Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới
HGĐT- Trong giai đoạn hiện nay, khoa học và công nghệphát triển mạnh mẽ nên nhu cầu khách hàng trong việc lựa chọn các sản phẩm cũng mang dấu ấn công nghệ ngày càng đa dạng. Theo đó, sức cạnh tranh trên thị trường giữa các đơn vị ngày càng khốc liệt. Đó là những nguyên nhân làm cho sự tồn tại của sản phẩm đang ngày càng bị rút ngắn, điều đó đòi hỏi về chất lượng của sản phẩm đưa ra trên thị trường cần phải được đánh giá, nhìn nhận cao hơn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất là quá trình cần thiết, yêu cầu bắt buộc cho sự tồn tại, phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Quá trình hình thành, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất có thể được hiểu là quá trình biến đổi tri thức thành các sản phẩm mang giá trị và đi kèm dịch vụ cụ thể, đó không phải là một hoạt động độc lập mà là một quá trình tổng hợp gồm nhiều quá trình có liên quan chặt chẽ và mật thiết với nhau. Quá trình đó không chỉ là sự ấp ủ, phát triển từ một ý tưởng mới hoặc phát sinh một thiết bị mới, phát triển trong một thị trường mới... mà bao gồm tất cả các công việc có liên quan và thống nhất với nhau. Cần khẳng định, các giai đoạn cơ bản trong quá trình đổi mới công nghệ của một doanh nghiệp thường bao gồm các hoạt động: Ý tưởng ban đầu; xác định khái niệm; phân tích thị trường; phân tích kỹ thuật; các nguồn lực cần thiết, nguồn lực có sẵn, lịch trình triển khai; kế hoạch kinh doanh; triển khai; kiểm định trên thị trường; sản xuất và thương mại hóa; loại bỏ... Trong thực tế, quá trình đổi mới công nghệ của một doanh nghiệp thường không bao hàm đầy đủ toàn bộ quá trình tạo ra và ứng dụng công nghệ mới. Một công nghệ mới có thể được hình thành hoặc có thể có được theo một trong năm cách sau. Công nghệ được hình thành từ sự ngẫu nhiên; không ít những trường hợp con người cố gắng làm một việc nhưng lại tình cờ tìm ra một cái gì đó khác và chính vì thế đã dẫn đến việc tìm ra một công nghệ mới mang lại nhiều lợi ích. Những việc tình cờ, ngẫu nhiên đó có thể giúp người có khả năng trí tuệ, say mê, nhiệt tình tìm ra những công nghệ mới, đổi mới sản phẩm cũng như đổi mới các quá trình. Công nghệ được hình thành từ sự mày mò có hệ thống (thử và sai): Thông thường càng có nhiều thử nghiệm được làm thì xác suất kết quả thành công càng cao. Lợi nhuận kinh tế mang lại từ những sự thử nghiệm thành công bù trừ cho những thất bại và những cố gắng tiêu tốn cho những thử nghiệm khác ít thành công hơn. Trong thực nghiệm người ta luôn học hỏi được một điều gì đó và những thử nghiệm không thành công là những bước tiến để tiến gần tới sự thành công thực sự. Công nghệ được hình thành từ nghiên cứu khoa học: Là một hệ thống các hoạt động phức tạp nhằm chuyển đổi các ý tưởng và kiến thức khoa học thực tế vật chất và các ứng dụng trong thế giới hiên thực. Đó là một quá trình biến đổi tri thức thành các sản phẩm và dịch vụ hữu ích có tác động tới sự phát triển của nền kinh tế. Hay nói cách khác khoa học và cụ thể hơn là nghiên cứu khoa học chính là cơ sở của việc hình thành công nghệ mới và đổi mới công nghệ. Tiếp thu công nghệ mới: Sự triển khai công nghệ mới thường đòi hỏi những khoản đầu tư kinh tế và nguồn nhân lực với nguy cơ rủi ro rất cao. Tiếp thu các công nghệ mới có thể là chiến lược hiệu quả trong một số hoàn cảnh nào đó hoặc ngược lại. Công nghệ có được nhờ sự hợp tác: Hợp tác với các trường đại học, với Chính phủ; với đối tác phi cạnh tranh; hợp tác công nghệ với các đối thủ (điều này có vẻ như là một phương pháp kỳ cục nhằm thu được công nghệ mới, nhưng nó đã từng xảy ra. Lý do đầu tiên để hợp tác cùng với đối thủ là vì sự liên minh như thể có thể giảm bớt được chi phí cho sự triển khai công nghệ mới, tinh vi nhờ việc bắt tay với nhau và các đối thủ giảm được nguy cơ thất bại của chính họ. Đây chính là nghệ thuật đồng phát triển).
Quá trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới là động lực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cũng như xác định chiến lược lâu dài cho sự phát triển các sản phẩm. Nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và lâu dài, các doanh nghiệp cần xác định rõ quá trình hình thành cũng như ứng dụng các công nghệ vào trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như chiến lược cho sự tồn tại và phát triển của chính doanh nghiệp mình trong bối cảnh phát triển chung của nền kinh tế thị trường hiện nay, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung.
Mai Tiến Bằng
Phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ)
Ý kiến bạn đọc