Máy tính bảng trong trường học: Hiệu quả tới đâu?
Ấn Độ
Tháng 3/2013, 100.000 máy tính bảng giá rẻ đã được đưa vào sử dụng tại các trường học tại Ấn Độ.
Chương trình này được khởi xướng bởi Aakash (hệ thống máy tính bảng rẻ nhất thế giới) với mong muốn đưa 5 triệu máy tính bảng đến tay học sinh.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã gặp không ít khó khăn trong việc triển khai dự án này bởi việc đào tạo giáo viên cho thế hệ công nghệ mới có thể sẽ phải mất nhiều năm. Đó là chưa kể tới việc hệ thống cơ sở hạ tầng tại nhiều trường học không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết.
Trung Quốc
Năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã khởi động dự án Số hoá ngành giáo dục. Nhiều chính quyền địa phương tại nước này đã có kế hoạch mua sắm máy tính bảng và thiết bị số.
Tuy nhiên, các chương trình này đã gặp khó khăn về mặt kỹ thuật như việc lắp đặt mạng tại các trường học, thiếu nguồn vốn để mua sách điện tử hay đơn giản là cung cấp các ổ cắm điện để học sinh có thể sạc lại máy tính bảng khi hết pin.
Nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại việc con em mình được sử dụng Internet quá thoải mái làm giảm khả năng tư duy và có thể lạm dụng máy tính bảng vào mục đích giải trí thay vì học tập.
Thổ Nhĩ Kỳ
17 triệu máy tính bảng cho 42.000 trường học ở mọi cấp độ trong giai đoạn từ 2011 – 2015. Đó là nội dung của dự án giáo dục đầy tham vọng với tên gọi FATIH được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát do Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc nâng cao khả năng sử dụng công nghệ, các máy tính bảng không giúp ích nhiều cho sinh viên trong việc học ngoại ngữ, hoàn thiện các kỹ năng.
Nhiều giáo viên và học sinh tham gia cuộc khảo sát đều cho rằng những thông tin được cung cấp bởi các máy tính bảng là không đầy đủ.
Thái Lan
400.000 máy tính bảng với tổng trị giá lên tới 32,8 triệu USD cho các học sinh lớp 1.
Năm 2011, Chính phủ của cựu thủ tướng Yingluck Sinawatra đã khởi xướng chương trình này nhằm khuyến khích các em học tập tốt hơn. Thế nhưng, chương trình đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, từ vấn đề tham nhũng, tốn kém về chi phí cho tới các thiết bị chất lượng kém, những rắc rối trong hợp đồng với nhà sản xuất Trung Quốc...
Đến tháng 6 vừa qua, chính quyền quân đội đã tuyên bố huỷ bỏ chương trình này với lý do máy tính bảng không phải là công cụ học tập phù hợp cho học sinh tiểu học và việc sử dụng màn hình máy tính bảng nhỏ sẽ khiến các em bị ảnh hưởng lâu dài về thị lực. Quyết định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10 tới.
Ý kiến bạn đọc