Lần đầu thực hiện thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng
HGĐT- Tháng 6 năm nay, Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức thực hiện phương án nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng. Đến nay, những mầm xanh khoai tây nuôi cấy trong ống nghiệm được đưa ra vườn ươm trồng thích nghi, chờ đến ngày trồng xuống ruộng tạo củ khoai tây siêu nguyên chủng phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân. Đây là lần đầu tiên trong toàn tỉnh có một đơn vị thực hiện thành công việc nuôi cấy mô tế bào thực vật phục vụ sản xuất...
Nhân giống bằng phương pháp nuôi, cấy mô tế bào là một phần quan trọng trong sản xuất công nghệ cao đang được ứng dụng rộng rãi ở các nước phát triển, đang phát triển. Ở nước ta, nhiều địa phương có phòng thí nghiệm trồng cây trong ống nghiệm, nhà lưới và ứng dụng các biện pháp trồng cây bằng phương pháp thủy canh để sản xuất các loại giống cây trồng sạch bệnh đáp ứng nhu cầu giống tại chỗ cho nhân dân. Tại tỉnh ta, phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật phục vụ sản xuất vẫn còn mới lạ. Trước yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, việc áp dụng tiến bộ khoa học nói chung và ứng dụng công nghệ nuôi, cấy mô tế bào thực vật phục vụ sản xuất nói riêng là cần thiết. Trọng trách đó đặt lên vai những người làm công tác khoa học ở Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Trung tâm được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào từ nguồn vốn đầu tư của Dự án nâng cấp Trung tâm giai đoạn 2. Từnăm 2012 đến đầu năm 2014, hệ thống nhà nuôi cấy mô tế bào được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với đầy đủ các thiết bị, máy móc, kỹ thuật hiện đại và nhà lưới đảm bảo đáp ứng cho việc sản xuất nhân giống và bảo tồn nguồn gen thực vật quý cho tỉnh...
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm trồng thích nghi cây khoai tây trong nhà lưới.
Hàng năm, tỉnh cần phải nhập một lượng lớn khoai tây giống để phục vụ nhu cầu sản xuất trên 500 ha khoai tây tại các huyện vùng cao trong vụ Đông. Tuy nhiên, giống sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế, chủ yếu vẫn là giống nhập từ châuu đảm bảo chất lượng tốt nhưng giá thành cao, chưa phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân. Giống khoai tây Trung Quốc tuy không ngon, nhưng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam (không thông qua các thủ tục kiểm dịch đầy đủ, thậm chí mua cả khoai ăn về làm giống) dễ gây ra những dịch bệnh mới khó kiểm soát. Từ những cơ sở về khoa học và thực tế trên, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào và trồng cây bằng phương pháp thủy canh sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Hà Giang là việc làm cần thiết và khả năng thành công là rất lớn. Do đó, Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức đề xuất với tỉnh cho thực hiện phương án: Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng, sạch bệnh tại.
Bước vào triển khai, Trung tâm chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cần thiết phục vụ việc nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống khoai tây, trước đó cũng cắt cử 2 cán bộ đi đào tạo, tập huấn tại Khoa Công nghệ Sinh học Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật lần đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm nên ban đầu cũng còn rất bỡ ngỡ, tuy nhiên, qua quá trình thực hiện với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện quy trình nên đến nay cơ bản đã thực hiện thành công phương án nuôi cấy mô tế bào sản xuất khoai tây giống. Cụ thể, đã tạo vật liệu nhân giống với 40 bình giống gốc. Từ 40 bình giống gốc ban đầu (mỗi bình 7 cây) qua nhân nhanh 3 lần được 2.500 bình (mỗi bình 7 cây). Đến cuối tháng này, Trung tâm sẽ tạo 14.000 cây trong ống nghiệm hoàn chỉnh đem ra nhà lưới trồng thích nghi trong bồn mạ. Đến cuối năm nay sẽ trồng 9.000 cây khoai tây theo phương pháp địa canh (trồng vào đất) với diện tích khoảng 1.000m2. Trồng cây không dùng đất (cây trong giá thể gồm sơ dừa, trấu hun, phân chuồng hoai mục) tưới dinh dưỡng với diện tích 300 m2 tương đương 5.000 cây. Theo tính toán sẽ tạo ra trên 84.000 củ (tương đương 1.867 kg) khoai tây giống siêu nguyên chủng phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân. Anh Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, cho biết: “Năm 2014, những củ khoai tây siêu nguyên chủng (G0) sẽ tiếp tục được Trung tâm sản xuất trong vụ Xuân - hè năm 2015, dự kiến thu từ 10 đến 15 tấn của nguyên chủng (G1), từ số củ nguyên chủng sẽ tiếp tục sản xuất khoảng 80 đến 100 tấn của G2 để cung ứng toàn bộ số giống này cho bà con nông dân phục vụ sản xuất trong năm 2016 với giá thành rẻ hơn 60% so với giá mua khoai tây giống của bà con hiện nay”. Trung tâm hiện cũng thử nghiệm thành công việc nuôi cấy mô tế bào sản xuất số lượng nhỏ giống cây ba kích, dâu tây, lan hồ điệp, chuối.
Sử dụng giống sạch bệnh sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô trong nước và công nghệ kho lạnh tạo cụm mô hình khép kín từ nhân giống, bảo quản đến sản xuất khoai hàng hoá, tạo các vùng chuyên canh khoai tây hàng hoá xuất khẩu đem lại hiệu quả xã hội về nhiều mặt. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật vào sản xuất giống cây trồng thực hiện thành công sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp xúc được công nghệ cao. Sản xuất củ giống siêu nguyên chủng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thành công sẽ nhân rộng ra mô hình sản xuất củ nguyên chủng tại các địa bàn trong tỉnh có điều kiện sinh thái để sản xuất trái vu, như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, từ đó có nguồn giống phục vụ cho các địa phương khác trong tỉnh sản xuất khoai tây thương phẩm chính vụ, rút ngắn thời gian bảo quản củ giống.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định: “Đến thời điểm này có thể khẳng định Trung tâm đã làm chủ được công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật. Đồng thời nắm bắt kỹ thuật sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp thủy canh. Tới đây, Trung tâm tiếp tục duy trì sản xuất giống khoai tây đảm bảo nhu cầu cho nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, sản xuất các loại giống khác như đu đủ, chuối, lan hồ điệp... Tuy nhiên, hướng lâu dài Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu để sản xuất các loại cây dược liệu như tam thất, xuyên khung, đan sâm nhằm đồng hành, chung sức cùng tỉnh thực hiện thành công chương trình phát triển cây dược liệu”.
Ý kiến bạn đọc