Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả đất ruộng ở Bắc Mê và Yên Minh
HGĐT- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất ruộng là một trong những nhiệm vụ được tỉnh, ngành và các địa phương quan tâm thực hiện. Nhằm giúp huyện Bắc Mê và Yên Minh bố trí được cơ cấu cây trồng hợp lý, giúp nhân dân nâng cao hệ số sử dụng đất ruộng, tăng sản lượng lương thực, góp phần nâng cao thu nhập bền vững, UBND tỉnh đã quyết định cho thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất ruộng tại 2 huyện Bắc Mê và Yên Minh”.
Tại 2 địa phương này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa nâng cao được hệ số sử dụng đất, đất bỏ hóa vụ Xuân còn nhiều (Yên Minh trên 1.600 ha, Bắc Mê gần 1.000 ha). Bên cạnh đó, đầu tư thâm canh cho cây lương thực còn thấp hoặc đầu tư không cân đối. Những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất ruộng trên địa bàn. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do địa bàn các huyện thiếu nước, thời tiết lạnh vào đầu và cuối vụ Đông – xuân; tập quán canh tác của nhân dân lạc hậu, công tác xuống giống diễn ra không cùng trà, thậm chí có khung thời vụ kéo dài tới 60 ngày; tập quán thả rông gia súc, gia cầm vào vụ Xuân, vụ Đông của nhân dân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chuyển đổi tăng vụ của vùng. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của hai huyện hẹp, các sản phẩm sản xuất ra mang tính nội tiêu chủ yếu với số lượng vừa phải và thích ứng với phong tục, tập quán của người dân địa phương; kinh tế vùng gặp nhiều khó khăn, nhân dân không có vốn đầu tư ban đầu...
Các yếu tố hạn chế trên hoàn toàn có thể khắc phục được bằng các giải pháp kỹ thuật ở các phương diện: Giống cây trồng; điều chỉnh khung thời vụ hợp lý; che phủ đất, xây dựng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao... Xuất phát từ những lý do trên, cuối năm 2013, UBND tỉnh quyết định thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất ruộng tại 2 huyện Bắc Mê và Yên Minh”. Đơn vị thực hiện là Bộ môn cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học - Kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc). Thời gian thực hiện từ tháng 12.2013 đến tháng 5.2015. Đề tài tập trung nghiên cứu các hạn chế trong bỏ hóa vụ Đông - xuân, tìm ra cây trồng, cơ cấu cây trồng hiệu quả, kỹ thuật áp dụng đáp ứng được khả năng mở rộng, phù hợp với tập quán sản xuất và phát triển bền vững. Nội dung nghiên cứu khoa học và triển khai thực hiện gồm: Nội dung 1, điều tra, đánh giá, xác định khả năng chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng trên các loại đất ruộng tại huyện Bắc Mê, Yên Minh. Nội dung 2, thử nghiệm một số thời vụ và cơ cấu cây trồng mới; cụ thể, thử nghiệm trên đất ruộng 1 vụ lúa Mùa truyền thống; thử nghiệm chuyển đổi thời vụ, cơ cấu cây trồng trên cơ cấu cây trồng lúa Xuân – lúa Mùa; thử nghiệm kỹ thuật, trong nội dung này sẽ thí nghiệm 2 nhân tố xác định lượng phân bón và mật độ gieo cấy hợp lý cho lúa Xuân và Mùa. Nội dung 3, tổ chức tập huấn kỹ thuật Hội nghị đầu bờ.
Đến thời điểm hiện tại, đơn vị thực hiện đề tài đang triển khai các nội dung theo đề cương chi tiết. Theo báo cáo tiến độ của Viện KHKT Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc, trong vụ Mùa đã thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thử nghiệm thời vụ lúa Mùa trên đất ruộng 1 vụ chuyển đổi thành đất 2 vụ tại thôn Bó Mới, xã Đông Minh (Yên Minh) và thôn Nà Viền, xã Giáp Trung (Bắc Mê) với tổng diện tích 6 ha. Thử nghiệm các trà gieo cấy lúa Mùa trên đất chuyển đổi 2 vụ thành 3 vụ tại thôn Đông Sao, xã Bạch Đích (Yên Minh) và thôn Nà Cau, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) với tổng diện tích 5 ha. Bên cạnh đó, tiến hành thử nghiệm phân bón và mật độ cây trồng. Qua thử nghiệm cho thấy: Với diện tích đất 1 vụ chuyển đổi thành 2 vụ, đến thời điểm hiện tại, bằng kết quả mô hình tăng vụ có thể khẳng định chuyển đổi đất 1 vụ lúa Mùa sang đất 1 vụ ngô Xuân và 1 vụ lúa Mùa rất khả thi; với diện tích đất 2 vụ thành 3 vụ, về mặt lý thuyết, huyện Bắc Mê hoàn toàn có cơ sở thành công trong phát triển vụ 3 bằng cây ngô, còn với huyện Yên Minh phát triển cây vụ 3 bằng cây ngô là rất khó khăn...
Trong tháng 9 vừa qua, đơn vị thực hiện đề tài đã thử nghiệm các trà gieo trồng ngô Đông với giống khảo nghiệm LVN154 trên diện tích 6 ha tại các xã vùng thấp của huyện Yên Minh và Bắc Mê. Địa điểm thực hiện trên diện tích đất ruộng đã thử nghiệm lúa ở vụ Xuân và vụ Mùa. Bên cạnh đó, tiến hành tập huấn kỹ thuật và tổ chức Hội nghị đầu bờ cho bà con nắm bắt được kỹ thuật. Theo nhận xét, phân tích của đơn vị thực hiện đề tài, đối với huyện Bắc Mê, các trà ngô Đông dự kiến sẽ cho thu hoạch với năng suất khá, bước đầu có thể khẳng định chuyển đổi đất 2 vụ lúa thành 3 vụ (2 lúa – 1 ngô Đông) là thành công. Với huyện Yên Minh, chuyển đổi cơ cấu đất ruộng 2 vụ lúa thành 3 vụ: Lúa Xuân – lúa Mùa – ngô Đông khả năng thành công rất thấp. Với vụ Xuân và vụ Mùa, các giống lúa đều cho năng suất cao, tuy nhiên ở vụ Đông qua theo dõi cho thấy cây ngô sinh trưởng phát triển chậm, nguyên nhân do lạnh, thiếu ánh sáng...
Hiện nay, đơn vị thực hiện đề tài vẫn đang tiếp tục thực hiện các hoạt động theo đề cương chi tiết. Hy vọng, khi kết thúc đề tài, nhân dân huyện Yên Minh và Bắc Mê nâng cao được nhận thức, tiếp thu kiến thức, kỹ thuật mới áp dụng vào thực tế sản xuất.
Ý kiến bạn đọc