Thành tựu khoa học - công nghệ tạo thay đổi tích cực trong sản xuất và đời sống

07:44, 28/10/2014

HGĐT- Giai đoạn từ năm 2011-2014, hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) đã có những bước chuyển biến tích cực, công tác quản lý Nhà nước được đổi mới, nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều văn bản được cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý, giúp việc tổ chức, triển khai các nhiệm vụ KHCN được thuận lợi.



Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến tinh quặng sắt, vừa tiết kiệm được tài nguyên, vừa xử lý tốt nguồn nước thải.


Từ định hướng đúng:

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN là một nội dung của 4 đổi mới, 8 đột phá và 15 chương trình trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh. Thực hiện nội dung này, ngay từ năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Đề án 94 về đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2011-2015, nhằm tạo thay đổi căn bản nhận thức của xã hội đối với vai trò của KHCN. Nội dung đột phá tập trung ở các lĩnh vực: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính (CCHC) và phát triển KT-XH; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất các loại giống, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tập đoàn cây có dầu, rau, hoa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi đại gia súc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải bảo vệ môi trường, giải quyết nước ăn, sinh hoạt, khai thác chế biến khoáng sản, giải quyết chất đốt trên địa bàn vùng cao; ứng dụng KHCN sử dụng vật liệu mới, vật liệu tại chỗ trong giao thông, xây dựng phục vụ phát triển hạ tầng, xây dựng Nông thôn mới; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch tại Công viên địa chất và vùng đệm phát triển du lịch.


Nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung đột phá thuộc lĩnh vực KHCN, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình với 14 thành viên có trách nhiệm tham mưu trực tiếp cho BTV Tỉnh ủy; UBND tỉnh giao Sở KH-CN chủ trì, phối hợp với các ngành, huyện, thành phố quản lý, triển khai nhiệm vụ theo từng nội dung đột phá. Đồng thời, trong kế hoạch phát triển KHCN hàng năm, tỉnh đã quan tâm, ưu tiên phần lớn kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án. Trên cơ sở đó, từ 2011 đến nay, ngoài các nhiệm vụ KHCN sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, nhiều cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực quản lý. Cụ thể như, Sở NN-PTNT đã triển khai Dự án ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cấy mô tế bào sản xuất, nhân giống khoai tây siêu nguyên chủng; xây dựng mô hình ngô hàng hóa gắn chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ). Còn Sở TT-TT đã ứng dụng tiến bộ khoa học xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống Email, hệ thống một cửa điện tử, chữ ký điện tử, xây dựng hệ thống giao ban trực tuyến với 13 điểm cầu. Ở lĩnh vực văn hóa, đã nhân rộng thành công 13 làng du lịch cộng đồng dân tộc Dao, Mông, Tày...


... Đến thành quả quan trọng:

Tại hội nghị sơ kết đột phá ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống mới đây, các đại biểu đều khẳng định: Chưa bao giờ hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh có bước tiến vượt bậc như hiện nay, công tác quản lý Nhà nước được đổi mới, các nhiệm vụ KHCN được định hướng cụ thể theo đề án, qua đó thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp tham gia; nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng cho mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.


Nhìn nhận góc độ ứng dụng thành quả CNTT ở các ngành, lĩnh vực quản lý Nhà nước thời gian qua cho thấy đã tạo thuận lợi rất lớn cho các tổ chức, cá nhân. Thực hiện cải cách nền hành chính Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đang được tỉnh quyết tâm thực hiện, việc ứng dụng CNTT đã giúp cho lĩnh vực này có bước tiến vượt bậc. Nếu như giai đoạn trước, việc xếp hạng chỉ số ứng dụng CNTT, CCHC, năng lực cạnh tranh của tỉnh luôn nằm trong nhóm những địa phương đứng cuối bảng thì đến nay đã có sự cải thiện mạnh mẽ. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng hệ thống một cửa điện tử, văn phòng điện tử, thư điện tử và giao ban trực tuyến, trung tâm tích hợp giữ liệu phục vụ hiện đại hóa nền hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp đã góp phần tạo bước đột phá mới. Bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước của tỉnh tăng 47 bậc, lên vị trí thứ 15 so với cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2013 xếp thứ 48/63, chỉ số CCHC xếp thứ 57/63...


Sản xuất nông nghiệp cũng thuộc lĩnh vực được đánh giá ứng dụng nhanh, hiệu quả thành tựu KHCN. Thông qua 8 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, 3 dự án cấp T.Ư... đã tạo đột phá trong xây dựng, ứng dụng tiến bộ KHCN như: Mô hình sản xuất hạt giống đậu tương chất lượng cao; sản xuất và sử dụng phân viên nén cho cây lúa, ngô; trồng cây Hoàng tinh đỏ dưới tán rừng phòng hộ. Không chỉ vậy, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất được mở rộng đến cấp huyện, thành phố. Từ năm 2011 đến nay, có 40 dự án mở rộng ứng dụng được triển khai, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân, nhiều dự án lợi nhuận thu được đạt mức 50 triệu đồng/ha.


Ở lĩnh vực môi trường, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản luôn được quan tâm. Bởi lẽ, hoạt động này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chất thải trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, khói bụi của các nhà máy sản xuất... luôn đe dọa trực tiếp đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống người dân. Với định hướng của tỉnh, sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp đã tích cực lựa chọn công nghệ khai thác, chế biến phù hợp. Hiện nay, công nghệ chế biến sâu khoáng sản như luyện Angtimon kim loại trong lò phản xạ, sản xuất Feromangan, Silicomangan, Chì thỏi, Chì kim loại, Mangan kim loại điện giải đã, đang được xây dựng với công nghệ phù hợp... vừa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tới mức thấp nhất những tác động, ảnh hưởng đến môi trường...


Ứng dụng KHCN vào thực tế các hoạt động sản xuất, đời sống thời gian qua đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mọi cấp, ngành, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của người dân. Thông qua đó, đã góp phần cùng các ngành, lĩnh vực khác đưa nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng cao.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Cha đẻ” mạng xã hội Haivl.com nói gì sau khi bị tước giấy phép vĩnh viễn?
Sau khi nhận Quyết định xử phạt hành chính 205 triệu đồng và rút giấy phép vĩnh viễn đối với mạng xã hội Haivl.com, ông Võ Thanh Quảng, người sáng lập trang web Haivl.com đã có buổi làm việc với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT).
27/10/2014
Nokia chính thức biến mất: Tiếc nuối một tượng đài
Microsoft chưa chính thức thông báo nhưng đã cập nhật trên mạng xã hội về việc đổi tên Nokia Lumia thành Microsoft Lumia, đánh dấu sự chấm hết cho thương hiệu điện thoại Phần Lan.
27/10/2014
Nhiều chuyên đề chuyên sâu tại Vietnam - ASOCIO 2014
Thông qua phiên tọa đàm giữa các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các DN Việt Nam và quốc tế, Vietnam - ASOCIO 2014 đề ra nhiều giải pháp ứng dụng CNTT...
24/10/2014
Ứng dụng công nghệ - Giải pháp phát triển doanh nghiệp Việt
Tại Hội nghị Đầu tư thường niên lần thứ 7 vừa được tổ chức vào sáng nay (22/10), một nội dung quan trọng là việc ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển...
23/10/2014