt thời gian sinh trưởng kết hợp bón thúc. Ở giai đoạn lá bàng có thể tưới ngập rãnh sau đó tháo nước ngay.
- Trồng dặm: Sau trồng 2 – 3 ngày kiểm tra cây chết và trồng dặm ngay.
- Chăm sóc: Vun xới, làm cỏ kêt hợp với bón thúc.
- Tỉa: Khi cây vào cuốn, tỉa bỏ lá chân đã già cỗi cho ruộng rau được thoáng, sâu bệnh không có nơi ẩn nấp, khi tỉa phải tỉa nhẹ nhàng không làm dập gãy các lá xanh tốt.
9. Sâu bệnh hại chính.
- Sâu hại: Gồm các loại sâu hại chính như: Sâu tơ, bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, rệp, sâu khoang...
- Bệnh hại: Bệnh thối nhũn do vi khuẩn hoặc do nấm, bệnh đốm lá...
- Biện pháp phòng bệnh: Chủ yếu sử dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (Luân canh, xen canh cây trồng hợp lý, sử dụng giống tốt không bệnh, vệ sinh đồng ruộng...). Nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.
- Biện pháp dùng thuốc BVTV trừ sâu, bệnh: Sử dụng thuốc trong danh mục được phép sử dụng đối với cây rau:
Trừ sâu: Dùng thuốc hóa học Sherpa 20EC, Regent 800WG, Trebon 10EC, HCĐ 95 BTN, Rotenone,...; Trừ bệnh: Dùng thuốc Zineb Bul 80WP, Ridomil MZ 72WP, Anvil 5SC, Score 250EC, Anvil 5SC,...
- Cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên nhãn mác.
10. Thu hoạch và Bảo quản
- Thu hoạch: Khi bắp cải đã cuốn chặt, mặt bắp mịn, lá xếp phẳng và căng thì thu hoạch; Loại bỏ các lá già, héo, bắp cải sâu bệnh, dị dạng; Sau thu hoạch không để bắp cải tiếp xúc trực tiếp với đất. Đảm bảo thu hoạch đúng kỹ thuật, thời điểm và thời gian cách li khi sử dung thuốc BVTV, phân bón để đảm bảo năng suất chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Bảo quản: Khu vực đóng gói, bảo quản được vệ sinh sạch sẽ. Cách ly gia súc, gia cầm, dầu, mỡ...có biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của các loại sinh vật nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm sản phẩm. Có hệ thống thoát nước.
Rửa rau bằng nước sạch theo tiêu chuẩn nước sinh hoạt, để ráo cho vào bao, túi sạch trước khi mang đi tiêu thụ. Thời gian bảo quản được từ 7 – 10 ngày ở điều kiện nhiệt độ 200C, nơi thoáng khí và tối. Nếu bảo quản ở nhiệt độ 1oC và ẩm độ 95 - 98% thời gian bảo quản kéo dài đến 2 - 3 tháng.
Ý kiến bạn đọc