Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp
HGĐT- Nâng cao năng suất, chất lượng đang là mục tiêu có tầm chiến lược trong kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế Việt
Tại Hà Giang, tình trạng yếu kém về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn đang là trở ngại lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp như năng suất lao động thấp, hao phí nhiều nguyên liệu, năng lượng, chất lượng sản phẩm không ổn định... Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một số lượng lớn, tuy nhiên chỉ có gần 70 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của tỉnh. Hơn nữa, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn về vốn, về vật tư vật liệu đầu vào, đầu ra, về thương hiệu... đánh giá sơ bộ trên một số mặt cho chúng ta thấy rằng tình trạng năng suất và chất lượng vẫn còn ở mức thấp kém, cụ thể: Về tình hình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cho sản phẩm: Theo thống kê từ năm 2001-2012 có gần 40 cơ sở sản xuất sản phẩm hàng hóa đã công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Chủ yếu các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại địa phương, chỉ xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm sản xuất ra, nên sức cạnh tranh ra thị trường ngoài tỉnh không lớn. Tình hình chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn cũng còn rất ít, tính đến năm 2013 trên toàn tỉnh mới chỉ có 3 doanh nghiệp có các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, 21 doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nước ngoài.
Sản xuất gạch không nung tại Nhà máy gạch không nung Vị Xuyên.
Anh: Khánh Toàn
Số lượng các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn ít, tính đến năm 2013 chỉ có 7 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy năng suất, chất lượng và hiệu quả trong quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa chưa cao. Hệ thống phòng thử nghiệm là đối tượng phải áp dụng ISO 9000; hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm của tỉnh là nơi thực hiện việc thí nghiệm, thử nghiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm với sự phát triển.
Trước tình hình đó, để góp phần ổn định và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, tăng khả năng cạnh tranh, tạo đà phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế và triển khai chương trình năng suất và chất lượng của tỉnh, ngày 27/08/2014, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Dự án: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020” tại Quyết định số 1720/QĐ-UBND. Mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của dự án là: Giúp doanh nghiệp trong việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng kết hợp với áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng hiện đại, phát triển nguồn lực, xây dựng thương hiệu... cho doanh nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh; tạo bước chuyển biến về năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh, từng bước nâng cao mức đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP của tỉnh; nâng cao nhận thức, năng lực cải tiến về năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và thực hiện dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế hoặc được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và chứng nhận quốc tế khác, nhất là phù hợp tiêu chuẩn khi xuất khẩu sang các nước sở tại; hỗ trợ doanh nghiệp đạt được giải thưởng chất lượng Quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến... Ngoài việc hỗ trợ theo các nội dung của dự án này, doanh nghiệp tham gia dự án còn được hướng dẫn phối hợp hỗ trợ lồng ghép từ các chương trình, dự án khác của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian doanh nghiệp tham gia dự án.
Dự án có vai trò thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi hành vi và doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng, mô hình, các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm kiểm soát hiệu quả các yếu tố đầu ra (hàng hoá và dịch vụ) và các yếu tố của đầu vào (lao động, vốn, thiết bị, năng lượng, nguyên vật liệu, tổ chức quản lý...), quản lý có tính hệ thống đối với các hoạt động kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng, kiểm tra chất lượng và cải tiến chất lượng sao cho tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng ổn định, thoả mãn nhu cầu của khách hàng, giảm thiểu các sản phẩm sai lỗi, kém chất lượng... Các doanh nghiệp chủ động lựa chọn và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp, tạo động lực vững chắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Kết quả dự án tạo tiền đề cho việc thực hiện chính sách tiêu chuẩn hóa, đo lường, đảm bảo chất lượng sản phẩm có hiệu lực. Tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của những doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, xây dựng những hệ thống quản lý chất lượng. Và doanh nghiệp phải dựa trên những nền tảng này mới có thể tính đến đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm để phát triển.
Ý kiến bạn đọc