OTT và cơ hội mới cho doanh nghiệp viễn thông
13:58, 13/08/2014
Hiện nay, hơn 2 tỷ ứng dụng OTT được cài đặt trên toàn cầu để nhắn tin và gọi điện thoại đã làm cho lưu lượng tin nhắn được gửi qua OTT vượt xa lưu lượng tin nhắn SMS truyền thống. Trong năm 2013, tổng số lượng tin nhắn được gửi và nhận qua ứng dụng Whatsapp gấp hơn hai lần số tin nhắn được gửi qua SMS truyền thống trong cùng thời gian.
Theo các nhà phân tích của hãng MobileSquared, tới năm 2017, hơn hai phần ba người sử dụng điện thoại thông minh sẽ liên lạc qua dịch vụ OTT và thị trường OTT dự đoán có trị giá 53.5 tỷ đô la Mỹ vào thời điểm này. Các doanh nghiệp OTT chiếm thị phần khống chế hiện nay là Whatsapp, Facebook Messenger và Viber luôn là lựa chọn ưa thích của người sử dụng khi muốn liên lạc giá rẻ và không bị giới hạn về địa lý thay vì sử dụng dịch vụ điện thoại trong nước nước và quốc tế truyền thống. Hơn nữa, một mạng di động với vài chục triệu thuê bao thì cũng là quá bé nhỏ so với hệ sinh thái (ecosystem) với hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng mà các doanh nghiệp OTT đang sở hữu.
Để có thể xây dựng hệ sinh thái cho riêng mình, các doanh nghiệp viễn thông cần xem xét một cách nghiêm túc về lựa chọn hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ OTT hơn là tự xây dựng hệ sinh thái cho riêng mình để tăng doanh thu cũng như đảm bảo sự phát triển về lâu dài.
Không nên tự cô lập
Một số doanh nghiệp di động đã tự cung cấp dịch vụ OTT của mình, nhưng các chuyên gia lại cho rằng đây là dịch vụ tương tự OTT (OTT-like) bởi vì người sử dụng dịch vụ OTT này chỉ có thể gửi và nhận tin nhắn, cuộc gọi trong nội mạng. Ví dụ như Telefonica (Tây Ban Nha) đã cung cấp ứng dụng TU Go để có thể gửi, nhận tin nhắn và thực hiện cuộc gọi cho thuê bao của mình.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng nhược điểm của doanh nghiệp di động khi tự cung cấp dịch vụ OTT và ngăn chặn các ứng dụng OTT khác là tự mình đánh mất thị trường, làm cho người dùng hiện tại của họ không được hưởng lợi từ dùng các dịch vụ OTT có cộng đồng to lớn cũng như người dùng di động mới không muốn lựa chọn mạng này vì họ sẽ phải từ bỏ lựa chọn dùng dịch vụ OTT mà họ đang dùng.
Điểm mạnh của hợp tác
Thay vì xu hướng cạnh tranh, phương pháp tiếp cận của các doanh nghiệp viễn thông trong hợp tác với các hãng OTT lớn đang phát triển nhanh và chiếm xu hướng chủ đạo. Một ví dụ minh họa về thành công của xu hướng này là hợp tác giữa WhatsApp và E-Plus để cung cấp dịch vụ trả trước ở Đức hay DropBox hợp tác cùng Deutsche Telecom để cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Hơn nữa, quan hệ đối tác chặt chẽ trong một không gian không giới hạn như viễn thông và Internet sẽ mang lại lợi ích to lớn nhất cho cả doanh nghiệp OTT và viễn thông. Tiềm năng mang lại từ hợp tác giữa doanh nghiệp viễn thông và OTT sẽ bảo đảm cho cả các bên tham gia tiếp cận được một thị trường vô cùng to lớn người sử dụng cũng như những khách hàng tiềm năng, đồng thời hứa hẹn sẽ mạng lại những nguồn doanh thu mới từ sự phát triển của các hệ sinh thái hàng tỷ người dụng và điện toán đám mây hiện nay.
Trong hợp tác giữa doanh nghiệp di động và OTT thì cả hai bên đều mang lại những lợi ích đến cho nhau, doanh nghiệp cung cấp OTT sẽ cung cấp nhận diện thương hiệu hấp dẫn hơn cùng với một hệ sinh thái với số lượng đông đảo người dùng còn doanh nghiệp cung cấp di động cũng có thể cung cấp kết nối mạng di động ảo (MNOs/MVNOs) cho doanh nghiệp OTT.
Thời gian sẽ trả lời là các doanh nghiệp viễn thông có bị buộc phải đối thoại với các doanh nghiệp OTT và chấp nhận sử đổi mới hay không. Tất nhiên, theo các nhà phân tích, chỉ có lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp OTT thì các doanh nghiệp viễn thông mới chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong mô hình hệ sinh thái viễn thông hiện đại đang hình thành. Hơn nữa, các doanh nghiệp viễn thông cũng không tự đặt mình vào thế thụ động, tự đánh mất khách hàng hay bỏ qua cơ hội phát triển thị trường.
Theo Nhân dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc