Yên Minh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống
HGĐT- Yên Minh là huyện vùng cao, trình độ nhận thức không đồng đều dẫn đễn sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, yếu tố quan trọng nhất là cần ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất và đời sống. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, huyện triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý KHCN và triển khai nghiêm túc các đề tài, dự án, mô hình trong sản xuất và đời sống.
Để công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN đi vào nề nếp, huyện kiện toàn lại Hội đồng KHCN với các thành viên là thủ trưởng các phòng chức năng và Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng. Căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch trên lĩnh vực KHCN được tỉnh giao hàng năm, Hội đồng KHCN huyện thông báo với các phòng, ban chuyên môn đăng ký thực hiện các đề tài, mô hình nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên lĩnh vực mình phụ trách. Sau khi có kết quả đăng ký của các cơ quan chuyên môn, tiến hành xem xét, lựa chọn những đề tài có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt ưu tiên với những đề tài trong sản xuất và đời sống. Ngoài việc triển khai, thực hiện các đề tài khoa học theo kế hoạch, Hội đồng KHCN huyện tích cực tuyên truyền, vận động các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Kết quả triển khai các đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên địa bàn những năm qua đều đạt yêu cầu như: Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chuyên canh rau hàng hóa” thực hiện năm 2008; Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng theo công thức luân canh trên đất 2 vụ lúa lên 3 vụ” tại thôn Bản Trưởng, xã Hữu Vinh triển khai năm 2011; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng vùng sản xuất giống đậu tương tại chỗ xã Đường Thượng” năm 2009... Bên cạnh đó, nhiều mô hình giúp huyện ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đời sống như: Đẩy mạnh việc sử dụng máy phay đất vào sản xuất; sử dụng các giống lúa, ngô, đậu tương mới vào gieo trồng; sử dụng phân bón viên nén cho sản xuất lúa, ngô; xây dựng các cơ sở chế biến chè bằng các máy sao, vò mini thay thế cho chế biến thủ công...
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, vùng xoài Yên Minh duy trì và phát triển cả về diện tích, chất lượng.
Trong ảnh: Ông Chu Tả Thắng, thôn khai hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh giới thiệu giống xoài Úc quả to.
Nổi bật, năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện triển khai Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng hồng không hạt năm thứ nhất tại xã Na Khê”. Đề tài thực hiện trên diện tích 11 ha với 5.500 gốc hồng, thu hút 92 hộ gia đình ở thôn Thèn Phùng, Lùng Vài tham gia. Trạm Khuyến nông hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật ngay từ khâu nhân giống tới kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Do đó, tỷ lệ cây hồng trồng trong mô hình đạt tỷ lệ sống trên 90%. Mô hình có tác động không nhỏ đến nhận thức của nhân dân trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp tại địa phương, giúp bà con nắm bắt kỹ thuật, có khả năng ứng dụng thực tế lâu dài, bền vững, hiệu quả cao hơn so với hình thức trồng tự phát trước đây. Anh Vũ Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Na Khê cho biết: “Mô hình phát triển cây hồng không hạt do Trạm Khuyến nông huyện triển khai trên địa bàn xã không chỉ giúp xã mở rộng diện tích trồng hồng không hạt tập trung mà còn giúp người dân có thêm kinh phí để phát triển diện tích hồng của gia đình”. Đầu năm 2013, huyện Yên Minh quyết định cho Trạm Khuyến nông thực hiện Dự án: “Phát triển vùng rau, quả an toàn theo hướng VIET GAP tại Thị trấn huyện Yên Minh”. Dự án xây dựng mô hình sản xuất rau xanh, quả dưa chuột theo hướng VietGap trên diện tích 0,7 ha tại thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh với 11 hộ dân tham gia, thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12.2013 đến tháng 12.2013, tổng nguồn vốn đầu tư trên 150 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp khoa học hàng năm, số còn lại do người dân đóng góp bằng công lao động. Việc lựa chọn thực hiện mô hình tại thị trấn Yên Minh là phù hợp bởi đây là vùng sản xuất rau chuyên canh và bán chuyên canh, có điều kiện về hệ thống dẫn nước tưới tiêu, người dân có trình độ canh tác rau nhiều năm nay. Do đó, khi bước vào triển khai mô hình nhận được sự quan tâm lớn của người dân và hy vọng của chính quyền địa phương. Kết quả, diện tích trồng dưa chuột, rau các loại đã thực hiện theo đúng kế hoạch. Do kỹ thuật trồng rau, quả theo hướng VietGap đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên không chỉ hướng dẫn bà con thông qua tập huấn mà cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống đồng ruộng để chỉ đạo bà con gieo trồng và chăm sóc. Diện tích rau, quả mô hình sinh trưởng, phát triển tốt. Đánh giá hiệu quả kinh tế của 0,7 ha trồng rau, dưa theo hướng VietGap dạt trên 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với người dân sản xuất lúa. Dự án: “Phát triển vùng rau, quả an toàn theo hướng VIET GAP” được triển khai cơ bản tạo “cú hích” cho việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nhân dân. Đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng an toàn. Tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời tạo cơ sở ban đầu giúp huyện hình thành vùng rau, quả tập chung chuyên canh chất lượng cao. Qua đó đáp ứng được một phần nhu cầu rau, quả cho nhân dân trên địa bàn.
Đồng chí Hoàng Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống giúp Yên Minh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao đời sống cho nhân dân”. Tuy nhiên, hoạt động KHCN của huyện vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Nhận thức về KHCN ở một số ngành chưa đầy đủ; các đề tài khoa học thực hiện trong những năm trước đã thực hiện thành công nhưng chưa được nhân rộng, dẫn đến hiệu quả lâu dài chưa cao; trình độ cán bộ chuyên trách lĩnh vực khoa học còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm...
Ý kiến bạn đọc