Có nên nghe điện thoại khi trời giông sét?

11:02, 18/06/2014

Từ đầu mùa mưa bão đến nay cả nước liên tục có những trường hợp người dân bị sét đánh. Ngoài các trường hợp đang ở ngoài đường, trú mưa, làm đồng... thì có những trường hợp tử vong khi đang sử dụng điện thoại. Các nhà khoa học khuyến cáo, tuyệt đối không nên sử dụng điện thoại cố định khi có trời giông sét.


Hơn 40 người bị sét đánh trong 45 ngày

Ngày 4-5, trong lúc trú mưa tại đồi Hương (xã Đắc Sú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), ông A KLanh (41 tuổi) và vợ là Y A (38 tuổi, ngụ thôn Đắc Giao, xã Đắc Sú) bị sét đánh. Tai nạn khiến ông A KLanh tử vong tại chỗ, còn bà Y A bị thương nặng, mất thính giác.

Xảy ra ở ngoài đồng ruộng, chiều 2-6 hai chị em Hoàng Thị Dung (46 tuổi) và Hoàng Thanh Quân (24 tuổi, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) gặp nạn. Cụ thể, khoảng 14 giờ cùng ngày, Dung và Quân ra ngoài ruộng làm việc. Đến tối không thấy hai chị em về, gia đình ra ngoài ruộng tìm thì phát hiện họ đã chết. Tại hiện trường, xác chị Dung nằm cạnh chiếc cuốc, còn Quân tay cầm tay quay máy bơm nước.

Gặp nguy hiểm với chiếc điện thoại, ngày 25-5, trời đổ mưa kèm theo sấm sét đang gặt lúa giữa đồng, anh Lò Văn Chung (31 tuổi) có chuông điện thoại và lấy ra nghe. Ngay lúc đó, anh Chung bị một tia sét đánh trực diện. Nam thanh niên này tử vong tại chỗ, sáu người đang gặt lúa xung quanh bị thương. Cùng sử dụng điện thoại di động trong lúc mưa giông, 16 giờ chiều 15-6, em Đỗ Trọng Vũ (sinh 1992, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị sét đánh tử vong.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong tháng 5 nửa đầu tháng 6 cả nước đã có trên 40 trường hợp bị sét đánh. Trong đó có 10 người tử vong.

Việt Nam nằm ở tâmgiông châu Á

Theo TS Nguyễn Xuân Anh (Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu – Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam ), Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á - một trong ba tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Mùa giông ở Việt Nam tương đối dài với số ngày giông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm.

Trên nền hoạt động giông tương đối mạnh này vẫn có độ chênh lệch khá lớn về mức độ hoạt động giông ở các vùng. Có những nơi có số giờ giông nhỏ như Cam Ranh - Khánh Hòa (55 giờ/năm), bên cạnh đó lại có khu vực đạt số giờ giông tới 489 giờ/năm như ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Có thể giải thích sự chênh lệch này bởi nhiều yếu tố khác nhau trong đó có sự phân chia lãnh thổ bởi những dãy núi cao có hướng khác nhau.

Những vùng hoạt động giông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng. Việt Nam là khu vực nhiệt đới nên nguy cơ giông sét có thể xảy ra bất cứ khu vực nào, có thể kể tới một số khu vực tiêu biểu như ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội...

Rất khó dự báo giông sét, TS Xuân Anh chia sẻ. Cụ thể, theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, công tác dự báo đã có tiến bộ nhất định tuy nhiên việc đầu tư mạng lưới ở nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng vậy bởi diễn biến của mây giông rất nhanh, rất khó dự đoán chính xác sét đánh vị trí nào. Hiện nay, công nghệ ở Việt Nam đã có thể dự báo sét trước từ 30 phút đến 1 tiếng.

Hiện viện Vật lý Địa cầu đã thử nghiệm công nghệ cảnh báo sớm ở một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam , hiệu quả cảnh báo sớm được trên 90%. Từ năm 2003, viện đã xây dựng mạng trạm định vị sét gồm tám trạm trên địa bàn cả nước...

Tuyệt đối không dùng điện thoại có dây khi giông sét

Tư vấn về việc có nên dùng điện thoại khi trời giông sét, TS Xuân Anh khẳng định, vẫn có thể sử dụng điện thoại di động bình thường. Sóng điện thoại di động không thể hút sét. Tuy nhiên điện thoại cố định có dây sẽ rất nguy hiểm. Nếu sét đánh gần đó sẽ lan truyền rất nhanh qua hệ thống dây dẫn điện thoại. Khi có mưa giông, tuyệt đối không nên dùng điện thoại cố định có dây.

Một số trường hợp, năng lượng tia sét không tiêu tán ngay tại chỗ mà truyền theo mặt đất. Khi nạn nhân đứng trên đường truyền đó có thể bị liệt. Sét cũng lan truyền khi nạn nhân nói chuyện điện thoại bàn có dây dẫn, cầm vào các dây cáp, dây ăng ten dẫn từ ngoài vào nhà, TS Xuân Anh nhấn mạnh.

Về cách phòng chống “thiên lôi”, các chuyên gia cho biết, trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa. Tránh xa các vật dụng kim loại, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao hồ...Nên tìm chỗ khô ráo, người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân, không được nằm xuống đất, không được đứng thành nhóm đông.

Nếu đang đi trên đường, cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như mây đen, khí lạnh, gió. Tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt.


Theo nhandan diện tử

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đầu tư cho đổi mới sáng tạo: Chuyển đổi mô hình, “làm mới” tư duy
Bài học thành công của hầu hết quốc gia trên thế giới đều chỉ ra rằng, tư duy đúng, đầu tư đúng đắn cho giáo dục, khoa học - công nghệ (KHCN) và từ đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực vững chắc cho sự nghiệp phát triển đất nước.
30/05/2014
Nhân tài Đất Việt 2014: Thêm sản phẩm ứng dụng trên di động
Điểm mới của giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay là sẽ có thêm hệ thống sản phẩm công nghệ thông tin ứng dụng trên thiết bị di động.
30/05/2014
Điều trị phẫu thuật bệnh trĩ bằng phương pháp Longgo tại bệnh viện tuyến huyện
HGĐT - Bệnh trĩ là một bệnh thường gặp, có số người mắc cao trên địa bàn tỉnh ta. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và BVĐK Bắc Quang ứng dụng thực hiện điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp phẫu thuật Longgo, đây là phương pháp điều trị tối ưu nhất được áp dụng trên thế giới và trong nước hiện nay. Để người dân tại các huyện vùng cao được điều trị bệnh trĩ bằng phương
29/05/2014
Tọa đàm khoa học Đề tài cấp Nhà nước “Tư duy mới về phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới”
HGĐT- Chiều 26.5, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ tổ chức Tọa đàm khoa học Đề tài cấp Nhà nước “Tư duy mới về phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới”. GS, TS Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ đồng chủ trì buổi tọa đàm. Đến dự
28/05/2014