Đầu tư cho đổi mới sáng tạo: Chuyển đổi mô hình, “làm mới” tư duy

10:01, 30/05/2014

Bài học thành công của hầu hết quốc gia trên thế giới đều chỉ ra rằng, tư duy đúng, đầu tư đúng đắn cho giáo dục, khoa học - công nghệ (KHCN) và từ đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực vững chắc cho sự nghiệp phát triển đất nước.


Tiềm năng của cộng đồng khởi nghiệp

Mới đây, trong khuôn khổ "Diễn đàn công nghiệp sáng tạo" (Creative Innovation Forum 2014) được tổ chức tại Hà Nội, ông Lauri Laakso - cố vấn trưởng Chương trình "Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan" cho rằng, sân chơi toàn cầu từ trước đến nay luôn không ngừng vận động và đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chuyển đổi chiến lược cũng như đổi mới mô hình của họ. Theo nhận định của ông Lauri Laakso, Việt Nam hoàn toàn có thể có những bước nhảy vọt đáng khích lệ bởi đã có những lợi thế rõ nét, đó là "thị trường nội địa lớn, thị trường ASEAN đang trên đà phát triển, dân số trẻ tài năng và luôn có sự kết nối với quốc tế...". Chính những điều này sẽ mang lại cho đất nước hơn 90 triệu dân cơ hội phát triển bền vững và khả năng bắt kịp xu hướng toàn cầu, cho dù xuất phát điểm của Việt Nam có bị chậm hơn chút ít.

 
Đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng trong cuộc sống.
Đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng trong cuộc sống.


Có chuyên gia cho rằng, những nhận định trên có thể được chứng minh bằng thực tế. Như sự kiện gần đây nhất, vào đầu năm 2014 khi Flappy Bird - trò chơi trên thiết bị di động, được phát triển bởi Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên người Việt Nam, đã trở thành hiện tượng toàn cầu và được cho là mang lại doanh thu quảng cáo lên tới 50.000 đô la Mỹ mỗi ngày. Mặc dù sau đó, "chú chim" này không còn "bay" nữa sau khi Hà Đông gỡ bỏ trò chơi khỏi App Store và Google Play Store, nhưng đó vẫn là một chỉ báo cho thấy tiềm năng sáng tạo của cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Nó cho thấy đầu tư vào khoa học và công nghệ có thể mang lại lợi nhuận to lớn.

Nhìn lại một thập niên qua, ở Việt Nam đã xuất hiện khái niệm start - up, công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, ấn tượng mà các công ty này để lại không nhiều. Trong vòng khoảng 3-4 năm trở lại đây, một "dòng chảy" khởi nghiệp mới đã thực sự xuất hiện, ghi dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bất chấp những khó khăn, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Indonesia.

Đổi mới sáng tạo - Bắt đầu từ tư duy

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát vào năm 2010 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ có khoảng 20% trong tổng số 8.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tiến hành thành công việc cải tiến công nghệ, và cũng chỉ có 15% đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển. Ở phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 115 trên tổng số 146 nước được đánh giá về Chỉ số Đổi mới sáng tạo theo công cụ "Phương pháp đánh giá tri thức" của Ngân hàng Thế giới.

Nói về tầm quan trọng của tư duy đổi mới, ông Lauri Laakso nhấn mạnh vai trò tiên phong của những nhà lãnh đạo trong việc thực hiện đổi mới, thể hiện qua việc đưa ra những ý tưởng, giải pháp để tiến hành đổi mới, công nhận công sức của các cá nhân tài năng cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với các hệ thống ý tưởng mới.

Các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao động thái tích cực mà Bộ KH&CN Việt Nam đã tiến hành trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua việc tạo dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách thông thoáng. Năm 2012, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển KH&CN, coi đó là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Vào năm 2013, Đề án "Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam" (Vietnam Silicon Valley) ra đời, là sự phối hợp giữa Bộ KH&CN với những đối tác trong - ngoài nước nhằm hình thành và thúc đẩy một "hệ sinh thái" hoàn thiện, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực KHCN khác nhau.

Gần đây nhất, dự án FIRST - "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, công nghệ và thông tin" đã chính thức khởi động. Dự án thuộc Bộ KH&CN với nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới, tổng mức đầu tư 110 triệu USD dành cho các nội dung nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp… Đây là dự án được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay mà Bộ KH&CN thực hiện cùng đối tác nước ngoài. Kết quả này đánh dấu bước tiến tích cực trong sự đánh giá về tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với sự phát triển đất nước, đồng thời thể hiện bước đi đầu tiên từ phía Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong chuỗi các hoạt động và dự án hỗ trợ khởi nghiệp.

hanoimoi.com.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhân tài Đất Việt 2014: Thêm sản phẩm ứng dụng trên di động
Điểm mới của giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay là sẽ có thêm hệ thống sản phẩm công nghệ thông tin ứng dụng trên thiết bị di động.
30/05/2014
Điều trị phẫu thuật bệnh trĩ bằng phương pháp Longgo tại bệnh viện tuyến huyện
HGĐT - Bệnh trĩ là một bệnh thường gặp, có số người mắc cao trên địa bàn tỉnh ta. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và BVĐK Bắc Quang ứng dụng thực hiện điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp phẫu thuật Longgo, đây là phương pháp điều trị tối ưu nhất được áp dụng trên thế giới và trong nước hiện nay. Để người dân tại các huyện vùng cao được điều trị bệnh trĩ bằng phương
29/05/2014
Công ty Điện lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
HGĐT- Hà Giang là tỉnh miền núi, có địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, trong những năm gần đây, do sự biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, như mưa giông, bão lốc, sạt lở đất, sấm sét... gây sự cố, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh, cung cấp điện cho nhân dân của Công ty Điện lực Hà Giang. Để đảm bảo cung
28/05/2014
Tọa đàm khoa học Đề tài cấp Nhà nước “Tư duy mới về phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới”
HGĐT- Chiều 26.5, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ tổ chức Tọa đàm khoa học Đề tài cấp Nhà nước “Tư duy mới về phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới”. GS, TS Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ đồng chủ trì buổi tọa đàm. Đến dự
28/05/2014