Làm báo thời công nghệ số
HGĐT- Thế hệ chúng tôi bước vào nghề báo khi công nghệ thông tin đã phát triển vượt bậc. Tuy chưa có Internet thế hệ 3G như hiện nay để có thể ngồi ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa cũng truyền được thông tin nóng hổi về tòa soạn, nhưng máy vi tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số đã hỗ trợ đắc lực cho quá trình tác nghiệp của phóng viên.
Nghe những lớp nhà báo đi trước kể lại, chẳng phải thời trung cổ, ngay năm 1991 khi Báo Hà Giang mới được tái lập, phóng viên đi công tác ở cơ sở phải nửa tháng mới về tòa soạn. Các tin, bài viết bằng bút mực, máy ảnh chụp phim đen trắng phải đợi hết đợt công tác, trở về thị xã mới xử lý được. Thế mới biết, tốc độ truyền tin ngày đó còn chậm hơn cả rùa bò. Và so với thời hiện tại, tuy chỉ cách nhau ngoài hai mươi năm, nhưng công nghệ làm báo cả “một trời, một vực”. Nhưng ngay từ thời công nghệ chậm hơn... rùa, những thông tin mang đậm hơn thở cuộc sống, những bức ảnh ghi lại chân thực cuộc sống, lao động sản xuất đăng tải trên báo được bạn đọc trân trọng đón nhận, nâng niu.
Thời xưa gian khó là thế, nhưng đã sản sinh ra nhiều phóng viên nổi tiếng, chiếm được vị thế trong lòng bạn đọc. Thời nay, công nghệ kỹ thuật số đã hỗ trợ đắc lực, giúp thông tin của nhà báo được nhanh, nhạy, kịp thời. Bên cạnh việc hình thành đội ngũ phóng viên nhanh nhạy thông tin, chủ động chạy đua với diễn biến sinh động của cuộc sống hàng ngày, tạo được tiếng vang, nó cũng góp phần sản sinh ra lớp “nhà báo máy lạnh”, họ không cần đi cơ sở, chỉ ngồi tại nhà bốc điện thoại, vào mạng Internet “tham khảo” thông tin một cách triệt để, xây dựng nên bài viết mùi mẫn nhưng lại không xuất phát từ thực tiễn lao động, sản xuất nên đọc thấy rất giả tạo. Nhiều độc giả đã nói với tôi, mỗi khi cầm tờ Báo Hà Giang, chỉ cần đọc tít, đọc mào đầu đã biết chắc bài viết của tác giả nào. Nhận xét này thật xác đáng, trong tòa soạn có rất nhiều phóng viên, nhưng mỗi người lại có cá tính, phong cách, văn phong và phương pháp thể hiện, phân tích vấn đề khác nhau. Những kỹ năng này được hình thành từ khi khởi nghiệp và tiếp nối, phát triển theo suốt quá trình hoạt động báo chí của mỗi người. Chính vì vậy, khi thấy một tác phẩm, do một tác giả viết, đột xuất có văn phong, cách thể hiện khác lạ khiến độc giả suy nghĩ, phải chăng đã có sự dịch chuyển!
Thực tế hoạt động báo chí thời gian gần đây cho thấy, khi công nghệ thông tin được trang bị từ “chân đến đầu” của phóng viên thì những tác phẩm na ná nhau xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Cùng một sự kiện, nhưng hàng loạt tờ báo đưa giống nhau, chỉ khác mỗi tên tác giả, khiến người đọc bị ngộ độc thông tin. Và trong hệ thống báo Đảng địa phương cũng không tránh khỏi tình trạng phóng viên “tham khảo” quá sâu một vấn đề nào đó, nhiều khi còn bê nguyên cả đoạn trong bài viết của người khác vào tác phẩm của mình, nhưng lại “quên” không trích dẫn nguồn. Nhận rõ những nguy cơ của báo chí thời hiện đại, trong các buổi họp chuyên môn, lãnh đạo Phòng Phóng viên Báo Hà Giang đã đưa ra cảnh báo, nghiêm khắc phê bình việc lạm dụng, tham khảo một cách thái quá các thông tin trên mạng, cũng như hiện tượng phóng viên xuống cơ sở chỉ hỏi qua loa, lấy thông tin sơ sài, xây dựng thành tác phẩm báo chí đọc rất mùi mẫn, nhưng sai cả tên địa danh, số liệu theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”!
Trong dòng chảy của thông tin càng đa dạng, phong phú thì áp lực của nghề báo ngày càng lớn, có những người mới vào nghề, muốn khẳng định mình một cách nhanh chóng, đốt cháy giai đoạn, muốn “chín ép” nên liên tục tìm kiếm thông tin trên mạng để vẽ ra những tác phẩm thật hót, sốc, tít kêu to, nhưng nội dụng lại trống rỗng, không ăn nhập, chẳng khác nào “vác dao bầu mổ con chuột nhắt”. Suy nghĩ, hành động này của một bộ phận nhỏ người làm báo thực sự sai lầm, phong cách, thương hiệu của mỗi nhà báo đòi hỏi phải có thời gian, phải trải qua quá trình lao động bền bỉ, khó nhọc, gắn bó với thời cuộc như hơi thở cuộc sống hàng ngày. Chỉ khi người phóng viên làm việc thực sự, luôn đau đáu trước mỗi đứa con tinh thần thì mới sản sinh ra tác phẩm báo chí có sức lay động, tạo được sự đồng thuận của dư luận.
Cuộc sống, lao động sản xuất là nguồn chất liệu đầu vào quan trọng để mỗi nhà báo khám phá. Vì vậy, thay vì ngồi tại tòa soạn “bốc” điện thoại về cơ sở, thay vì suốt ngày bù đầu tìm kiếm, tham khảo thông tin, đề tài trên mạng Internet, mỗi người làm báo hãy lăn xả vào cuộc sống, khi đó sẽ có những tác phẩm đáng đọc, sẽ xây dựng được phong cách và chỗ đứng trong lòng độc giả.
Ý kiến bạn đọc