Thế giới chạm mốc 3 tỷ “công dân mạng”
Theo nghiên cứu mới của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thế giới đã có hơn 3 tỷ người kết nối internet, 2/3 số đó đang sống tại các nước đang phát triển.
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế, một cơ quan thuộc Liên hợp quốc, thế giới đã có hơn 3 tỷ “công dân mạng”, lượng sử dụng internet toàn cầu tăng 6,6% trong năm 2014, trong đó các nước phát triển chứng kiến tăng trưởng 8,7% và các nước mới nổi là 3,3%. Các con số này được đưa ra trong báo cáo thường niên về Đo lường Xã hội thông tin của ITU hôm 24-11.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra số người dùng internet tại khu vực đang phát triển đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2009 đến năm 2014. 2/3 “công dân mạng” đang sống tại đây.
Dù số người kết nối internet đã vượt mốc 3 tỷ, ITU cho biết vẫn còn hơn 4,3 tỷ người chưa được sử dụng internet, 90% số này nằm tại các nước mới nổi. Trong 42 nước kết nối internet ít nhất, cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông vẫn còn ngoài tầm với của phần lớn dân chúng, đặc biệt là nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Đầu tháng 11, ITU nhắc lại kế hoạch đưa internet đến 1,5 tỷ người đến năm 2020 như một phần trong “Chương trình Nghị sự kết nối 2020 về Phát triển CNTT/Viễn thông toàn cầu”. Tổng Thư ký ITU, ông Hamadoun I Touré tin rằng CNTT và công nghệ liên quan có tiềm năng biến thế giới thành “nơi tốt đẹp hơn nhiều”, đặc biệt là những người đang sống tại nơi nghèo nhất, trong đó có phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.
Trong lĩnh vực di động, báo cáo ước tính cuối năm 2014 sẽ có 7 tỷ thuê bao di động, gần bằng dân số toàn cầu. Dù vậy, con số này không đồng nghĩa với mọi người trên thế giới đều dùng điện thoại do nhiều người dùng sở hữu nhiều thiết bị khác nhau. ITU thống kê khoảng 450 triệu người vẫn đang nằm ngoài vòng phủ sóng di động. Bất chấp điều đó, tổ chức xác nhận đã có sự tiến bộ đáng kể trong băng rộng tại các nước nghèo trong năm 2014.
Báo cáo cũng xếp hạng các nước theo ICT Development Index, thước đo đánh giá khả năng truy cập, sử dụng và kỹ năng công nghệ thông tin của 166 nước. Đan Mạch là nước đứng đầu bảng, tiếp đến là Hàn Quốc.
Ý kiến bạn đọc