Điều trị phẫu thuật bệnh trĩ bằng phương pháp Longgo tại bệnh viện tuyến huyện
HGĐT - Bệnh trĩ là một bệnh thường gặp, có số người mắc cao trên địa bàn tỉnh ta. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và BVĐK Bắc Quang ứng dụng thực hiện điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp phẫu thuật Longgo, đây là phương pháp điều trị tối ưu nhất được áp dụng trên thế giới và trong nước hiện nay. Để người dân tại các huyện vùng cao được điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp Longgo tại địa phương nhằm giảm chi phí điều trị và giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh, BVĐK Bắc Quang thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng điều trị phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longgo tại tuyến huyện tỉnh Hà Giang”.
Trĩ là bệnh thường gặp và được biết đến từ lâu trong lịch sử. Đây là căn bệnh tuy không nguy hiểm về tính mạng nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và khả năng lao động của con người. Hiện nay, ở nước ta có hai phương pháp điều trị phẫu thuật bệnh trĩ được áp dụng đó là phẫu thuật bằng phương pháp Milligan – Morgan và phẫu thuật bằng phương pháp Longgo. Trong đó phẫu thuật bằng phương pháp Longgo là tối ưu nhất bởi có tính hiệu quả cao, rẻ tiền, dễ thực hiện, có thể thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện... Hiện tại, phương pháp phẫu thuật Longgo đang được triển khai tại BVĐK tỉnh và Bắc Quang.
Trên địa bàn tỉnh ta, số người mắc bệnh trĩ rất lớn, do đây là căn bệnh ở vùng “nhạy cảm” nên người bệnh thường có tâm lý e ngại khi đến các cơ sở y tế điều trị, nhất là người dân ở các huyện vùng cao. Do đó, đa số các ca đến khám và phát hiện bệnh đã phát triển độ 3 và 4 và cần phải phẫu thuật. Do trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 bệnh viện thực hiện phẫu thuật bằng phương pháp Longgo nên bệnh nhân ở các huyện tập trung về gây nên sự quá tải. Mặt khác đa phần bệnh nhân ở các huyện vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn nên khi về BVĐK tỉnh, BVĐK Bắc Quang điều trị nên phải bỏ chi phí đi lại, ăn ở tốn kém. Với mong muốn triển khai kỹ thuật mới phục vụ nhu cầu khám, điều trị bệnh chất lượng cao cho nhân dân, từ tháng 9.2013, BVĐK Bắc Quang thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng điều trị phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longgo tại tuyến huyện tỉnh Hà Giang”. Đề tài triển khai thực hiện tại BVĐK các huyện Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn. Mục tiêu chính của đề tài là ứng dụng kỹ thuật điều trị mới cho các huyện và đào tạo kỹ thuật phẫu thuật bằng phương pháp Longgo cho 3 bệnh viện tuyến huyện, mỗi bệnh viện một kíp mổ.
Kết quả thực hiện đến thời điểm này, các bác sỹ tại BVĐK Bắc Quang đã và đang đào tạo 3 kíp mổ cho bệnh viện các huyện, trong đó kíp mổ tại BVĐK Yên Minh và Hoàng Su Phì đã nắm bắt thành thạo phương pháp phẫu thuật mới và tiến hành điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, đề tài cũng thực hiện chuyển giao kỹ thuật và phẫu thuật cho 60 ca bệnh trên tổng số 90 ca theo kế hoạch. Kết quả điều trị, qua theo dõi chất lượng điều trị đạt hiệu quả cao, mất hoàn toàn các triệu chứng trước mổ tại hậu môn, không có tai biến do phẫu thuật, không có biến chứng, không đau, không hẹp hậu môn, không chảy máu, đại tiện tự chủ dễ dàng, người bệnh sớm hồi phụ sức khỏe và xuất viện sau khi phẫu thuật từ 3 đến 5 ngày. Kết quả trên làm hài lòng người bệnh cũng như giúp giảm chi phí điều trị, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên theo đúng mục đích đề ra. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thức, Phó Giám đốc BVĐK Yên Minh cho biết: Trước kia, người bệnh trĩ bị độ 3 và 4 trên địa bàn huyện đều về BVĐK tỉnh điều trị, chi phí sinh hoạt, đi lại rất tốn kém trong khi đa phần người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Với những bệnh nhân không thể về tỉnh điều trị thì điều trị nội khoa tại bệnh viện. Việc điều trị nội khoa bệnh không khỏi, dễ tái phát. Từ khi được chuyển giao kỹ thuật Longgo, kíp phẫu thuật của bệnh viện gồm 3 bác sỹ, 3 cán bộ phục vụ đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật mới này, trong tổng số trên 30 bệnh nhân phẫu thuật (bệnh nhân nằm trong chương trình phẫu thuật của đề tài nghiên cứu) có nhiều bệnh nhân do kíp mổ của BVĐK Yên Minh thực hiện. Tất cả các ca mổ đều đạt chất lượng. Việc đào tạo kíp phẫu thuật ngay tại bệnh viên tuyến huyện không chỉ có ý nghĩa chuyển giao phương pháp điều trị mới mà còn giúp các bác sỹ, cán bộ phục vụ của kíp phẫu thuật không phải mất thời gian, kinh phí tốn kém về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) học tập”.
Đến cuối năm 2014 mới là thời điểm kết thúc đề tài, trong thời gian tới tiếp tục triển khai khám và điều trị cho bệnh nhân ở các huyện và tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK Đồng Văn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định đề tài cơ bản đạt được mục tiêu đề ra và có thể tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tại bệnh viện các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến bạn đọc