Phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh
HGĐT- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, (gọi tắt là LHH) là tổ chức chính trị - xã hội với chức năng đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH tỉnh nhà. LHH tỉnh hiện có 9 hội thành viên với trên 140.000 hội viên; tập hợp được các chuyên gia ở các ngành, các lĩnh vực khác nhau, có quá trình công tác lâu năm và tầm nhìn rộng để nghiên cứu, đóng góp ý kiến đánh giá phản biện và giám định xã hội về những khía cạnh khác nhau trong đời sống xã hội.
TS Kinh tế Ngô Văn Hải, Trung tâm tư vấn phát triển nông nghiệp nông thôn (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt
Nam
) phản biện tại hội thảo.
Thời gian qua, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB & GĐXH) được LHH tỉnh chú trọng, đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp tỉnh có thêm căn cứ khoa học để xem xét quyết định các vấn đề về phát triển KT-XH phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Từ khi thành lập tháng 4.2012 đến nay, LHH tỉnh đã tham gia, đóng góp ý kiến cho các chương trình, đề tài, dự án báo cáo được tỉnh giao như: Tổ chức lấy ý kiến các hội thành viên tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi); ý kiến báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 20/2008/NQ-HĐND ngày 10.12.2008 của HĐND tỉnh và tham vấn trong việc xây dựng Nghị quyết của tỉnh về quy định một số chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; ý kiến vào Dự thảo quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc xét, công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh; đóng góp ý kiến cho báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 – 2015)...
Đặc biệt, cuối tháng 10 đầu tháng 11.2014, LHH tỉnh đã tập hợp một số chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh phản biện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang đến năm 2020” do Sở NN&PTNT tỉnh khởi thảo. Bản dự thảo Đề án với 28 trang, 57 bảng biểu kèm theo đã viện dẫn các cơ sở pháp lý liên quan; đánh giá thực trạng kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2006-2013, các nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp; thực trạng phát triển của ngành kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006-2103, mức đóng góp trong tổng sản phẩm, tỷ trọng các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng, lao động nông nghiệp nông thôn; bản Đề án đã xây dựng được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 trên các lĩnh vực: Trồng trọt với 6 cây trồng chính (cam, chè, đậu tương, lạc, lúa, ngô); chăn nuôi - thủy sản với 3 con (bò vàng, trâu sinh sản, ong); lâm nghiệp (tập trung phát triển rừng sản xuất, cây dược liệu). Ngoài ra, bản Đề án có hệ thống các bảng biểu thống kê kèm theo nhằm minh chứng, giải thích cho nội dung của Đề án. Các chuyên gia phản biện đánh giá: Đây là bản đề án được nghiên cứu, tính toán chi tiết; nội dung, phương án tái cơ cấu phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ, ngành T.Ư và điều kiện thực tiễn tỉnh Hà Giang. Song, bản Đề án còn quá chung chung, không rõ về nội dung và không có tính thuyết phục. Các thành viên Hội đồng phản biện đã tập trung nghiên cứu làm rõ những cơ sở khoa học và thực tiễn, những việc khả thi và chưa khả thi của Đề án và đưa ra kiến nghị giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét. Ông Hoàng Đình Châm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Cần thống nhất lấy số liệu thống kê chính thức các năm để phân tích, đánh giá đi đôi với một số việc điều tra, nghiên cứu, thí điểm các ngành đã được Hội đồng Khoa học thông qua (không lấy số liệu các ngành đưa vào đề án); cần bổ sung tình hình thực trạng về sản xuất hàng hóa, các loại mặt hàng xuất khẩu, về tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp hiện nay... Tiến sỹ Trần Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Tập trung quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch vùng, ngành cho hợp lý với quy mô tái cơ cấu từng lĩnh vực trong nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn vàthực hiện xã hội hóa trong đầu tư; tăng hệ số sử dụng đất, xây dựng cơ cấu luân canh cây trồng hợp lý với từng vùng để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đào tạo, thu hút, phân bố nguồn lao động có trình độ cao để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cần có giải pháp thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt thị trường tiêu thụ cam sành Hà Giang vì với sản lượng như hiện nay việc tiêu thụ của dân rất khó khăn, rớt giá, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao... Tỉnh nên có chính sách thu hút các tổ chức cá nhân đầu tư cơ sở chế biến nước giải khát để tiêu thụ sản phẩm cam, quýt và nâng cao giá trị kinh tế của vùng cam... Kết quả phản biện cho Đề án đã được cơ quan chủ quản, chủ đề án đánh giá cao.
Có thể nói hoạt động TV, PB & GĐXH là lĩnh vực mới đối với tỉnh ta. Song đã được LHH triển khai đạt được những kết quả cụ thể, từ đó khẳng định vai trò, vị trí trong hoạt động xã hội thông qua việc cung cấp cho các cơ quan, tổ chức có chương trình dự án, đề án quan trọng các luận cứ khoa học mang tính độc lập, khách quan trước khi thẩm định, quyết định phê duyệt và triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả cao.
Ý kiến bạn đọc